Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Trả thêm người gửi, thu phí người vay


Thứ Tư, 06/01/2010, 06:31 (GMT+7)


TT - Đang diễn ra tình trạng ngân hàng (NH) lách trần lãi suất để trả thêm cho người gửi tiền và thu thêm phí của người vay. Nhưng không làm thế thì NH không có vốn để cho vay, còn doanh nghiệp thì đói vốn.

Diễn biến lãi suất VND trong thời gian gần đây - Đồ họa: V.Cường

Dù lãi suất vay trên danh nghĩa cao nhất là 12%/năm nhưng nhiều doanh nghiệp phải trả đến 15%, trong đó có 3% là phí. NH Nhà nước cũng quy định NH chỉ được trả cho người gửi không quá 10,5%/năm nhưng để có vốn, các NH đã phải trả cao hơn.

Thu thêm phí 3-4%/năm

Giám đốc một doanh nghiệp cho biết NH thông báo lãi suất vay kỳ hạn ba tháng là 15,6%/năm. Trong đó 3,6%/năm là các khoản phí thẩm định, phí quản lý tài sản đảm bảo... do các đơn vị cung cấp dịch vụ, thường là công ty con của NH thu. Theo vị giám đốc này, trước đây các khoản phí này chỉ bằng phân nửa so với mức hiện tại. Mức thu phổ biến được áp dụng hiện nay từ 2,5-3%/năm. Cũng có doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ của NH thì không phải trả các khoản phí này hoặc chỉ trả rất ít.

Ông Nguyễn Băng Tâm, phó chủ tịch Câu lạc bộ các doanh nghiệp niêm yết, cho biết nhiều doanh nghiệp phản ảnh chi phí vốn tăng thêm do phải trả thêm nhiều khoản phí dẫn đến khó khăn trong sản xuất, giá hàng hóa cũng bị đẩy lên.

Cũng có trường hợp không thu phí nhưng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho khoản vay vẫn lên đến 15-16%. Phó giám đốc một công ty may ở TP.HCM cho biết NH cho vay 10 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp chỉ lấy 8 tỉ, còn 2 tỉ đồng phải gửi lại để làm đảm bảo cho khoản lãi vay phải trả. Tiền vay thì lãi cao, tiền gửi lãi thấp, tính ra doanh nghiệp vẫn phải trả nhiều hơn trần lãi suất cho vay theo quy định của NH Nhà nước.

Đầu ra tăng theo đầu vào

Hầu hết các NH đều khẳng định không thể cho vay nếu theo đúng trần lãi suất do NH Nhà nước quy định. Lãi suất huy động trên thực tế đã vượt 10,5%/năm, nếu cộng thêm các khoản thưởng, khuyến mãi lên đến gần 12%/năm. Nhiều NH không thể huy động hoặc không giữ được khách hàng gửi tiền nếu cứ duy trì lãi suất huy động dưới 10,5%/năm. Vì thế buộc nhiều NH phải trả thêm dưới nhiều hình thức. Khi lãi suất huy động lên đến 12%, thậm chí 13%/năm thì NH buộc phải tìm cách lách trần lãi suất cho vay để không bị lỗ.

Hiện các NH đang học hỏi lẫn nhau về cách thu phí để không bị NH Nhà nước thổi còi. Vì vậy, công nghệ thu phí hứa hẹn sẽ ngày càng tinh vi hơn. Thực tế dù có thu phí nhưng NH vẫn kén khách. Nguồn vốn huy động hạn hẹp nên các NH chỉ cho vay từ số vốn thu nợ được.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Q.10, TP.HCM cho biết nhân viên tín dụng một NH cổ phần hướng dẫn doanh nghiệp làm hợp đồng tư vấn tài chính, trong đó trình bày một số vướng mắc trong phương thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu được NH tư vấn hỗ trợ phương án sử dụng vốn. Bằng hợp đồng này khách hàng phải trả một khoản phí tư vấn tài chính bằng gần 1% khoản vay do công ty con của NH thu.

A.HỒNG - T.SƠN

Thiếu vốn, do ai?

Việt Nam thuộc nhóm mười nước có lãi suất cao trên thế giới. Điều này mâu thuẫn với chủ trương kích thích kinh tế của Chính phủ cũng như xu thế của thế giới là duy trì lãi suất thấp để vực dậy nền kinh tế.

Lạm phát cả năm chưa tới 7% nhưng lãi suất huy động là 10,5%, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh lên đến 12-15%/năm.

NH Nhà nước cũng thấy được sự không bình thường của lãi suất, đã dùng đến các biện pháp hành chính thông qua trần lãi suất để giữ lãi suất ở mức doanh nghiệp và nền kinh tế chịu đựng được. Thế nhưng, cả NH và doanh nghiệp cùng đang cố gắng thoát ra khỏi các loại trần này.

Với NH phải trả thêm cho người gửi tiền thông qua thưởng, khuyến mãi, tặng quà... để huy động được vốn. Doanh nghiệp thì chấp nhận trả thêm ngoài 12% thông qua các loại phí do NH đặt ra. Không ai muốn phải trả thêm tiền nhưng thà làm thế để có vốn hơn là ngồi nhìn trần lãi suất mà chẳng có tiền để kinh doanh.

Nhu cầu vốn cao, nguồn vốn có hạn thì lãi suất phải tăng. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng là gần 38% so với năm 2008 trong khi huy động chỉ tăng 28%. Tình trạng thiếu vốn nằm ở khoản hụt này. Nguồn vốn huy động tăng chậm là do NH Nhà nước đã kiểm soát quá chặt kênh bơm tiền cho nền kinh tế với mục tiêu ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại.

Sẽ khó khăn cho NH Nhà nước khi vừa phải đề phòng tái lạm phát cao, vừa phải đảm bảo vốn để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu, lại không được sử dụng công cụ lãi suất theo thị trường để điều tiết cung - cầu vốn. Nhưng cũng không thể bỏ qua một thực trạng là nhiều doanh nghiệp đang phải đánh vật với tình trạng thiếu vốn, còn NH thì phải nghĩ ra cách thức trả thêm cho người gửi, thu thêm của người vay để không bị thổi còi.

Nếu cứ thắt chặt kênh bơm tiền thì tình trạng thiếu vốn sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong năm 2010. Khi đó các biện pháp hành chính về kiểm soát đà tăng của lãi suất sẽ ít có tác dụng, tình trạng thu phí sẽ còn nở rộ.

T.TU.

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=357008&ChannelID=11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét