Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Lượng giao dịch tại hai sàn cực thấp



25/01/2010 14:05

(HNMO) - Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (25/1), thị trường chứng khoán tập trung Tp.HCM và Hà Nội diễn biến trái nhiều nhưng có điểm chung là lượng giao dịch rất thấp. Tổng lượng chứng khoán tại cả hai thị trường được chuyển nhượng chỉ là trên 35 triệu đơn vị.

Như vậy, lượng giao dịch này chưa bằng lượng giao dịch trong một phiên sôi động tại sàn Hà Nội.

Trên sàn Tp.HCM, hôm nay, tính cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường chỉ có 21,334 triệu đơn vị được giao dịch thành công, tương ứng giá trị chưa đầy 1.000 tỷ đồng (868,288 tỷ đồng).

Trong phiên cuối tuần trước, lượng giao dịch tại đây đã sụt giảm mạnh, tới 27%, chỉ có 30 triệu đơn vị được chuyển nhượng thì hôm nay, lượng giao dịch còn thấp hơn rất nhiều.


Tổng lượng giao dịch trên cả hai sàn ngày 25/1 chỉ đạt hơn 35 triệu đơn vị. Ảnh minh họa

Thị trường chưa có thông tin nào về kinh tế vĩ mô, trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ hạ mạnh vào phiên cuối tuần trước khiến cho nhà đầu tư tại thị trường trong nước khá dè dặt với việc mua-bán cổ phiếu, cộng với tâm lý nghỉ ngơi của nhà đầu tư trước Tết nguyên đán được coi là những nguyên chính chính khiến lượng giao dịch thấp như vậy.

Tính thanh khoản kém xuất hiện ngay ở đợt khớp lệnh đầu tiên: chỉ có hơn 1,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng , tương ứng giá trị 62,593 tỷ đồng; Vn-Index giảm 0,84 điểm, tương đương 0,17%, xuống mức 476,75 điểm.

Sang đợt khớp lệnh thứ hai, lúc đầu, chỉ số chung của thị trường đảo chiều tăng nhẹ, sau đó lại giảm, rồi lại tăng. Chốt đợt này, Vn-Index ghi 3,45 điểm (0,72%) lên mức 481,04 điểm. Tổng cộng chỉ có 15,338 triệu đơn vị được giao dịch thành công trong đợt này, giá trị đạt trên 611 tỷ đồng.

Kết thúc phiên, Vn-Index tăng 3,32 điểm, tương đương 0,69%, lên mức 480,91 điểm.

Cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo. Toàn thị trường có 130 mã tăng giá, 35 mã giá và 44 mã đứng giá.

Trong nhóm cổ phiếu blue-chips, phần lớn ghi điểm: BVH và CTG cùng tăng 400 đồng/cổ phiếu, HPG và SJC cùng ghi 1.000 đồng/cổ phiếu, FPT, KBC và PVF cùng tăng 500 đồng/cổ phiếu, ITA và REE đều tăng 600 đồng/cổ phiếu, PPC ghi 100 đồng/cổ phiếu và VNM tăng 2.000 đồng/cổ phiếu.

Ớ phía bên kia, DPM và STB cùng mất 100 đồng/cổ phiếu, HAG, SSI và VIC đều hạ 500 đồng/cổ phiếu. Các mã cổ phiếu lớn khác là EIB, SAM, VCB và VPL giữ giá tham chiếu. Như vậy, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn khá yếu.

Tuần này, những thông tin quan trọng như CPI tháng 1/2010, lãi suất cơ bản sẽ được công bố. Nếu CPI của tháng đầu tiên trong năm có chiều hướng tăng cao, nhiều người lo ngại Chính phủ có thể tăng lãi suất cơ bản, và như thế thị trường chưa thể ấm lên. Ngược lại, nếu CPI ở mức thấp, thị trường sẽ ấm lên.

Trong khi sàn Tp.HCM lên điểm thì sàn Hà Nội lại đi xuống. Kết thúc phiên, HNX-Index dừng ở mức 157,03 điểm, giảm 0,55 điểm, tương đương giảm 0,35%. Giao dịch thấp với trên 14 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị là gần 435 tỷ đồng.

Trên sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (0,77%), lên mức 52,3 điểm. Tòan thị trường có 86.210 cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị là 1,293 tỷ đồng.

Hương Thủy source http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chung_khoan/306647/luong-giao-dich-tai-hai-san-cuc-thap.htm

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Vn-Index mất mốc 480 điểm



21/01/2010 12:49

(HNMO) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/1, Vn-Index giảm tiếp hơn 11 điểm, mất mốc 480 điểm bởi nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh bán cổ phiếu khiến hầu hết các mã giảm giá. Điều đáng ghi nhận trong phiên này là tính thanh khoản tăng đáng kể.

Mở cửa thị trường hôm nay, nhà đầu tư đón nhận thông tin không tốt là thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 20/1 trước một số thông tin không khả quan; trong đó, số nhà mới khởi công ở Mỹ trong tháng 12/2009 đã giảm 4% xuống 557.000 căn, thấp hơn so với mức dự báo 580.000 của giới phân tích, từ mức 580.000 căn của tháng 11/2009. Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones giảm 122,28 điểm (-1,14%), dừng ở mức 10.603,15 điểm; chỉ số Nasdaq hạ 29,15 điểm (-1,26%), còn 2.291,25 điểm; chỉ số S&P 500 mất 12,19 điểm (-1,06%), chốt ở mức 1.138,04 điểm.




Vn-Index giảm 2 phiên liên tiếp. Ảnh minh họa

Thông tin trên cộng với Vn-Index đã thủng ngưỡng hỗ trợ 485 điểm khiến nhà đầu tư tăng cường bán mạnh cổ phiếu.

Ở đợt khớp lệnh đầu, ngưỡng hỗ trợ trên bị mất khi Vn-Index giảm 7,53 điểm, tương đương 1,53%, xuống mức 481,97 điểm. Kết thúc phiên, chỉ số chung của thị trường hạ 11,08 điểm, tương đương giảm 2,26%, còn mức 478,42 điểm. Như vậy, đây là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của Vn-Index.

Giống như phiên trước, hôm nay, hầu hết mã chứng khoán giảm giá: chỉ 15 mã đi lên trong khi có tới 180 mã đi xuống, 12 mã giứ giá tham chiếu.

Nếu như phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu blue-chips có 3 “đốm” xanh thì hôm nay chỉ có 1 là VPL (+1.100 đồng/cổ phiếu), CTG và VIC đứng giá, còn lại đều giảm giá, trong đó ITA và SAM giảm sàn lần lượt 1.600 đồng/cổ phiếu và 1.400 đồng/cổ phiếu.

Thậm chí VNM và FPT hôm qua tăng giá (VNM tăng trần) sau khi kết quả kinh doanh năm 2009 được công bố thì hôm nay cũng quay đầu mất 1.000 đồng/cổ phiếu và 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ở phiên này, kết quả kinh doanh dù có tốt đến mấy cũng không “cứu vãn” được thị trường.

Mặc dù chỉ số chung giảm khá mạnh nhưng tính thanh khoản được cải thiện đáng kể. Toàn thị trường có 41,822 triệu đơn vị được giao dịch thành công, tăng 19% so với phiên trước; tương ứng giá trị trên 1.862 tỷ đồng.

Đạt khối lượng giao dịch cao đều là các mã blue-chips: STB dẫn đầu với trên 2,1 triệu cổ phiếu, SSI đứng thứ 2 với gần 2 triệu cổ phiếu. Các mã KBC, EIB, SAM đạt lần lượt 1,484 triệu cổ phiếu, 1,35 triệu cổ phiếu và 1,349 triệu cổ phiếu.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch khá lớn, lượng cổ phiếu họ mua gấp đôi bán. Khối này mua 4.914.090 cổ phiếu trong khi chỉ bán 2.131.240 cổ phiếu.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index kết thúc phiên ở mức 157,64 điểm, giảm 3,41 điểm, tương đương 2,12 %. Khối lượng giao dịch tăng đáng kể, đạt 23,843 triệu cổ phiếu, giá trị đạt hơn 782 tỷ đồng.

Cùng chiều với hai thị trường chính thức, trên thị trường dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Iindex hạ 0,79 (-1,5%), xuống mức 51,74 điểm. Giao dịch chỉ đạt 58.250 cổ phiếu, bằng 1/2 phiên giao dịch sáng qua, giá trị là 696,613 triệu đồng.


Hương Thủy
source
http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chung_khoan/306236/vnindex-mat-moc-480-diem.htm

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Chứng khoán quay về xu thế giảm


Thứ tư, 20/1/2010, 11:32 GMT+7

Mới tiến gần đến mốc 500 hôm qua, chỉ số sàn TP HCM kết phiên giao dịch hôm nay đã xuống dưới ngưỡng 490, sau khi mất 6,01 điểm (1,21%)
> Vn-Index xích lại gần mốc 500/ Gần 19 triệu cổ phiếu CTD niêm yết trên HOSE

Quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước - một động thái có thể xem như nới lỏng tiền tệ, cũng như thông tin chỉ số giá tiêu dùng TP HCM không tăng mạnh như quan ngại của nhiều người, dường như vẫn chưa đủ khích lệ nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trong phiên hôm nay. Lực cầu ít đã không giúp Vn-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp, ngược lại còn mất luôn mốc 490 và lùi xa ngưỡng tâm lý 500.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons Nguyễn Bá Dương gõ chiêng chính thức giao dịch cổ phiếu CTD trên HOSE sáng 20/1. Ảnh: B.H.

Trong trạng thái dè dặt, cả người mua lẫn bán đều giao dịch ở thế cầm chừng. Ngoài những nhà đầu tư chưa rõ xu hướng thị trường nên chần chừ mua vào, thì cũng có một số nhà đầu tư muốn tạm lui khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Với diễn biến này, thanh khoản thị trường tuy lên nhẹ so với phiên 19/1, nhưng vẫn đứng mức thấp và chỉ bằng một nửa so với tháng 10, 11 năm ngoái. Cụ thể, chưa đến 36 triệu chứng khoán chuyển nhượng ở cả hai phương thức giao dịch: khớp lệnh và thỏa thuận, tổng giá trị cả phiên có 1.634 tỷ đồng.

Nếu blue-chip hôm qua ào ạt đi lên, thì phiên này gần như đều mất điểm, ngoại trừ BVH, FPT, VNM. Một số cổ phiếu ngành thủy sản, cao su, bất động sản, dược, khoáng sản... giảm hết biên độ. Toàn sàn HOSE có 27 cổ phiếu tăng, 18 mã đứng và 162 cổ phiếu giảm.

Hôm nay là ngày chào sàn đầu tiên của Công ty cổ phần xây dựng Cotec - Coteccons (mã CTD), với số lượng gần 19 triệu cổ phiếu. Ngược với xu thế giảm chung của thị trường, CTD tăng kịch trần và đóng cửa tại 114.000 đồng, so với giá tham chiếu 95.000 đồng. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản này không còn dư bán vào lúc kết phiên, trong khi có hơn 150.000 cổ phiếu chờ được mua giá trần. CTD ngày giao dịch đầu tiên khớp 137.060 cổ phiếu.

KSB (Công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương) cũng khởi đầu ấn tượng trong ngày ra mắt, khi đóng cửa với giá trần 42.000 đồng, trống dư bán và chỉ khớp có 20 cổ phiếu.

Giao dịch kém sôi động trên sàn Hà Nội khi chỉ có 18 triệu cổ phiếu giao dịch, mức thấp nhất kể từ đầu năm, tương đương 575,3 tỷ đồng. HNX-Index hạ 4,85 điểm (2,92%), chốt tại 161,05 điểm.

Lúc 11h, UPCoM-Index đạt 53,91 điểm, tăng nhẹ 0,79 điểm (1,49%). Thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết có 91.020 cổ phiếu sang tay, ứng với 1,1 tỷ đồng.

Bạch Hường

source

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Chung-khoan/2010/01/3BA17F1D/

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Vn-Index “rơi” khỏi mốc 500 điểm


12/01/2010 12:32

(HNMO) - Lệnh bán được nhà đầu tư tung ra mạnh mẽ khiến hầu hết cổ phiếu giảm giá, trong đó nhiều mã giảm sàn, đẩy Vn-Index giảm tới gần 17 điểm, rời khỏi ngưỡng 500 điểm.

Tín hiệu thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm xuất hiện ngay ở đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa khi Vn-Index hạ 3,82 điểm, tương đương 0,74%, xuống mức 511,24 điểm. Giao dịch khá thấp với chỉ 3,403 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị đạt 136,935 tỷ đồng.

Ở đợt khớp lệnh liên tục, mặc dù có thời điểm chỉ số chung tăng điểm nhẹ nhưng lượng bán ra lại mạnh lên bởi nhiều nhà đầu tư đã đạt mức kỳ vọng khi đầu tư ở giai đoạn thị trường dưới ngưỡng 500 điểm, trong khi lệnh đặt mua chủ yếu mua ở mức giá thấp hơn giá tham chiếu khiến Vn-Index giảm trở lại. Đến cuối đợt này, Vn-Index hạ 12,45 điểm, tương đương 2,41%, xuống sát mốc 500 điểm, chỉ còn 502,61 điểm.




Vn-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Ảnh minh họa



Vn-Index chính thức mất mốc 500 điểm ở đợt khớp lệnh 3. Đây cũng là đợt giảm điểm mạnh nhất trong phiên này. Với lệnh bán được nhà đầu tư tới tấp đưa ra, Vn-Index hạ 16,75 điểm, tương đương 3,25%, tạm dừng ở mức 498,31 điểm, đánh dấu phiên đi xuống thứ 4 liên tiếp.

Sức cung mạnh mẽ thể hiện rõ qua số chứng khoán tăng-giảm giá. Trong 203 mã, có tới 179 mã đi xuống (nhiều mã giảm sàn), nhiều gấp hơn 10 lần số mã tăng giá (16 mã), 8 mã còn lại giữ giá tham chiếu.

Hôm nay, tất cả các mã blue-chips đều đi xuống, trong đó một số mã giảm sàn: ITA (-1.800 đồng/cổ phiếu), REE (-2.200 đồng/cổ phiếu), SAM (-1.500 đồng/cổ phiếu), SSI (-4.500 đồng/cổ phiếu).

Không chỉ các cổ phiếu blue-chips trên giảm sàn, một loạt cổ phiếu khác cũng giảm sàn. Đó là: AGD, AGF, AGR, ANV, CAD, CII, ICF, MHC, MTG, HAX, HCM, GMC, GTA, GIL, DXG, FBT, FMC, VSG, VNE, VNI…

Giao dịch đã tăng đáng kể so với phiên trước. Kể cả giao dịch thỏa thuận, toàn thị trường có gần 53 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 2.327 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Hôm nay họ mua tới 3.577.470 cổ phiếu trong khi chỉ bán ra 1.768.000 cổ phiếu.

Nhận định trước phiên này, Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, thị trường trong ngắn hạn sẽ còn tiếp tục điều chỉnh nếu như không có những thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như chính sách tiền tệ trong nước.

Thời điểm hiện tại, dường như những kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 4/2009 của các doanh nghiệp niêm yết không lớn bằng những băn khoăn của nhà đầu tư về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng như chính sách tiền tệ cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 2010.


Công ty này khuyên nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục nhằm hạn chế rủi ro, tăng tỷ lệ tiền mặt để sẵn sàng cho việc đón nhận cơ hội khi thị trường quay về một mặt bằng giá hấp dẫn hơn.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index hạ thêm 6,46 điểm, tương đương 3,65%, xuống mức 170,57 điểm. Toàn thị trường có 27,608 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Cùng chiều với hai thị trường chính thức, trên thị trường dành cho cổ phiếu chưa niêm yết, UPCoM-Index hạ 0,15 điểm (-0,29%), chốt phiên buổi sáng ở mức 51,65 điểm.

Giao dịch không còn sôi động như phiên trước. Toàn thị trường có 61.334 cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 679,601 triệu đồng.

Hương Thủy
source

http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chung_khoan/305328/vnindex-roi-khoi-moc-500-diem.htm
Không được triển khai sản phẩm đầu tư chỉ số Vn-Index
12/01/2010 13:28

(HNMO) - Hôm qua (11/1), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu các công ty không được triển khai tổ chức giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số Vn-Index.

Theo UBCKNN, trên cơ sở phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về việc các công ty: Công ty Cổ phần Kinh doanh đầu tư tài chính Vàng thế giới, Công ty Đại Long và Công ty Cổ phần Hai mươi bốn (thuộc SJC) tổ chức giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số chứng khoán Vn-Index, sau khi xem xét sơ bộ, UBCKNN thấy rằng việc tổ chức giao dịch các sản phẩm nói trên đã vi phạm quy định tại Điều 33 Luật Chứng khoán về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.

Vì thế, UBCKNN yêu cầu các công ty không được triển khai việc tổ chức hoạt động giao dịch, quảng bá và cung cấp dịch vụ cho các sản phẩm nói trên; đồng thời có ngay thông báo rút lại các quảng cáo, công bố thông tin đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các công ty có công văn gửi UBCKNN trong ngày 13/01/2010 giải trình cụ thể về sản phẩm giao dịch chỉ số Vn-Index và hoạt động tổ chức giao dịch sản phẩm này.

Được biết, đầu tư chỉ số Vn-Index là hình thức kinh doanh mới tại Việt Nam, chưa nhận được sự đồng thuận của nhà quản lý. Theo giới thiệu, khách hàng đầu tư vào sản phẩm này trong một thời gian nhất định sẽ bảo đảm đạt tỷ suất lợi nhuận bằng với tỷ suất lợi nhuận của chỉ số Vn-Index trong cùng khoảng thời gian đó.

Tuy nhiên, đánh giá cho thấy, hình thức kinh doanh này gần giống với hình thức chơi lô đề, cá cược giá lên-xuống. Hình thức kinh doanh này sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường, bởi trong trường hợp một nhóm nhà đầu tư có tổ chức liên kết với nhau để đẩy giá cổ phiếu lên hoặc đẩy giá xuống, sẽ gây ảnh hướng lớn tới chỉ số Vn-Index. Vì vậy, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro. Hơn nữa, hiện chỉ số Vn-Index chưa thể là đại diện của nền kinh tế nên không thể lấy Vn-Index để cá cược.


T.H
source
http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chung_khoan/305331/khong-duoc-trien-khai-san-pham-dau-tu-chi-so-vnindex.htm

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Trả thêm người gửi, thu phí người vay


Thứ Tư, 06/01/2010, 06:31 (GMT+7)


TT - Đang diễn ra tình trạng ngân hàng (NH) lách trần lãi suất để trả thêm cho người gửi tiền và thu thêm phí của người vay. Nhưng không làm thế thì NH không có vốn để cho vay, còn doanh nghiệp thì đói vốn.

Diễn biến lãi suất VND trong thời gian gần đây - Đồ họa: V.Cường

Dù lãi suất vay trên danh nghĩa cao nhất là 12%/năm nhưng nhiều doanh nghiệp phải trả đến 15%, trong đó có 3% là phí. NH Nhà nước cũng quy định NH chỉ được trả cho người gửi không quá 10,5%/năm nhưng để có vốn, các NH đã phải trả cao hơn.

Thu thêm phí 3-4%/năm

Giám đốc một doanh nghiệp cho biết NH thông báo lãi suất vay kỳ hạn ba tháng là 15,6%/năm. Trong đó 3,6%/năm là các khoản phí thẩm định, phí quản lý tài sản đảm bảo... do các đơn vị cung cấp dịch vụ, thường là công ty con của NH thu. Theo vị giám đốc này, trước đây các khoản phí này chỉ bằng phân nửa so với mức hiện tại. Mức thu phổ biến được áp dụng hiện nay từ 2,5-3%/năm. Cũng có doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ của NH thì không phải trả các khoản phí này hoặc chỉ trả rất ít.

Ông Nguyễn Băng Tâm, phó chủ tịch Câu lạc bộ các doanh nghiệp niêm yết, cho biết nhiều doanh nghiệp phản ảnh chi phí vốn tăng thêm do phải trả thêm nhiều khoản phí dẫn đến khó khăn trong sản xuất, giá hàng hóa cũng bị đẩy lên.

Cũng có trường hợp không thu phí nhưng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho khoản vay vẫn lên đến 15-16%. Phó giám đốc một công ty may ở TP.HCM cho biết NH cho vay 10 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp chỉ lấy 8 tỉ, còn 2 tỉ đồng phải gửi lại để làm đảm bảo cho khoản lãi vay phải trả. Tiền vay thì lãi cao, tiền gửi lãi thấp, tính ra doanh nghiệp vẫn phải trả nhiều hơn trần lãi suất cho vay theo quy định của NH Nhà nước.

Đầu ra tăng theo đầu vào

Hầu hết các NH đều khẳng định không thể cho vay nếu theo đúng trần lãi suất do NH Nhà nước quy định. Lãi suất huy động trên thực tế đã vượt 10,5%/năm, nếu cộng thêm các khoản thưởng, khuyến mãi lên đến gần 12%/năm. Nhiều NH không thể huy động hoặc không giữ được khách hàng gửi tiền nếu cứ duy trì lãi suất huy động dưới 10,5%/năm. Vì thế buộc nhiều NH phải trả thêm dưới nhiều hình thức. Khi lãi suất huy động lên đến 12%, thậm chí 13%/năm thì NH buộc phải tìm cách lách trần lãi suất cho vay để không bị lỗ.

Hiện các NH đang học hỏi lẫn nhau về cách thu phí để không bị NH Nhà nước thổi còi. Vì vậy, công nghệ thu phí hứa hẹn sẽ ngày càng tinh vi hơn. Thực tế dù có thu phí nhưng NH vẫn kén khách. Nguồn vốn huy động hạn hẹp nên các NH chỉ cho vay từ số vốn thu nợ được.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Q.10, TP.HCM cho biết nhân viên tín dụng một NH cổ phần hướng dẫn doanh nghiệp làm hợp đồng tư vấn tài chính, trong đó trình bày một số vướng mắc trong phương thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu được NH tư vấn hỗ trợ phương án sử dụng vốn. Bằng hợp đồng này khách hàng phải trả một khoản phí tư vấn tài chính bằng gần 1% khoản vay do công ty con của NH thu.

A.HỒNG - T.SƠN

Thiếu vốn, do ai?

Việt Nam thuộc nhóm mười nước có lãi suất cao trên thế giới. Điều này mâu thuẫn với chủ trương kích thích kinh tế của Chính phủ cũng như xu thế của thế giới là duy trì lãi suất thấp để vực dậy nền kinh tế.

Lạm phát cả năm chưa tới 7% nhưng lãi suất huy động là 10,5%, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh lên đến 12-15%/năm.

NH Nhà nước cũng thấy được sự không bình thường của lãi suất, đã dùng đến các biện pháp hành chính thông qua trần lãi suất để giữ lãi suất ở mức doanh nghiệp và nền kinh tế chịu đựng được. Thế nhưng, cả NH và doanh nghiệp cùng đang cố gắng thoát ra khỏi các loại trần này.

Với NH phải trả thêm cho người gửi tiền thông qua thưởng, khuyến mãi, tặng quà... để huy động được vốn. Doanh nghiệp thì chấp nhận trả thêm ngoài 12% thông qua các loại phí do NH đặt ra. Không ai muốn phải trả thêm tiền nhưng thà làm thế để có vốn hơn là ngồi nhìn trần lãi suất mà chẳng có tiền để kinh doanh.

Nhu cầu vốn cao, nguồn vốn có hạn thì lãi suất phải tăng. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng là gần 38% so với năm 2008 trong khi huy động chỉ tăng 28%. Tình trạng thiếu vốn nằm ở khoản hụt này. Nguồn vốn huy động tăng chậm là do NH Nhà nước đã kiểm soát quá chặt kênh bơm tiền cho nền kinh tế với mục tiêu ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại.

Sẽ khó khăn cho NH Nhà nước khi vừa phải đề phòng tái lạm phát cao, vừa phải đảm bảo vốn để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu, lại không được sử dụng công cụ lãi suất theo thị trường để điều tiết cung - cầu vốn. Nhưng cũng không thể bỏ qua một thực trạng là nhiều doanh nghiệp đang phải đánh vật với tình trạng thiếu vốn, còn NH thì phải nghĩ ra cách thức trả thêm cho người gửi, thu thêm của người vay để không bị thổi còi.

Nếu cứ thắt chặt kênh bơm tiền thì tình trạng thiếu vốn sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong năm 2010. Khi đó các biện pháp hành chính về kiểm soát đà tăng của lãi suất sẽ ít có tác dụng, tình trạng thu phí sẽ còn nở rộ.

T.TU.

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=357008&ChannelID=11

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

VN sẽ đóng cửa các sàn giao dịch vàng




Các sàn vàng của Việt Nam chỉ còn 90 ngày để kết thúc hoạt động

Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa tất cả các sàn giao dịch vàng trên toàn quốc với tổng giao dịch một tỷ đô la mỗi ngày vào cuối tháng Ba, theo báo Financial Times của Anh.

Chính phủ lo sợ rằng hoạt động của khoảng 20 sàn giao dịch vàng đang vượt khỏi tầm kiểm soát và các hoạt động đầu cơ đã làm giá vàng tăng cao.

Quyết định đóng cửa này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 30/12.

Mặc dù các sàn vàng sẽ chỉ còn hoạt động được trong ba tháng tới, hoạt động kinh doanh vàng trang sức vẫn sẽ được tiến hành bình thường, theo nội dung quyết định.

Nhưng ông Dũng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân Tỉnh "có sự tổ chức và hướng dẫn cụ thể để hoạt động này đi vào nề nếp và đúng quy định."

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam nói với VnExpress nếu giá vàng tiếp tục giữ giá từ nay cho tới tháng Ba, nhiều nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ vì hiện vẫn đang giữ vàng đã mua trước vào với giá cao và buộc phải bán khi các sàn đóng cửa.

Ông Hải cũng nói các sàn vàng chui có thể sẽ bùng nổ như từng xảy ra trước đây khi chưa có các sàn giao dịch vàng chính thức.

Ham vàng

Quyết định của Thủ tướng Việt Nam cũng cấm việc sử dụng tài khoản ở nước ngoài để kinh doanh vàng.

Các sàn vàng đã trở thành nguồn lợi tức cho nhiều ngân hàng và các công ty mở sàn giao dịch nhưng các chuyên gia cho rằng nguồn tiền đổ vào sàn vàng sẽ làm cho thị trường chứng khoán và nhà đất khó hồi phục, theo Financial Times.

Báo này cũng nói Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ vàng lớn nhất trên thế giới và người Việt Nam mua một lượng vàng tính theo đầu người bằng với người Đức cho dù người Đức có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 40 lần so với người Việt Nam.

Nhưng việc tiêu thụ vàng nhiều đã gây sức ép lên tiền đồng Việt Nam và là một trong những lý do chính khiến chính phủ phải phá giá tiền đồng hơn 5% hồi cuối tháng Mười Một.

Vàng nhập khẩu cũng góp phần làm tăng thâm hụt mậu dịch của Việt Nam vốn lên tới 12,2 tỷ đô la trong năm 2009, theo Financial Times.

source

BBC Vietnamese