Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Làm bạn với lòng tham và nỗi sợ hãi


Friday, 26 June 2009
Giá CP trên TTCK không phải là sự gặp gỡ cân bằng giữa cung và cầu, mà được điều khiển bằng lòng tham và nỗi sợ hãi.

Những kiến thức vỡ lòng về tâm lý đầu tư đó có thể tìm thấy trong nhiều cuốn sách về TTCK, đã trở nên hấp dẫn hơn khi được chuyển tải bằng những ví dụ có thật của một chuyên gia từng trải qua hơn 20 năm "khói lửa" từ sàn vàng, CK đến thị trường hàng hóa và công cụ phái sinh trong buổi toạ đàm chiều 4.3 vừa qua.

Đừng làm "chuyên gia" mua đáy bán đỉnh

Không nhiều công thức hay biểu đồ, chuyên gia cao cấp về phân tích kỹ thuật của Hãng Bloomberg phụ trách khu vực Châu Á - TBD, ông Gregg Tan - từng có hơn 20 năm kinh nghiệm "trận mạc" dưới trướng của NH Đầu tư HSBC - đã giúp NĐT cá nhân có cái nhìn thực tế hơn về tâm lý thị trường. Tại sao có những CP mà đã có lúc thị trường sẵn sàng trả giá hàng trăm ngàn đồng nhưng lại không thể quyết định mua khi giá chỉ còn vài chục ngàn đồng. Đâu là những yếu tố cần có để dẫn đến thành công của một NĐT trên TTCK?

Lòng tham và nỗi sợ hãi luôn là một đặc tính của mọi người và chính sự mất cân bằng của hai yếu tố này tạo nên những biến động trên thị trường.

Theo chuyên gia Gregg Tan, giá không phải là sự cân bằng cung - cầu như lý thuyết kinh tế, mà là điểm gặp gỡ của lòng tham và nỗi sợ hãi: "Một thực tế rất hiển nhiên, khi bạn chấp nhận mua vào một CP ở mức giá nào đó, tức là bạn cho rằng giá đó là hợp lý. Tuy nhiên, nếu ai cũng nghĩ như vậy thì ai là người bán CP đó cho bạn? Rõ ràng người bán lại cho rằng giá đó đã là không hợp lý. Người mua bị chi phối bởi lòng tham (rằng giá sẽ còn lên nữa, đồng nghĩa với lợi nhuận) và hy vọng (giá sẽ lên chứ không xuống)".

Đối với những NĐT thiếu kinh nghiệm, vòng xoáy của lòng tham và nỗi sợ hãi là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ. Khi giá CP đang ở rất thấp, giao dịch èo uột thì rất ít người chú ý. Chỉ những NĐT (hay tổ chức) có kinh nghiệm nhìn thấy cơ hội và quyết định mua vào, giá bắt đầu tăng. Khi đó, đa số thị trường vẫn tiếp tục hoài nghi và cho rằng đó chỉ là sự đảo chiều nhất thời.

Chỉ khi giá tăng cao hơn và bắt đầu có đông NĐT mua vào, CP đó mới thu hút được sự chú ý của thị trường. Khi giá tăng liên tục cao hơn nữa, đa số phần còn lại của thị trường mới bắt đầu bị thuyết phục rằng quả thực giá CP đang lên và lòng tham bắt đầu nổi lên với nỗi lo bị lỡ chuyến tàu lợi nhuận. Đây chính là thời điểm thị trường bùng phát và ai ai cũng vui vẻ mua vào.

Tuy nhiên, khi số đông đã mua được CP thì giá lại bắt đầu giảm. Những sụt giảm ban đầu hầu như không được thị trường tin, mà chỉ cho rằng đó là một sự điều chỉnh để rồi tăng tiếp. Khi giá tiếp tục giảm mạnh hơn, NĐT cá nhân bắt đầu rơi vào tình trạng huyễn hoặc bản thân (self-denial), không chịu tin rằng mình đã sai, đi cùng hy vọng rằng giá sẽ trở lại mức mình đã mua. Họ sẽ tìm mọi cách để chứng minh hy vọng đó, thậm chí chỉ tìm đến những lời bàn thuận tai.

Tuy nhiên giá tiếp tục giảm mạnh hơn, NĐT bắt đầu hoảng loạn, chấp nhận mình đã sai và bán ra ồ ạt. Đúng lúc đó sự thu gom lại xuất hiện và giá quay trở lại chu kỳ tăng.

"Đây là chu trình xoay vòng điển hình của thị trường bị chi phối bởi tâm lý. Trong hơn 20 năm làm việc, tôi đã chứng kiến những biến chuyển tâm lý đó lặp đi lặp lại. Điều mấu chốt để tránh sai lầm này là bạn phải tâm niệm rằng thị trường không bao giờ sai, chỉ có bạn sai và phải sửa sai thật nhanh và kiên quyết", chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiểu những "tay chơi" trên TTCK

Một kinh nghiệm có thật, vào năm 1990 khi ông được lệnh từ "hành dinh" HSBC yêu cầu mua hàng ngàn lô đối với đồng USD trên thị trường ngoại hối. Đây là giao dịch cực lớn vào thời điểm đó. "Tôi đã xé nhỏ khối lượng mua đó thành nhiều lần và người môi giới của tôi liên tục đặt giá cao hơn thị trường và tưởng rằng tôi bị điên. Nhưng các giao dịch đó đã đẩy giá lên liên tục và đến lúc các tổ chức lớn như Citigroup cũng nhảy vào tham chiến thì giá đồng USD đã nhảy vọt. Tôi muốn nói một điều rằng, trên thị trường, bạn đã lớn, tôi còn có thể lớn hơn".

Từ ví dụ đó, chuyên gia này cho rằng NĐT cần phải hiểu rõ các thế lực tham gia thị trường: "Trên TTCK cũng vậy, không chỉ có các NĐT cá nhân, mà còn có các nhà đầu cơ chuyên nghiệp (floor trader), các Cty, NH, các quỹ và các CTCK". Mỗi "tay chơi" trên thị trường có những chiến lược đầu tư khác nhau. Vì vậy, cách tiếp cận thị trường cũng khác nhau. Do đó, NĐT cần xác định rõ ràng phương thức tiếp cận, chiến lược ngắn hạn, dài hạn cho mình và trung thành với nó. "Sau 20 năm kinh nghiệm, với tôi dưới đây là 10 phẩm chất của một NĐT thành công" (box).

10 phẩm chất của một NĐT thành công

1. Hiểu rõ động lực đầu tư là kiếm lợi nhuận
2. Khống chế tình cảm, hiểu biến chuyển tâm lý sợ hãi và tham lam
3. Hiểu được các rủi ro liên quan đến hoạt động đầu tư
4. Kiên định với các phân tích của mình, ra quyết định độc lập
5. Tập trung vào kế hoạch và kiên nhẫn
6. Không biến khoản đầu tư ngắn hạn thành dài hạn
7. Cắt lỗ sớm nhưng cũng tối đa hóa lợi nhuận, không bình quân giá xuống
8. Không đi vượt ra khỏi kế hoạch ban đầu (over-trade)
9. Có chiến lược rõ ràng
10. Tuyệt đối tuân thủ kỷ luật

Theo Lao Động
source http://chungkhoan24h.com/kinh-nghiem-dau-tu/lam-ban-voi-long-tham-va-noi-so-hai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét