Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Vinashin "đẩy" phí bảo lãnh nợ của Việt Nam tăng vọt


Vinashin "đẩy" phí bảo lãnh nợ của Việt Nam tăng vọt

Chi phí để đảm bảo cho các khoản nợ của Việt Nam không bị mất khả năng chi trả đạt mức cao nhất trong 17 tháng qua khi các nhà cho vay quốc tế chờ Vinashin thực hiện trả nợ 60 triệu USD đáo hạn vào hôm 20/12.

Theo ngân hàng hoàng gia Scotland Groups Plc, giao dịch hoán đổi các khoản tín dụng không có khả năng chi trả đối với các khoản nợ của chính phủ Việt Nam được định giá ở mức 295 điểm cơ bản vào lúc 13h18 hôm 20/12 tại Singapore. Đây là mức cao nhất kể từ 17/7/2009, giá từ nhà cung cấp dữ liệu CMA.

Moody đã hạ bậc tín dụng của Việt Nam từ Ba3 xuống B1 vào hôm 15/12 với việc viện dẫn sự rủi ro của một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và nhấn mạnh vào "thảm cảnh nợ nần" tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Vinashin.

Trả lời Diễn đàn Kinh tế Việt Nam điện tử tuần trước, chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự cho biết Vinashin không có khả năng thực hiện việc trả nợ vì không có nguồn tài chính. Theo chính phủ cho biết vào tháng Sáu, công ty mắc nợ khoảng 86 nghìn tỉ VND (4,4 tỉ USD).

Nếu không thanh toán khoản nợ, Vinashin sẽ "khiến cho bất kỳ một tổ chức Việt Nam nào, dù là công ty nhà nước hay không, mất nhiều hơn để có được các khoản vay từ nước ngoài," Jonathan Pincus, nhà kinh tế học từ trường Harvard Kennedy School tại thành phố Hồ Chí Minh trả lời trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại "Mọi người trong chính phủ dường như không nghĩ đến tác động dài hạn của việc này đến sự tín nhiệm tài chính của Việt Nam."

Giao dịch hoán đổi các khoản tín dụng mất khả năng chi trả trả cho người mua giá gốc nếu người vay không thực hiện được nghĩa vụ của mình, trừ giá trị của khoản nợ không được trả đúng kỳ hạn.

Một điểm cơ bản tương đương với 1.000 USD hàng năm trên một giao dịch hoán đổi đảm bảo khoản nợ 10 triệu USD. Các hợp đồng giao dịch hoán đổi tín dụng ở mức 287 điểm khi đóng cửa vào ngày 17/12, mức tăng cao nhất trong tuần kể từ 27/8/2010 theo giá CMA.

Quỹ tiền tệ quốc tế trong tháng này cho rằng Việt Nam cần "một gói tích hợp" các biện pháp gồm lãi suất cao hơn để thiết lập lại uy tín của chính sách tiền tệ và làm chậm lạm phát.

Theo Ngân hàng phát triển Châu Á việc Vinashin gần sụp đổ chỉ ra một "thất bại mang tính hệ thống" trong việc giám sát các công ty nhà nước của các nhà lập pháp.

Vinashin đã thuê Credit Suisse Group Ag giúp hoạch định khoản vay 7 năm trị giá 600 triệu USD vào tháng 12/2008. Một ủy ban thường trực các nhà cho vay, gồm các đại diện từ ngân hàng Thụy Sĩ, Standard Chartered Plc và quỹ dự phòng Elliott Advisors Ltd., đã được thành lập để thương thảo với công ty.

KPMG LLP được chỉ định cố vấn và hỗ trợ Vinashin trong khi nhóm các nhà cho vay thuê công ty luật Allen & Overy LLP làm cố vấn pháp lý.

Edward Middleton, đối tác KPMG tại Hong Kong phụ trách việc tái cơ cấu lại dịch vụ, từ chối bình luận trong một thư điện tử. David Kidd, một đối tác tại Allen & Overy cũng từ chối bình luận.

Đại diện của Vinashin cũng không nghe điện thoại. Người phát ngôn của Credit Suise Adam Harper và một công ty quan hệ công chúng đại diện cho Elliott Advisors cũng từ chối bình luận.

source

http://vef.vn/2010-12-23-vinashin-day-phi-bao-lanh-no-cua-viet-nam-tang-vot

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Kinh tế châu Á 2010: Phục hồi khá nhưng vẫn lo lạm phát


Châu Á Cập nhật Thứ Hai, 20 tháng 12 2010

Kinh tế châu Á 2010: Phục hồi khá nhưng vẫn lo lạm phát

Châu Á phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn còn những quan tâm về lạm phát và sự bấp bênh của thị trường.

Một người thu gom rác cưỡi xe đạp ba bánh ngang qua các tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc
Hình: AP

Một người thu gom rác cưỡi xe đạp ba bánh ngang qua các tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc


Nhìn chung, sau kinh nghiệm 1997, châu Á dường như có nhiều kinh nghiệm để khắc phục khủng hoảng kinh tế.

Vì lãi suất ở Hoa Kỳ và châu Âu thấp, nhiều nhà đầu tư chuyển tiền của họ sang châu Á để có lời nhiều hơn.

Kinh tế gia Nalin Chutchotitham tại ngân hàng Kasikornbank ở Bangkok nhận xét:

“Hiện tượng này tốt vì chi phí vốn tại châu Á đã trở nên rẻ hơn nhờ có các dòng vốn này chảy vào.”

Như vậy, các công ty yên tâm phát triển, tạo thêm công ăn việc làm. Các loại tiền châu Á cũng mạnh hơn, khiến nguyên liệu thô nhập vào rẻ hơn. Nhưng tiền mạnh cũng làm hàng xuất khẩu của châu Á đắt hơn.

Vốn đổ vào nhiều cũng làm tăng mối nguy lạm phát. Một phụ nữ bán hàng trên đường phố Indonesia cho biết:

"Ớt bột trước đây 18.000 rupiah, bây giờ 24.000. Dầu ăn tăng, bột mì cũng tăng, tất cả những món chính đều tăng.”

Năm 1997, khi các nhà đầu tư ào ào rút tiền khỏi các thị trường châu Á, nhất là tại Thái Lan, Indonesia và Nam Triều Tiên; tiền các nước này bị mất giá, gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.

Siwage Dharma Negara, chuyên viên kinh tế tại viện Khoa học Indonesia nói rằng bây giờ, các nước châu Á không muốn chuyện này tái diễn, nhưng có điều hơi lo ngại vì tiền đổ vào Indonesia hiện nay chỉ có tính cách đầu cơ:

“Nếu ta nhìn các dữ liệu tài chính, chủ yếu dòng tiền đổ vào đều nhắm đến thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, chứng chỉ của ngân hàng trung ương. Những thứ này không liên hệ đến nền kinh tế thực sự.”

Frederico Gil Sander, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới tại Thái Lan cho rằng nhờ có những cải cách ngân hàng sau vụ khủng hoảng 1997, khả năng đối phó với tình trạng bấp bênh kinh tế của đa số các nước châu Á bây giờ khá hơn:

“Về mặt tài chính, các nền kinh tế châu Á học được rất nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng 1997.”

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu Á dự báo sẽ chậm vừa phải trong năm 2011, nhưng theo các nhà phân tích, khu vực này vẫn còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

source

VOA Vietnamese

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Nghiên cứu: Người Trung Quốc cảm thấy bất an về kinh tế


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 16 tháng 12 2010

Nghiên cứu: Người Trung Quốc cảm thấy bất an về kinh tế

Giá lương thực tăng cao tại Trung Quốc
Hình: AP

Giá lương thực tăng cao tại Trung Quốc


Một nghiên cứu mới cho thấy người Trung Quốc ngày càng cảm thấy bất an với cuộc sống của họ và không chắc về khả năng của chính phủ khi giải quyết các vấn đề liên quan tới kinh tế cũng như nước ngoài.

Cuộc điều tra thường niên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy mức độ hài lòng của dân chúng đối với các vấn đề việc làm, an sinh xã hội và dịch vụ giải trí ở mức thấp nhất kể từ năm 2006, đặc biệt tại các thị trấn nhỏ và các khu vực nông thôn.

Các nhà nghiên cứu nói rằng tỷ hệ hài lòng của dân chúng ở mức thấp xuất phát từ ảnh hưởng ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nghiên cứu có tên gọi Sách Xanh về Xã hội Trung Quốc đã xếp vấn đề lạm phát là một trong các quan ngại lớn nhất của người dân.

Chỉ số giá cả ở nước này tăng 5,1% hồi tháng 11 so với một năm trước đây.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Việt Nam có thể lùi tiến độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 13 tháng 12 2010

Việt Nam có thể lùi tiến độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng

Hình: REUTERS

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề nghị chính phủ lùi thời hạn chót để các ngân hàng tăng vốn điều lệ lên 3 ngàn tỷ đồng, khoảng 154 triệu đôla.

Theo một nghị định của chính phủ thì các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào trước hạn chót là ngày 31/12 năm nay, tuy nhiên hãng tin Reuters trích nguồn tin của VnExpress cho hay theo một giới chức Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng này đang đề xuất với Chính phủ lùi tiến độ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng do những khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện tăng vốn tại tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên giới chức này không cho biết Ngân hàng Nhà nước đề nghị lùi thời hạn này đến khi nào.

Ngân hàng trung ương muốn các ngân hàng thương mại nâng vốn điều lệ trong khuôn khổ một chiến lược nhằm tăng cường hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình tăng vốn của các tổ chức tín dụng thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng huy động vốn của các ngân hàng nhỏ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10, vẫn còn một nửa trong số 22 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ chưa được chấp thuận kế hoạch tăng vốn.

Trong khi đối với số ngân hàng đã được chấp thuận, việc thực hiện vẫn còn là một quá trình hết sức khó khăn.

Hồi cuối tháng 11, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cũng đã khuyến nghị Việt Nam chưa nên thực hiện lộ trình tăng vốn ngân hàng.

Theo cảnh báo của EuroCham, mức độ tăng như vậy là quá lớn và không phù hợp với khung thời gian đưa ra.

Thị trường tài chính Việt Nam cũng không đủ lớn để triển khai một cách thận trọng và làm đòn bẩy cho dòng chảy vốn từ cả ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Nguồn: Reuters, VNExpress.net

source

VOA Vietnamese

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Thị Trường chứng khoán Wall Street tưng bừng khởi sắc ngày đầu tháng 12


Thị Trường chứng khoán Wall Street tưng bừng khởi sắc ngày đầu tháng 12
Trần Vũ theo AP và NPR, Dec 01, 2010
Photo courtesy: Reuters
Photo courtesy: Reuters

Cali Today News - Thứ tư 1/12 chỉ số Dow Jones tăng mạnh mẽ, cho thấy đã có phản ứng thuận lợi từ tin tức về số việc làm tăng trưởng và công nghiệp thế giới khá vững vàng.

Dow Jones đã tăng hơn 238 điểm trong phiên giao dịch trưa ngày 1/12, đạt 11,244.84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25.63 điểm đạt 1,206.18 điểm và Nasdaq tăng 57.58 điểm, đạt 2,555.81 điểm.

ADP Employer Services cho hay ngành doanh nghiệp nhỏ đã thêm số việc làm mới nhiều nhất vào thị trường nhân lực từ 3 năm qua.

Paul Zemsky, Giám Đốc ING Investment Management, nhận xét: “Kinh tế Hoa Kỳ luôn vẫn là vấn đề về jobs và bất cứ cái gì khiến người ta tin là thị trường nhân lực đã cải thiện đều là tin tốt lành”

Giá trị tín phiếu giảm mạnh, khiến độ sẵn sàng của nó gia tăng thêm, giá trị sẵn sàng của loại tín phiếu 10 năm của Bộ Ngân Khố gia tăng từ 2.80% lên 2.92%, có nghĩa là các loại loans cho vay, kể cả tín dụng địa ốc, sẽ thông thoáng hơn.

Thị trường chứng khoán ở Châu Á cũng gia tăng sau khi có tin kinh tế TQ vẫn phát triển. Chỉ số hoạt động công nghiệp của TQ tăng từ 54.7 điểm trong tháng 10 đã lên 55.2 điểm trong tháng 11.

Trần Vũ theo AP và NPR

source

Calitoday

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Lại chuyện Hoa-Mỹ


November 22, 2010

Lại chuyện Hoa-Mỹ

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

Tạm quên hạm đội mà nhìn bóng bay….

Trong 10 ngày Á du vừa qua, Tổng thống Barack Obama lãnh toàn vỏ chuối. Và một lời nhiếc oan từ phía Bắc Kinh: “Hoa Kỳ xuất cảng lạm phát!”

Oan vì ông Obama vô can trong chuyện Ngân hàng Trung ương Mỹ in bạc bơm tiền vào kinh tế – “những 600 tỷ lận!” Đây là một định chế độc lập có nhiệm vụ tạo điều kiện tiền tệ và tín dụng cho kinh tế tăng trưởng trong ổn định giá cả, và nếu có phải bơm tiền để kích thích thì cũng… phải đạo. Trong số mùng năm Tháng 11, cột báo này có phân tích chuyện đó: “Hoa Kỳ Nghênh Chiến – Ba đầu, sáu tay, và một cái máy in bạc….”

TT Obama được chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh. Getty Images

Nhưng vì sao Bắc Kinh lại vật mình vật mẩy vì một biện pháp kinh tế bên Mỹ, nằm ngoài khả năng quyết định hay can ngăn của một ông Tổng thống u đầu sứt trán về vụ thử nghiệm cải tạo xã hội của mình?

Câu trả lời ngắn gọn là... vì trái đất hình tròn!

Khi Obama âu sầu lên máy bay trở về Mỹ, ông để lại một góc Á châu còn âu sầu hơn nữa: Bắc Kinh xác nhận mối nguy lạm phát vì chỉ số giá cả tháng 10 lên tới 4,4% so với 3,6% của tháng trước. Quy ra toàn năm, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, lạm phát lên tới 8,7%. Có gì đáng phàn nàn hốt hoảng như Đệ thất Hạm đội lại sắp vẫy vùng?

Chúng ta phải trở lại một vấn đề nhức đầu. Hiểu ra đã nhức đầu, nhưng nếu phải giải quyết thì quả là thống khổ!

Người ta thường kết án Trung Quốc là ghìm giá đồng Nguyên vào Mỹ kim theo một hối suất giả tạo và quá thấp để chiếm ưu thế cạnh tranh nhờ xuất cảng rẻ. Rrồi đem về một khối ngoại tệ rất lớn để khuynh đảo thế giới. Điều ấy không sai – mà chưa đủ.

Khi xuất cảng được một tỷ Mỹ kim hàng hoá và tính đối giá bằng nội tệ cho sòng phẳng, theo quy luật cung cầu của thị trường, thì lãnh đạo Bắc Kinh đã có thể cho người dân được hưởng một phần công lao sản xuất. Khi dân được hưởng và tiêu xài thì hối suất và vật giá cùng tăng để tái lập lại quân bình giữa xuất và nhập. Vốn khôn sặc gạch, các đấng con trời không làm như vậy. Họ tính rẻ sức dân để xây Vạn lý Trường thành. Thành lũy vĩ đại ấy ngày nay là khối dự trữ ngoại tệ lên tới 2.600 tỷ đô la. Cao nhất thế giới! Đó là một lẽ.

Cái lẽ kia mới bí hiểm hơn. Đểu và độc hơn.

Khi xuất cảng được một tỷ Mỹ kim và trả ra đối giá với hối suất bèo – thí dụ như 6,26 đồng – thì dù sao kinh tế cũng nhận thêm 6,26 tỷ đồng Nguyên: khối tiền tệ được bơm thêm một số bạc. Lãnh đạo Bắc Kinh không làm như vậy mà “đông lạnh”, gạn lại, một số trong khối tiền tệ phụ trội đó. Lưu trữ ngoại tệ là độc quyền của nhà nước, doanh nghiệp có thu vào thì cũng phải bán cho nhà nước, mà nhà nước chỉ nhả ra một phần.

Suốt bảy năm nay, Trung Quốc nâng gấp ba mức dự trữ pháp định của ngân hàng, từ 6% lên tới 18% tổng số ký thác, tức là nhúp lại một phần của khối tiền tệ này. Cùng biện pháp ấy là việc phát hành công khố phiếu để thu tiền vào két bạc của Ngân hàng Trung ương: hơn 4,4 ngàn tỷ đồng Nguyên (gần 700 tỷ Mỹ kim) đang bị đông lạnh.

Mục đích là để ngăn ngừa lạm phát.

Với Bắc Kinh, lạm phát là đồng nghĩa với cách mạng hay động loạn. Năm 1949, Quân đội của Tưởng Giới Thạch bị lạm phát đánh cho tan rã trước khi quân Cách mạng của Mao thổi kèn xung phong. Bốn chục năm sau, cũng lạm phát là nguyên dân chính dẫn tới bất an trong đảng và vụ Thiên an môn 1989. Vì vậy, lạm phát là bóng ma thường trực đe dọa những tính toán gần xa của các đấng con trời.

Thế giới chỉ nhìn vào mặt hối đoái mà lên án Bắc Kinh lũng đoạn ngoại tệ, chứ ít ai chú ý đến mặt tiền tệ của vấn đề.

Kết quả? Trung Quốc là siêu cường về xuất cảng, sống chết nhờ xuất cảng, mà không bị lạm phát. Hậu quả? Người dân không được hưởng thành quả. Nếu bơm tiền ra cho dân hưởng thì tiêu thụ nội địa có thể tăng và kinh tế ít tùy thuộc hơn vào xuất cảng nhờ có thị trường nội địa. Nhưng còn rủi ro lạm phát thì sao?

Lối tính toán ấy mới giải thích vì sao mà khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008, Bắc Kinh sợ hiệu ứng nên ào ạt tăng chi và bơm thêm tín dụng để gia tăng sản xuất hầu bù đắp sự hao hụt xuất cảng. Trong khi ấy tiêu thụ không tăng. Và kết quả là kinh tế Trung Quốc làm những kẻ yếu bóng vía khâm phục vì có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Nhưng hậu quả là một núi trái phiếu phát hành để gia tăng đầu tư đã đến kỳ hoàn trái, chưa kể tiền lời… Trong đòn đông lạnh tiền tệ bằng cách nâng dự trữ pháp định, được ký thác – tá ghi – vào Ngân hàng Trung ương, nhà nước khỏi phải thải ghi – thanh toán – tiền lời. Ngon ơ. Nhưng khi phát hành trái phiếu thì vẫn phải tính tới phân lời – trả tiền lãi.

Bây giờ ta mới lùi lại nhìn trương mục kế toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Bên tiêu sản là nguồn vốn và tiền đi vay thì có các trái phiếu đã phát hành và phải trả tiền lời. Bên tích sản là tài sản sử dụng thì có một khối nợ... của Mỹ. Công khố phiếu Hoa Kỳ.

Vì suy trầm kinh tế tại Mỹ, lãi suất Hoa Kỳ đang bò ngang mặt đất. Do quyết định bơm tiền của Ngân hàng Trung ương Mỹ, phân lời trái phiếu sẽ còn giảm. Tức là tiền lời thanh toán cho ngài chủ nợ nằm ở Bắc Kinh có thể giảm. Núi tài sản mà lãnh đạo Trung Quốc đang tích lũy coi bộ không mấy lời, trong khi ấy, tiền lời họ phải tranh trải cho trái phiếu đã phát hành thì lại tăng! Tại vì Mỹ đểu?

Bây giờ mới lại nói đến chuyện lạm phát.

Thống kê kinh tế Trung Quốc thật ra ít khả tín – không đáng tin – vì vật giá Trung Quốc có thể tăng nhiều hơn tỷ lệ 4,4%. Nhất là lương thực, sản phẩm chiến lược về xã hội. Khi gặp nguy cơ như vậy thì làm sao đối phó? Nâng dự trữ pháp định nữa, tăng lãi suất, hoặc ra biện pháp hành chính là cấm ngân hàng cho vay thêm… Các thị trường đều chờ đợi loại quyết định này ngay tháng tới, làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sợ phá sản. Và thị trường chứng khoán Thượng Hải bèn buông mình xuống biển, rớt như cục gạch. Kinh hãi hơn vậy, nếu đạp thắng quá mạnh mà kinh tế suy trầm, tăng trưởng dưới 8% một năm thì có khi sẽ bị động loạn vì thất nghiệp.

Chuyện chưa đủ ly kỳ.

Do cơ cấu kinh tế đặc thù của xứ này – nói văn hoa dễ hiểu là phi cầm phi thú – khi kích thích kinh tế bằng tăng chi, đầu tư và tín dụng, Trung Quốc bị hai ba rủi ro là ngân hàng bị chìm dưới núi nợ thối vì cho vay theo diện chính sách, doanh nghiệp nhà nước thì rộng tay tiêu xài mà khỏi quan ngại đến doanh lợi – miễn là tạo ra công ăn việc làm – và bong bóng đầu cơ nồi lên ào ào.

Lãnh đạo Bắc Kinh biết như vậy nên cứ thấy bong bóng bay qua là thầy lại tưởng là ma. Hôm 15 vừa qua, bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đều đồng thanh phủ nhận là không có lệnh cấm tài trợ các dự án đầu tư địa ốc. Nhưng chẳng mấy ai tin.

Giữa mối lo ấy thì từ bên kia Thái bình dương lại tràn qua cơn lũ. Lãi suất quả rẻ tại Mỹ khiến tư bản… vượt biên, thành luồng đầu cơ “nóng”, để tìm mức lời cao hơn. Quyết định in bạc của Ngân hàng Trung ương Mỹ không chỉ xuất cảng lạm phát mà còn xuất cảng nạn đầu cơ kiếm lời.

Và càng tăng lãi suất để giải trừ lạm phát thì Trung Quốc càng hút thêm luồng tư bản bất chính này vì vào đó có lãi hơn!

Tổng thống Obama hay Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner cứ dập dình đắn đo về chuyện hối suất đồng Nguyên mà không dám có biện pháp mạnh. Phúc trình của Bộ, về việc Bắc Kinh có can tội “lũng đoạn ngoại tệ” hay không, thì cứ trồi sụt không đều vì bị trì hoãn nhiều lần. Lần cuối là ngày 15 tháng 10: lý cớ là để còn cơ hội nói chuyện phải quấy tại Thượng đỉnh G-20 tuần trước. Lần sau thì lại còn cái hẹn ở Thượng đỉnh giữa Obama và Hồ Cẩm Đào vào tháng Giêng này ở tại Hoa Kỳ.

Trò ngoại giao ưỡn ẹo đó chẳng đi tới đâu.

Một đạo luật của Thượng viện vịt què sắp tới để kết hợp với đạo luật tương tự do Hạ viện biểu quyết vội ngày 29 tháng Chín cũng sẽ là trò vui vô hại khác. Thượng viện Mỹ không đủ phiếu kêu gọi trừng phạt chế độ hối đoái “thiếu bình đẳng” của Trung Quốc. Mà dù có thì bộ Thương mại hay Ngân khố cũng sẽ đá ra biên. Chính quyền Obama không dám nói thẳng hay nói ngược với Trung Quốc vì bản chất hay vì những tính toán riêng.

Cho nên trong trận đấu trí Mỹ-Hoa này, ta sẽ còn thấy nhiều trò hoa mỹ – vớ vẩn. Nhưng sự vận hành lạnh lùng của kinh tế vẫn gây ra nhiều sức ép khác.

Tất nhiên Trung Quốc nhìn ra sự thể ấy. Bắc Kinh có thể yên tâm là Hoa Kỳ lại sắp nổi cơn tranh cử cho thời điểm 2012, nhưng họ cũng có cái hẹn 2012 khi Đại hội đảng khoá 18 bầu lãnh tụ mới cùng bảy nhân vật vào Thường vụ bộ Chính trị. Và tranh luận nội bộ đang xảy ra: có cho dân hưởng không, và nếu kinh tế bị lạm phát và bong bể thì sao?

Có lẽ hôm Thứ Tư 17 tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã khéo nhắc câu trả lời trong một phúc trình rất vu vơ về... Hong Kong xa lắc: Bong bóng đầu tư có thể bể và dẫn tới tình trạng giảm phát trầm trọng và kéo dài, việc neo giá đồng bạc vào Mỹ kim càng khiến họ khó xoay trở hơn….

Trung Quốc sẽ không bị khủng hoảng và sụp đổ vì một kịch bản như vậy, nhưng ông tướng lạm phát khiến các đấng con trời sẽ bớt hung hăng rất nhiều.[NXN]

source

Viettribune Online

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Ủy ban Quốc hội Mỹ hối thúc có hành động đối với chính sách thương mại TQ


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Tư, 17 tháng 11 2010

Ủy ban Quốc hội Mỹ hối thúc có hành động đối với chính sách thương mại TQ

Ðồng nguyên
Hình: photos.com

Giá đồng nguyên được định ở mức thấp hơn giá trị thực sự trên thị trường từ 20% đến 40%


Một Ủy ban cố vấn quốc hội Mỹ hối thúc các nhà lập pháp hãy có hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, vì những chính sách thương mại mà nước này theo đuổi phương hại đến các quyền lợi của Hoa Kỳ.

Hôm Thứ Tư, Ủy Ban Duyệt Xét Kinh Tế & An Ninh Mỹ-Trung nói rằng, Quốc hội Hoa Kỳ nên hối thúc Bộ Tài Chánh để chỉ định Trung Quốc như một nước thao túng chỉ tệ.

Trong phúc trình thường niên gởi các nhà lập pháp, ủy ban của Mỹ này nói rằng, Trung Quốc định giá trị đơn vị tiền tệ của họ ở mức thấp một cách giả tạo để duy trì mức thặng dư mậu dịch lớn đối với Hoa Kỳ. Mức thặng dư này được ủy ban mô tả là một “vật cản lớn” gây trì trệ cho nền kinh tế Mỹ.

Ủy ban này còn nói rằng giá trị của đồng nguyên được định ở mức thấp hơn từ 20 đến 40% giá trị thực sự của nó trên thị trường.

Bắc Kinh gạt bỏ cáo buộc cho rằng họ đã thao túng đồng nguyên, thế nhưng trong những tháng mới đây đã cho phép đơn vị tiền tệ này tăng giá đôi chút, trong điều mà họ mô tả là một “tiến trình điều chỉnh tuần tự”.

Ủy Ban Duyệt Xét Kinh Tế & An Ninh Mỹ-Trung tố cáo TrungQuốc là bảo vệ các công nghiệp quốc nội qua một “chế độ đầu tư ngày càng hạn chế,” hơn, khiến các công ty Mỹ khó xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc nói nguyên nhân của tình trạng mất quân bình trong cán cân thương mại giữa nước họ với Hoa Kỳ là do những khó khăn trong nền kinh tế Mỹ.
source
VOA Vietnamese

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Giá chứng khoán Trung Quốc tuột dốc


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 13 tháng 11 2010

Giá chứng khoán Trung Quốc tuột dốc

Bảng giá chứng khoán tại một công ty chứng khoán tư ở Thượng Hải, Trung Quốc
Hình: AP

Bảng giá chứng khoán tại một công ty chứng khoán tư ở Thượng Hải, Trung Quốc

Chia sẻ

Hôm thứ Sáu, giá chứng khoán trên thị trường Trung Quốc sụt giảm xuống mức tệ hại nhất tính từ hơn một năm nay, giữa lúc giới nhà đầu tư lo sợ Bắc Kinh có thể tăng lãi suất chính.

Chỉ số hỗn hợp Thượng Hải giảm hơn 5% vào cuối ngày giao dịch.

Giá dầu thô và các mặt hàng khác trên toàn thế giới cũng sụt giảm trong ngày giao dịch hôm thứ Sáu.

Các quan ngại về vấn đề lãi suất khởi sự sau khi một phúc trình báo cáo rằng giá hàng tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng 4.4% trong tháng 10, so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà hoạch định chính sách thường chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất, với hy vọng làm kinh tế chậm lại, và như thế sẽ giúp duy trì giá cả ở mức có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên giới đầu tư lo ngại rằng lãi suất cao cũng sẽ làm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khiến mức cầu đối với các mặt hàng thông dụng cũng giảm, tác động đến lợi nhuận của các công ty.
source
VOA Vietnamese

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Hoa Kỳ Nghênh Chiến Ba đầu, sáu tay, và một cái máy in bạc....


November 05, 2010

Hoa Kỳ Nghênh Chiến Ba đầu, sáu tay, và một cái máy in bạc....

NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Hôm Thứ Ba mùng hai, dân Mỹ đi bầu và về theo dõi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cùng lúc đó, giữa mắt bão là thủ đô Hoa Kỳ, mấy chục người kín đáo theo dõi biến chuyển thật của đời sống: hồ sơ kinh tế. Đó là các viên chức Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, ta hay gọi tắt là “Fed”.
Ngày hôm sau, Thứ Tư mùng ba, kết quả sơ bộ của bầu cử đã được thông báo. Đảng Cộng Hoà thắng lớn tại Hạ viện, sơ khởi là có thêm 61 Dân biểu, chưa kể kết quả của 11 đơn vị. Đảng Dân Chủ bị thua nhưng vẫn giữ được đa số tại Thượng viện. Tổng thống Barack Obama họp báo và nói nước đôi: kinh tế gây thất vọng cho cử tri, ông nhận trách nhiệm và sẽ cùng Quốc hội giải quyết.
Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ bơm thêm 600 tỷ Mỹ kim trong tám tháng tới để kích thích kinh tế qua biện pháp rất bất thường là “gia tăng mức lưu hoạt có định lượng” – “quantitative easing”. Nước Mỹ vừa có ba đầu sáu tay và... một cái máy in bạc chạy rần rần….
Xin nói về chuyện ba đầu sáu tay trước.

Thị Trường Wall Street tăng hơn 200 điểm vì kết quả bấu cử. Mario Tama/Getty Images

Quốc hội khóa 111 sắp mãn nhiệm chỉ còn hai kỳ họp rất ngắn, tổng cộng vài tuần, trước khi trao ấn tín cho Quốc hội khoá 112 tuyên thệ nhậm chức vào mùng ba Tháng Giêng năm tới. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ có ba cái đầu cùng lãnh đạo. Tổng thống Obama vẫn giữ quyền Hành pháp trong tay Dân Chủ, Hạ viện trong tay Cộng Hoà với tân chủ tịch là Dân biểu John Boehner. Ở giữa là Thượng viện chia hai, vẫn do đảng Dân Chủ cầm đầu nhưng phải tương nhượng với phe Cộng Hoà, nay có thêm ít ra là sáu Nghị sĩ. Trưởng khối Cộng Hoà tại Thượng viện là Nghị sĩ Mitch McConnell thì nói thẳng – và còn nhắc lại hôm Thứ Năm mùng bốn – rằng đảng Cộng Hoà đề ra mục tiêu là cho ông Obama làm Tổng thống một nhiệm kỳ!
Tức là cuộc tranh cử 2012 đã bắt đầu. Và ba cái đầu đang dàn trận cho màn tranh cử đó. Trong 15 tháng tới, cho đến vòng sơ bộ đầu tiên tại Iowa, trận chiến này mới là đáng kể. Vì vậy, ba cái đầu mới thò ra sáu tay tưng bừng xiết cổ nhau.
Trước hết là chuyện thuế khoá. Cuối năm nay hai đạo luật thuế vụ thời Bush (2001 và 2003) sẽ mãn hạn. Qua mùng một Tháng Giêng năm tới, thuế sẽ tăng đồng loạt – cho những ai đóng thuế. Quốc hội khóa 111 sẽ tính sao sau khi thấy phản ứng của cử tri? Tổng thống Obama sẽ làm gì? Hứa nghiên cứu lại và đành dung hoà theo thủ tục khẩn cấp? Khi gặp các lãnh tụ Quốc hội hôm Thứ Năm mùng bốn, ông Obama có nhá ra điều ấy.
Khẩn cấp nhất là ngân sách tài khóa 2010-2011 cho đến nay vẫn chưa được Quốc hội đệ nạp để thảo luận và biểu quyết. Đảng Cộng Hoà đòi giảm chi 100 tỷ trong ngân sách đó, Quốc hội sắp mãn nhiệm sẽ tính sao khi các dân biểu nghị sĩ cứ thích tăng chi đều đã bị đánh cho tơi tả? Obama có thực tâm giảm chi như ông nói không? Đó là trận đánh thứ hai.
Trận đánh thứ ba là giảm chi ngay trong ngân sách. Phe Cộng Hoà không chỉ đòi triển hạn việc giảm thuế của Bush mà còn đòi cắt thêm 100 tỷ trong ngân sách của tài khoá 2010-2011. Nếu không chấp nhận giảm chi, Hoa Kỳ sẽ không có ngân sách trang trải lương bổng và chi phí liên bang. Năm 1995, Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà vừa thắng cử đã già néo đứt dây khi phong tỏa ngân sách. Lần này, đảng Cộng Hoà sẽ rút kinh nghiệm thảm bại lần trước. Rồi sẽ ép tới đâu?

TT Hoa Kỳ Obama họp báo tại Bạch Ốc ngay sau ngày bầu cử 3 tháng 11, 2010. JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images

Vấn đề công chi thu là đề mục nóng nhất trong cuộc tranh cử. Đảng Dân Chủ giữ thế mạnh tại Hành pháp và hai viện Lập pháp trong các khoá 110 và 111, đã tăng chi ào ạt, làm ngân sách liên bang đang bị hụt tới 14,3 ngàn tỷ đô la – và sẽ còn tăng trong năm tới. Khi tranh cử, phe Cộng Hoà hài tội bội chi ngân sách và các ứng viên chủ trương tiết giảm bội chi đều thắng lớn. Sau khi giải quyết xong chuyện ngân sách và thuế khoá, trận đánh thứ ba này mới là một cuộc trường kỳ kháng chiến giữa ba cái đầu!
Đến ngày bầu cử, đa số dân Mỹ đều tỏ ý thất vọng về đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế vì chưa đem lại bảo hiểm cho hơn 30 triệu người không có bảo hiểm và chẳng tiết giảm chi phí y tế như hứa hẹn thì đã gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp – cả tiền bạc lẫn thời giờ giải quyết thủ tục hành chánh. Đảng Cộng Hoà tuyên bố trước là sẽ dàn trận để thu hồi đạo luật này, hoặc tu chính lại cho gọn nhẹ hơn. Vì hồ sơ này được đảng Dân Chủ coi là một thành tích, trận đánh về y tế sẽ khiến cả ba cái đầu cùng bật máu! Và sáu tay cùng múa loạn.
Hãy nói đến cánh tay thứ sáu: kích thích kinh tế. Kế hoạch kích thích kinh tế gồm có hai đợt, hơn 180 tỷ năm 2008 thời Bush và hơn 860 tỷ năm 2009 thời Obama, đều không công hiệu. Tháng Bảy năm ngoái, kinh tế Mỹ ra khỏi trận suy trầm khởi sự từ tháng 12 năm 2007, nhưng đà phục hồi còn yếu ớt và thất nghiệp vẫn còn cao, cứ mấp mé gần 10% trong hơn một năm trời. Khi vận động tranh cử, cả Obama lẫn Quốc hội khóa 111 hết dám nói đến chữ “kích thích” nữa vì cái tội tầy trời là giữa những bấp bênh về kinh tế, việc làm và nhà cửa thì lại ưu tiên đi làm cách mạng cải tạo xã hội. Bây giờ, làm sao kích thích kinh tế đây?
Nếu thất nghiệp không giảm mạnh vào giữa năm 2012, Barack Hussein Obama Jr. chỉ là Tổng thống một nhiệm kỳ. Chẳng ai tái tín nhiệm một Tổng thống khi thất nghiệp còn cao hơn lúc ông nhậm chức. Với tỷ lệ thất nghiệp là 9,6% như hiện nay và trong hoàn cảnh ách tắc chính trị vì cái thế cài răng lược giữa hai đảng và ba cái đầu, thì phải có phép lạ mới làm thất nghiệp giảm được 0,5% mỗi tam cá nguyệt. Trong giả thuyết lạc quan ấy – mỗi năm giảm được 2% – thì phải mất hai năm tròn mới hy vọng thấy thất nghiệp xuống tới cỡ 5,6%.
Muốn tạo ra phép lạ thì phải kích thích kinh tế. Muốn kích thích thì phải giảm thuế, hoặc gia tăng đầu tư, nghĩa là lại tăng chi. Cả hai biện pháp này đều nan giải vì Dân Chủ ngại giảm thuế – cho nhà giàu – và Cộng Hoà chống tăng chi làm phình nở bộ máy công quyền. Vì vậy, chính trường ba đầu sáu tay mới gieo họa cho thị trường…. Trong kỳ trước, cột báo này đã nêu ra vấn đề ấy (“Sau Cơn Động Đất 2010”... Là Vụ Cháy Nhà 2012)

Còn lại có Ngân hàng Trung ương và cái máy in tiền nhãn hiệu QE – quantitative easing!

***

Trong khi cử tri và các chính khách đang loạn đả với lá phiếu, Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bàn tính về hồ sơ kinh tế và hôm sau, mùng ba Tháng 11, thông báo quyết định sẽ bơm thêm 600 tỷ Mỹ kim vào kinh tế. Một cách cụ thể thì điều này có nghĩa là gia tăng khối tiền tệ lưu hành bằng cách mua vào trái phiếu và trả ra bằng tiền ảo, là tiền in trên bảng kết toán tài sản. Nói cho dễ hiểu là cho chạy nhà máy in tiền.
Khi kinh tế suy trầm, người ta có thể kích thích bằng cách hạ lãi suất để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hoặc giảm thuế, và tăng chi để bơm thêm tiền vào kinh tế. Ngần ấy biện pháp tiền tệ và thuế khóa đều được áp dụng mà chưa thấy công hiệu. Lãi suất đã bò trên sàn, bằng số không, việc giảm thuế sắp hết hạn và tăng chi thì đã gây thiếu hụt ngân sách tới mức kỷ lục – trong có hai năm đã gấp đôi mức cũ vì vậy mới có trận động đất chính trị vừa qua.
Còn lại, chỉ có Ngân hàng Trung ương với cái máy in bạc. Định chế này vừa muốn thông báo cho thị trường biết, và yên tâm. Rằng Hoa Kỳ vẫn có khả năng kích thích kinh tế. Khi kinh tế bị suy trầm, biện pháp in bạc ấy đã nâng mức lưu hoạt thêm mấy ngàn tỷ, thực tế là nhân đôi khối tiền tệ lưu hành. Với quyết định vừa thông báo, dân chúng và các thị trường gần xa đều biết là trong tám tháng tới, Ngân hàng Trung ương sẽ bơm thêm 600 tỷ nữa.
Ra khỏi chính trường mà nhìn vào thị trường, biện pháp ấy có nghĩa là 1) kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, 2) lạm phát tiền tệ không là mối nguy, và 3) giới hữu trách vẫn còn khả năng tác động. Nghĩa là một biện pháp trấn an tâm lý.
Chứ tình thật thì 600 tỷ chỉ bằng con muỗi đốt gỗ!
Xin có đôi lời giải thích chuyện lắt léo này. Với nhịp độ bơm tiền như vậy thì trung bình mỗi tháng, kinh tế sẽ có thêm chừng 75 tỷ đô la. So với khối tiền tệ lưu hành hiện nay là 8.700 tỷ đô la, biện pháp kích thích chỉ tăng khối tiền tệ chừng 0,90% (chính xác là 0,86%), chưa có gì là vĩ đại, kiệt xuất. Mức trung bình trong suốt năm chục năm qua là gia tăng 0,55% mỗi tháng!
Nhưng đằng sau quyết định có định lượng này, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa nhắc thị trường đang sợ nạn ách tắc của chính trường ba đầu sáu tay là: “trăm điều hãy cứ trông vào một ta!” Nước Mỹ vẫn còn kỷ cương và có kẻ cầm chịch. Đó là nội dung của thông điệp kích thích kinh tế dù chỉ có vẻ như muỗi đốt gỗ.

***

Nhưng, Hoa Kỳ chỉ là trong gần 200 quốc gia trên địa cầu và mọi quyết định của nước Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới, và ảnh hưởng mạnh nhất. Lý do ư?
Nhiều lắm: 1) kinh tế Mỹ lệ thuộc vào tiêu thụ tới 70%; vì vậy, 2) thị trường tiêu thụ tới 11 ngàn tỷ Mỹ kim của Mỹ là nguồn sống cho nhiều xứ khác; trong khi 3) Mỹ kim là ngoại tệ giao hoán thông dụng nhất, được dùng để thanh toán các nghiệp vụ buôn bán thương phẩm, ít ra là hơn 40% luồng giao dịch toàn cầu; nên 4) trở thành ngoại tệ dự trữ chính yếu, chiếm tới gần 70% khối dự trữ ngoại tệ của toàn cầu. Trong hoàn cảnh ấy, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ in bạc để giải quyết vấn đề của Hoa Kỳ thì Mỹ kim sụt giá.
Mỹ kim mà sụt giá thì hàng Mỹ trở thành rẻ hơn dễ cạnh tranh hơn, còn hàng hoá và tiền tệ các nước khác thành đắt hơn và khó cạnh tranh hơn. Trong khi các quốc gia đang lưu giữ Mỹ kim trong khối dự trữ ngoại tệ sẽ bị... nghèo đi! Vòng vo như vậy chỉ để nhắc tới một sự thật mười mươi mà người Mỹ bình thường không thèm để ý:
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ gây vấn đề cho các nước khác!
Bây giờ ta mới bước ra khỏi lồng kính chính trị Hoa Kỳ mà nhìn qua xứ khác. Chỉ vì sau khi băng bó vết thương lòng, Obama sẽ lên đường Á du và tham dự Thượng đỉnh của khối G-20 tại Hán Thành vào hai ngày 11-12 tháng này.

***
Đấy là lúc phải nói đến việc Hoa Kỳ nhập trận.
Khi dân Mỹ chỉ nhìn thấy vấn đề kinh tế của mình thì ba cường quốc kinh tế kế tiếp nước Mỹ đều chóng mặt. Bài này xin miễn điểm báo về chuyện say sóng chóng mặt đó ở xứ khác. Trước hết, theo thứ tự về sức mạnh, là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Cả ba quốc gia đều đang cần xuất cảng. Các quốc gia khác, nhất là ở tại Đông Á và Mỹ châu La tinh, cũng thế: xuất cảng vào Mỹ là nguồn sống của cả triệu doanh nghiệp, của cả tỷ người, và xứ nào cũng mong là đồng bạc của mình không lên giá để bán hàng cho dễ.
Tuần tới, họ sẽ gặp nhau tại Hán Thành để bàn về chuyện này. Đúng một tuần trước đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ bật lên que diêm để xua tan bóng tối ở nhà, mà lại là một tín hiệu cháy nhà cho thiên hạ!
Bắc Kinh ghìm giá đồng Nhân dân tệ chăng? Nhật Bản bán đồng Yen để mua đô la chăng? Các xứ khác đều ít nhiều can thiệp vào thị trường hối đoái của mình để giữ cho đồng bạc khỏi tăng giá? Chỉ một cú hích rất nhẹ của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, mỗi tháng tăng mức lưu hoạt có 0,86% trong tám tháng tới, đã làm thiên hạ đảo điên!
Vì tiền Mỹ quá rẻ và lãi suất quá nhẹ tại Hoa Kỳ sẽ khiến tư bản vượt biên và thổi bong bóng đầu cơ tại các xứ khác! Nạn bong bóng là mối lo của nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc, nhất là Trung Quốc. Khi tiền Mỹ sụt giá, đồng tiền của các xứ khác đều tăng, nhất là đồng Yen của Nhật. Trong lúc gia cang bối rối ở nhà, Tổng thống Obama sẽ nhũn nhặn đi vái tứ phương và nhỏ nhẹ nói về việc hợp tác quốc tế để đẩy lui suy trầm và tránh phản ứng bảo hộ mậu dịch hay can thiệp vào thị trường hối đoái.
Nói là không làm gì nổi, kể cả một biện pháp đương nhiên và cần thiết vì đúng thời đúng chỗ là thông qua Hiệp định Tự do Ngoại thương đã ký kết từ mấy năm trước với Nam Hàn. Ông bị phe bảo hộ mậu dịch và các nghiệp đoàn trong đảng Dân Chủ cột tay ở nhà. Bây giờ, khi phó hội về chuyện kinh tế thì ông sẽ nói sao với các nước khác về những chuyện nhạy cảm đó?
Ngân hàng Trung ương đã đỡ lời cho ông bằng biện pháp tiền tệ! Nhìn từ Bắc Kinh hay Đông Kinh, Hán Thành, lãnh đạo các nước có thể nhớ đến một thành ngữ... Việt Nam: “nó lú nhưng chú nó khôn!”
Nhìn một cách lạnh lùng tỉnh táo hơn thì Hoa Kỳ là một siêu cường có những ưu thế bất công mà xuất chúng! Là một Tổng thống chống Mỹ, Obama không dám công nhận đặc tính xuất chúng – exceptional – của nước Mỹ. Nhưng khi chính trường Mỹ lâm vào cảnh ách tắc chính trị trong hai năm tranh cử sắp tới khiến ba đầu sáu tay sẽ cùng nhau loạn đả, định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương vẫn thừa khả năng nhá ra một tín hiệu: sẽ in bạc bơm tiền. Võ khí kỳ lạ chính là nhà máy in bạc nhãn hiệu QE!
Nếu tạm quên được những gấu ó ở nhà, ta nên theo dõi trận đánh này vào tuần tới… [NXN]

source

Việt Tribune

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Tam Giác Đồng Nguyên

October 08, 2010

Tam Giác Đồng Nguyên

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

Đồng bạc Trung Quốc trong cơn lốc hối đoái toàn cầu

Xin có đôi lời phi lộ đã.

Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc được gọi là đồng Nguyên (Yuan). Chữ “nguyên” đó được họ in trên giấy bạc hẳn hoi. Lãnh đạo Trung Quốc có dụng ý chính trị – cứ nói thẳng là gian manh mĩ dân kiểu (...) – mà gọi là đồng “Nhân dân tệ”. Thế giới mê muội nhập vào trò gian đó mà lấy chữ phiên âm “Renminbi”. Từ đó, từ khi Trung Quốc cải cách và buôn bán với bên ngoài nhiều hơn, người ta dùng luôn chữ Renminbi.

Người viết cứ theo phép chính danh mà dùng chữ Nguyên. Không chú ý đến chuyện nhỏ nhặt đó là mặc nhiên nhảy vào trò gian của các (...). “Ăn phải bả” là một cách diễn dịch khác.

Xưa nay, ta vẫn dùng chữ “Hoa” để nói về Trung Hoa hay Trung Quốc. “Hoa quân nhập Việt”, “người Việt gốc Hoa”, “Hoa kiều” hay thông tấn “Tân hoa xã”, v.v… là thí dụ. Thế rồi, những năm gần đây, (...) ăn phải bả của Bắc Kinh mà dùng chữ Trung, hàm ý quốc gia trung tâm của thế giới. Vì có chánh sách sử dụng ngôn từ phổ biến tại (...), các hệ thống truyền thông (...) của quốc tế cũng phải dùng chữ “Trung” đó. Dù là rất ngây ngô, thậm chí ngu xuẩn.

Chữ “Trung” này có thể gây hiểu lầm: chiến tranh Trung-Việt năm 1979 là cái gì? Vùng Mid-West của Mỹ có liên hệ gì đến quan hệ Trung-Tây, giữa Pháp và Trung Quốc? Còn khu vực Trung Mỹ nối liền hai lục địa Nam Bắc Mỹ?

Truyền thông của chúng ta không nhất thiết phải dùng chữ ngu như người (...). Vì vậy xin hãy trở lại chữ Hoa cố hữu. Khi phiên dịch tin tức hoặc viết bình luận, ta nên để ý đến những tiểu tiết này. Có tinh thần nô lệ hay không có khi là từ chi tiết vặt vãnh đó.

Sau lời phi lộ mới đi vào chuyện đồng Nguyên.

Tiền Nhân dân tệ và dollars được trao đổi tại Thượng Hải. STR/AFP/Getty Images

Hoa Kỳ thực tế đang ở giữa một trận chiến đa diện với Trung Quốc.

Người ta thường nghĩ chiến tranh là xung đột bằng võ lực giữa hai tập thể chính trị. Nhưng, từ ngàn xưa rồi, các nhà lãnh đạo xuất chúng đều chỉ ra rằng võ lực là giải pháp tệ nhất. Lý tưởng là phải đạt mục tiêu của quốc gia mà khỏi phải dụng binh. Vì vậy, chiến tranh vẫn có thể xảy ra mà không có tiếng đạn bom, vì xảy ra dưới nhiều dạng khác, như chính trị, ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền, v.v… và vận dụng những phương tiện càng bất ngờ càng hay. Trong thế kỷ 21, loại phương tiện ấy thật ra dồi dào và bất lường – có khả năng lường gạt – hơn hẳn những gì mà loài người có thể nghĩ tới trong suốt mấy chục thế kỷ trước.

Trong cuộc chiến đa diện, tinh vi và âm thầm mà nhiều khi ta không thể thấy hết, có trận chiến mậu dịch, tranh chấp về ngoại thương. Trong trận chiến mậu dịch, có vấn đề của đồng Nguyên.

Quảng cáo thương mại tại Thượng Hải. Liu Jin/Getty Images

Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh nâng giá đồng bạc so với Mỹ kim để hàng Trung Quốc vào Mỹ với giá đắt hơn và hàng Mỹ vào Hoa Lục với giá rẻ hơn. Đấy là một vấn đề giai đoạn liên quan đến vài chục phần trăm của hối suất đồng Nguyên so với tiền Mỹ. Vấn đề trường kỳ và nguyên tắc lý tưởng là Trung Quốc phải thả nổi cho đồng Nguyên tăng giảm giá theo quy luật cung cầu. Được xuất siêu thì lên giá, bị nhập siêu thì giảm….

Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không hiểu điều ấy, và du áp lực từ thời Chính quyền George W, Bush, họ có điều chỉnh hối suất thêm 20% trong ba năm từ Tháng Bảy 2005 đến Tháng Bảy năm 2008, rồi lại xiết. Đồng Nguyên tăng giá thì dân được hưởng nhưng xuất cảng có thể giảm và biến động về đồng bạc có khi lại gây khủng hoảng cho một nền kinh tế và một xã hội có quá nhiều bất trắc. Vì vậy, ít ra từ nay cho đến Đại hội khóa 18 vào năm 2012, Bắc Kinh chỉ có thể điều chỉnh rất chậm theo nhịp độ và khả năng điều tiết của mình.

Và chứng minh với thần dân mê muội là ta dám chống lại cả thế giới đầy thù nghịch ở chung quanh.

Trong trận chiến ấy, Hoa Kỳ có thể làm gì?

Mà Hoa Kỳ là ai? Các chính khách đương quyền?

Hạ viện Mỹ nhảy vào góp viên đạn giấy rồi chạy ra lo chuyện bầu cử: sau khi biểu quyết xong Đạo luật “Cải cách Hối đoái cho Ngoại thương Bình đẳng” vào chiều Thứ Tư 29, các Dân biểu trong Hạ viện Mỹ ù té bỏ chạy để còn về lo việc tái tranh cử ở nhà. Trò biểu quyết chỉ là màn biểu diễn kiếm phiếu. Vào tuần trước, cột báo này đã phân tách chuyện đó, xin miễn nhắc lại.

Vả lại, Đạo luật không có hiệu lực vì Thượng viện chưa thông qua và Tổng thống chưa ban hành. Thượng viện chỉ còn hai kỳ họp ngắn ngủi sau ngày bầu cử tháng tới, là 15-19 Tháng 11 và 29 tháng 11 tới mùng ba Tháng 12. Vì thời gian eo hẹp và túc số chưa chắc đã đủ, Thượng viện sẽ lại đá ra biên. Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác, Quốc hội khóa 111 mãn hạn sẽ nhường chỗ cho Quốc hội khóa 112, khai mạc vào mùng sáu Tháng Giêng năm tới.

Kết quả là sau một tuần ồn ào chứng minh rằng ta lo cho quyền lợi cử tri khi đòi hỏi Trung Quốc phải vén đồng Nguyên lên, Hạ viện Mỹ bỏ lại cây dùi cho Hành pháp – giữa một đống dùi trống.

Một đồng một cốt, Chính quyền Barack Obama cũng ra vẻ lên tiếng về chuyện đồng Nguyên, từ Tổng thống đến Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner.

Thật ra, bộ Ngân khố Mỹ – Tài chánh – có quyền nêu ý kiến trong phúc trình ngày 15 Tháng 10, tuần tới, rằng Trung Quốc có “lũng đoạn ngoại tệ” hay không. Bộ Ngân khố đã nhiều lần trì hoãn và tránh né trả lời cho Thượng viện. Lần cuối cùng là hôm 16 Tháng Chín, qua lời phát biểu của Tổng trưởng Geithner. Chuyện “currency manipulation” là vấn đề gai góc về pháp lý và nghiêm trọng về ngoại giao chính trị. Có lẽ lần này cũng vậy, với lý cớ chính đáng là vụ đồng Nguyên sẽ được đặt ra trong Thượng đỉnh của khối G-20 vào tháng 11 tại Nam Hàn.

Khi ấy, Hoa Kỳ không đơn độc hay đơn phương nêu vấn đề với Bắc Kinh vì còn Nhật Bản, Liên hiệp Âu Châu và các nước Á Châu khác. Họ đều than phiền trị giá quá thấp của đồng Nguyên khiến hàng hóa Trung Quốc càng dễ cạnh tranh khi mà đồng bạc của họ, đồng Euro của Âu Châu, đồng Yen của Nhật hay đồng Won của Nam Hàn đều lên giá so với tiền Mỹ.

Tránh nói trực diện – phong cách Obama – phía Hoa Kỳ sẽ không nói đến tội currency manipulation, mà có thể mồi chài cho các nước cùng lên tiếng. Hoặc trao trả gắn bó trái banh đó với Thượng viện. Chờ Ủy ban Tài chánh Thượng viện lên tiếng trước khi bãi khóa, rồi nương theo đó mà lên tiếng.

Thật ra, Hoa Kỳ cũng còn có khả năng gây sức ép ở nhiều mặt khác, có hư có thực, có đòn dứ và đòn thật. Chẳng hạn, chính quyền Obama có thể thông báo là sẽ chính thức nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nếu Bắc Kinh không nâng giá đồng Nguyên.

Hy vọng thắng bại?

Tổ chức WTO không thể là trọng tài giải quyết tranh chấp về hối đoái, phần vụ chuyên môn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Việc chứng minh hối suất quá thấp của đồng Nguyên là một hình thức trợ cấp xuất cảng là điều rất chuyên môn, không dễ giải quyết. Mà WTO có thụ lý hồ sơ thì cũng mất vàio năm nghiên cứu, tham khảo ý kiến, v.v… Nhưng dù là đòn gió để gây sức ép không thể sớm có kết quả cụ thể thì cũng có vẻ là ra đòn.

Có một đòn thật và nằm ngoài khả năng ngâm tôm của Chính quyền, nhất một chính quyền “vịt què” – lame duck – giữa một chu kỳ kinh tế u ám và thất nghiệp cao. Đó là dùng luật chống phá giá của Tổ chức WTO. Xin nhắc lại đôi chút về chuyện này.

Trung Quốc mất 13 năm thương thảo mới vào được WTO. Khi yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận cho gia nhập tổ chức này năm 2001, Bắc Kinh năn nỉ để trì hoãn một số cải cách và cam kết là 15 năm sau thì sẽ có kinh tế thị trường đích thực. Thoả thuận Hoa-Mỹ đó nằm trong hồ sơ WTO và tổ chức này phải xét xử nếu có tranh chấp. Các hội viên WTO trong Liên hiệp Âu Châu tất nhiên là cũng nắm vững hồ sơ và khai thác vấn đề.

Trong 15 năm đó, Trung Quốc vẫn còn nền kinh tế “phi thị trường”. Thực tế thì chính quyền vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và làm lệch lạc quy luật thị trường. “Xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” là như vậy.

Nhưng nếu doanh nghiệp và nghiệp đoàn Hoa Kỳ mà bị thiệt hại vì giao thương với một nền kinh tế phi thị trường thì họ có quyền nộp đơn kiện. Hoặc về tội trợ giá xuất cảng, hoặc về tội bán phá giá. Không chỉ kiện mà họ còn đòi bộ Thương mại có biện pháp trừng phạt bằng cách nâng thuế suất nhập nội trên một số mặt hàng xuất xứ từ quốc gia phi thị trường và đầy những can thiệp đó. Ác liệt nhất là phía bị đơn có trách nhiệm phải chứng minh ngược lại và Tổ chức WTO phải thụ lý hồ sơ kiện tụng này.

Chuyện ấy đã xảy ra, mà người ta ít biết. Cả Liên hiệp Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều đã viện dẫn Luật chống Phá giá của WTO và nộp đơn kiện một số mặt hàng của Trung Quốc là bán phá giá. Việt Nam cũng đã bị kiện như vậy vì có kinh tế phi thị trường ít ra đến năm 2019 – thêm 12 năm kể từ 2007. Và cho đến nay các doanh nghiệp nguyên đơn đã thắng nhiều hơn thua.

***

Một vòng đại lược như vậy có cho thấy tính chất biến hóa và đa diện của những tranh chấp kinh tế hay ngoại thương giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ – và các nước còn lại.

Điều đáng tiếc là trong trận chiến Hoa-Mỹ, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Chính quyền Obama không dứt khoát được lập trường và còn cho đối phương nhìn thấy sự nhu nhược. Ngần ấy lần trì hoãn sức ép của Quốc hội – từ tháng Ba đến nay đã là bảy tháng – để tìm sự hợp tác của Bắc Kinh trong các hồ sơ nóng khác, như Bắc Hàn, Iran hay Pakistan – mà không kết quả.

Không, nói vậy sai rồi!

Kết quả bất ngờ là đồng Mỹ kim mất giá. Hoa Kỳ không xứng vai lãnh đạo với nền kinh tê èo uột, lãnh đạo tuột dốc và thất nghiệp gia tăng cùng gánh nặng bội chi tài trợ bằng một núi công trái. Vàng lên giá cũng là một cách bỏ phiếu bất tín nhiệm Hoa Kỳ!

Kết quả bất ngờ khác là Nguyên quá thấp khiến các nước Á Châu rúng động vì đồng tiền của họ lên giá và càng khó cạnh tranh về ngoại thương. Không thấy sức ép của Hoa Kỳ với Bắc Kinh là công hiệu, các nước bèn… cũng can thiệp vào thị trường hối đoái để giảm giá đồng bạc…

Đến tuần qua, việc can thiệp – rất chính đáng mà không phải đạo – đang gây vấn đề cho thế giới, khiến Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ phải lên tiếng. Ông Geithner quy lỗi cho đồng Nguyên. Nghĩa là lại thêm một đòn áp lực khác trong một “trận chiến hối đoái toàn cầu” mà đồng bạc Trung Quốc nằm ở giữa!

Kết quả bất ngờ khác mà nhiều người chưa nhìn ra là chính chế độ hối đoái của Bắc Kinh đang gây sức ép ngấm ngầm về xã hội và kinh tế Trung Quốc. Lý do là dân làm, và làm cho nhà nước có tiền khuynh đảo cả thế giới, mà lại không được hưởng. Họ đang bất mãn nặng. Nhưng nếu nhích giá đồng bạc quá nhanh nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và dân thất nghiệp sẽ lại xuống đường…

Không lẽ Hoa Kỳ ba đầu sáu tay lại nhắm vào kết quả bất ngờ đó nên chập chờn nuông chiều Bắc Kinh trong ảo vọng lũng đoạn thế giới? Biết đâu chừng! Khi ấy, chuyện nhân dân tệ mới thật tệ cho nhân dân Trung Quốc.[NXN]

source

Viettribune Online

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Hạ viện Mỹ chấp thuận dự luật quan thuế đối với hàng Trung Quốc


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 25 tháng 9 2010

Hạ viện Mỹ chấp thuận dự luật quan thuế đối với hàng Trung Quốc

Dân biểu Sander Levin
Hình: VOA Chinese - Nike Ching

Dân biểu Sander Levin nói rằng lề lối định giá chỉ tệ của Trung Quốc làm cho “thị trường quốc tế bị biến dạng ghê gớm,” và gây phương hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ


Một ủy ban Hạ Viện Hoa Kỳ đã chấp thuận dự luật cho phép áp dụng quan thuế trả đũa các quốc gia định giá quá thấp chỉ tệ của họ.

Dự luật này được chấp thuận hôm Thứ Sáu sau khi Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc cố ý định giá thấp đồng nguyên.

Ủy ban Chuẩn chi Hạ Viện đã thông qua Dự luật vừa kể. Đây là Ủy ban giữ quyền quyết định trong những vấn đề liên quan tới thuế khóa.

Ông Sander Levin, Chủ tịch ủy ban, nói rằng lề lối định giá chỉ tệ của Trung Quốc làm cho “thị trường quốc tế bị biến dạng ghê gớm,” và điều đó gây phương hại tới nền kinh tế Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ dự luật này nói rằng, đồng nguyên cao hơn sẽ khiến giá hàng hóa Trung Quốc đắt hơn tại Hoa Kỳ, giúp quân bình cán cân mậu dịch. Trong 7 tháng đầu năm 2010 Hoa Kỳ đã bị thâm thủng mậu dịch 145 tỉ đô la trong việc giao thương với Trung Quốc.

Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, đang viếng thăm New York trong tuần này, đã kiên quyết phủ nhận ý kiến cho rằng chính sách của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ.
source

VOA Tiếng Việt

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Mỹ nên có biện pháp gì chống việc TQ thao tác giá trị đồng nguyên?


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Tư, 15 tháng 9 2010

Mỹ nên có biện pháp gì chống việc TQ thao tác giá trị đồng nguyên?

Các nhà lập pháp Mỹ đang mở hai ngày điều trần về chính sách của Trung Quốc trong việc đánh giá đồng nguyên. Các nhà lập pháp Mỹ còn tranh luận về liệu Washington đã hành động đủ để giải quyết các tác động của vụ việc này đối với nền kinh tế Mỹ và các công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Họ đang cứu xét một dự luật, dựa vào đó có thể trừng phạt Bắc Kinh bằng các thuế quan đánh vào các mặt hàng nhập khẩu, và những biện pháp khác để áp lực Trung Quốc phải để cho giá trị đồng nguyên tăng.

Dân biểu Tim Ryan
Hình: Rep. Tim Ryan office

Dân biểu Tim Ryan, là người bảo trợ Đạo Luật Cải cách Tiền Tệ vì Công bằng Thương mại, nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải hành động


Trong ngày đầu tiên của phiên điều trần về đơn vị tiền tệ Trung Quốc, các nhà lập pháp Mỹ, giới lãnh đạo doanh thương và các nhà kinh tế tranh luận nên hành động như thế nào để giải quyết những quan tâm liên quan tới đồng nguyên.

Trong khi đa số mọi người đồng ý rằng cách hành sử của Trung Quốc liên quan tới đồng nguyên là không công bằng và đã góp phần tăng tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ, không phải ai ai cũng thỏa thuận về đường lối nên đáp ứng để giải quyết vấn đề đã kéo dài từ lâu này.

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Chính sách và Tài chính của Hạ viện Hoa kỳ, ông Tim Ryan, một thành viên của đảng Dân chủ đại diện bang Ohio, nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải hành động. Ông Ryan là người bảo trợ Đạo Luật Cải cách Tiền Tệ vì Công bằng Thương mại. Ông nói:

“Thi hành luật pháp là giải pháp khả thi duy nhất chúng ta có được tại thời điểm này, để tăng áp lực đối với Trung Quốc và những nước khác, vẫn áp dụng chính sách duy trì giá trị đơn vị tiền tệ của họ ở mức thấp hơn thực tế.”

Dự luật của dân biểu Ryan cho phép chính phủ Mỹ coi sự kiện giá trị đơn vị tiền tệ của một nước được duy trì ở mức thấp, cũng tương tự như một biện pháp phụ cấp xuất khẩu. Dự luật này trao quyền cho chính phủ Mỹ áp đặt các sắc thuế đối kháng để đền bù những thua thiệt phải gánh chịu, cùng các biện pháp chống bán phá giá để đáp ứng trước tình thế. Ông cho biết có 143 thành viên Quốc Hội thuộc cả hai đảng, đồng bảo trợ dự luật này.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ tin rằng Trung Quốc duy trì giá trị đơn vị tiền tệ của họ ở mức thấp, tới 40%, để tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc cạnh tranh một cách không công bằng trong các giao dịch thương mại với thế giới.

Dân biểu Sandy Levin thuộc Đảng Dân Chủ, đến từ Michigan, là Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ. Ông nói ông tin rằng một lối tiếp cận đa phương tập trung vào đối thoại và thương thuyết sẽ mang lại những kết quả trên quy mô lớn hơn.

Dân biểu Levin nói: “Trong bất cứ trường hợp nào, tôi xin được nhấn mạnh điểm này, tình trạng bất cân xứng tiền tệ hiện nay là điều không thể chấp nhận và không thể kéo dài.”

Dân biểu Levin lập luận rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể dùng các sắc thuế để trả đũa Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO. Theo ông, đề nghị của dân biểu Ryan về biện pháp áp dụng thuế đối kháng là một cách đáp ứng phù hợp với WTO.

Trong khi đó bà Lynn Jenkins, người của đảng Cộng Hòa đến từ Kansas, khuyến cáo các nhà lập pháp Mỹ nên thận trọng trong việc xử lý vấn đề liên quan tới đơn vị tiền tệ Trung Quốc.

Bà nói: “Khi giải quyết vấn đề này, không nên gây hại nhiều hơn lợi. Bất cứ hành động nào của Hoa Kỳ nhằm áp lực Trung Quốc tái định giá đồng nguyên, cũng phải được cứu xét trong bối cảnh rộng lớn hơn, xem liệu hành động ấy có tác động đến toàn bộ nền kinh tế của chúng ta hay không.”

Các giới chức Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không nhượng bộ những sức ép từ bên ngoài, và để giá trị đồng nguyên tăng quá nhanh.

Ông Fred Bergsten, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Petersen, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ nên khuyến khích Trung Quốc tăng giá đồng nguyên lên từ 20 đến 25% trong vòng 2, 3 năm sắp tới.

Ông Bergsten kêu gọi chính phủ của Tổng Thống Obama hợp tác với các nước khác như Ấn Độ, Brazil, Nga và Liên hiệp Châu Âu để thành lập một liên minh đa phương để áp lực Trung Quốc về vấn đề này.

Ông nói rằng một cách mà chính phủ Mỹ có thể tiên phong tiến hành, là chính thức nêu tên Trung Quốc như một nước dùng thủ đoạn để thao tác đơn vị tiền tệ của họ.

Các cuộc điều trần liên quan tới đơn vị tiền tệ Trung Quốc sẽ tiếp tục trong ngày thứ Năm, với cuộc điều trần của Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Timothy Geithner.
source
VOA Vietnamese

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Chứng khoán thoát cảnh "chợ chiều"


Thứ Hai, 30/08/2010, 14:43 (GMT+7)

Chứng khoán thoát cảnh "chợ chiều"

TTO - Hơn 90% mã chứng khoán tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 30-8. Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng mạnh 15,41 điểm (tương đương tăng 3,59%) lên mức 444,55 điểm. Như vậy, trong phiên hôm nay các mốc quan trọng 430 và 440 điểm đã lần lượt được thiết lập.

Cổ phiếu tăng mạnh nhưng nhà đầu tư chưa yên tâm giải ngân mạnh - Ảnh minh họa

Toàn thị trường có đến 242 mã tăng giá, trong khi đó chỉ có chín mã giảm giá và bảy mã đứng giá. Đây là phiên đảo chiều của cổ phiếu ngành dược khi có đến ba mã của ngành này mất giá, đi ngược xu thế thị trường. Đó là mã TRA giảm 2,14% xuống mức giá 41.100 đồng/cp, SPM giảm 0,74% xuống 67.500 đồng/cp và DVD giảm 0,71% xuống 139.000 đồng/cp.

Tuy cổ phiếu đồng loạt tăng giá nhưng giá trị giao dịch trong phiên đầu tuần vẫn chưa được cải thiện nhiều so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 34,6 triệu đơn vị chuyển nhượng; tương đương tổng giá trị giao dịch 849,4 tỉ đồng.

Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, giá trị giao dịch thấp là một cản trở lớn cho sự quay lại thị trường của các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt. Khi giá trị giao dịch chưa được cải thiện thì chưa có sự chắc chắn cho chu kỳ hồi phục của thị trường chứng khoán.

Tương tự, sàn Hà Nội phiên này cũng chỉ có 15 cổ phiếu giảm giá trong số 328 mã cổ phiếu đang giao dịch. Chốt phiên, chỉ số HNX-Index tăng mạnh 6,60 điểm (tương đương tăng 5,58%) lên mức 124,88 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường Hà Nội lại giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 20,2 triệu cổ phiếu chuyển nhượng; tương đương tổng giá trị giao dịch 471,1 tỉ đồng.

Mặc dù đã có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường vẫn chưa thực sự ổn định do thanh khoản vẫn còn thấp, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng do lo ngại về một đợt bẫy giá lên tiếp theo.

Thị trường vẫn cần thêm những phiên tăng với thanh khoản mạnh và kèm theo sự hỗ trợ của thông tin vĩ mô, để có thể cải thiện tâm lý nhà đầu tư và khẳng định được xu hướng tăng.

Ngoài ra, rủi ro T+ trong đầu tư ngắn hạn vẫn tiềm ẩn trong thời điểm này, trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để đầu tư dài hạn vì giá cổ phiếu hiện đã giảm khá mạnh.

Nhà đầu tư giá trị có thể tiếp tục cơ cấu lại danh mục đầu tư một cách hợp lý hơn trong những phiên giảm điểm. Tuy nhiên vẫn cần chú trọng việc giữ cơ cấu tiền mặt cao trong tài khoản.

H.NHỰT

source

http://tuoitre.vn/Kinh-te/Tai-chinh-Chung-khoan/398042/Chung-khoan-thoat-canh-cho-chieu.html

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Việt kiều gởi tiền cho cả ‘tông chi họ hàng’


Việt kiều gởi tiền cho cả ‘tông chi họ hàng’
Monday, August 23, 2010



SÀI GÒN (NV)
-
Hàng tỉ đô la được Việt kiều hải ngoại gửi về nước mỗi năm, giúp xây dựng thêm nhiều nhà cửa, mở rộng kinh doanh và trợ giúp cho gia đình, theo USA Today.

Tiền gửi về nước là đường dây sinh tử giữa những người bỏ nước ra đi với người ở lại, và ngày càng phổ thông hơn để Việt kiều đầu tư nơi quê nhà.

Theo Daniel Ayala, trưởng dịch vụ chuyển tiền toàn cầu của Wells Fargo, ‘điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam là người ta gửi về cho cả ‘tông chi họ hàng’ chứ không phải chỉ cho những người ruột thịt. Ngoài ra còn dùng tiền để giúp phát triển kinh doanh nữa.’

Hình chụp tại một ngân hàng trao đổi ngoại tệ tại Hà Nội. Theo USA Today, tiền Việt kiều gởi về Việt Nam sẽ tăng đến 7.1% trong năm 2011.

(Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Mark Sidel, một giáo sư ngành luật ở University of Iowa, người chuyên nghiên cứu về sự luân lưu tiền tệ theo lối này nhận xét rằng, trong những năm gần đây, càng có thêm nhiều Việt kiều gửi tiền về nước vì tính cách từ thiện, gồm cả việc liên hệ đến y tế và giáo dục.

Tiền Việt kiều gửi về nước phần lớn không những từ Hoa Kỳ, mà còn từ Úc, Pháp và Canada.

Theo dữ kiện của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trong thời gian từ 2001 đến 2008, số tiền gửi về tăng gấp ba, lên đến $7.2 tỉ, tương đương với 8% tổng sản lượng quốc gia. Tuy nhiên năm ngoái tiền gửi về chỉ khoảng $6.8 tỉ do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cũng theo USA Today, tính chung, tiền gửi về các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam dự trù sẽ tăng 6.2% trong năm nay, và lên đến 7.1% trong năm 2011. Các nước có mức thu nhập từ thấp đến trung bình, trong năm 2008, số tiền gửi về nước là $335 tỉ, số tiền này không những cải thiện được mức sinh hoạt mà còn trợ giúp cho việc nhập cảng của quốc gia, bù lấp được những thâm thủng ngân sách.

Khi việc gửi tiền nở rộ, các nhà tư bản cung cấp dịch vụ tài chánh quan trọng cũng bắt đầu nhảy vào làm ăn. Ở Hoa Kỳ, Wells Fargo cung cấp dịch vụ này đến với 15 nước ở Á Châu và Nam Mỹ.

Trong số các nước mà ngân hàng này phục vụ, mức gửi về nước tính trung bình cho mỗi lần gửi được coi là cao nhất là Ấn Ðộ, với $1,662, kế đến là Việt Nam với $1,369. (TP)

source

Nguoi-Viet Online

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin


221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1298765
Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin
1
Article
null
Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin
,

Chỉ giữ lại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) 3 lĩnh vực liên quan đến công nghiệp đóng tàu, các lĩnh vực kinh doanh đa ngành thì bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình Vinashin, ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công an và một số bộ, ngành tại phiên họp ngày 31/7.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, từ khi được thành lập vào năm 1996 đến nay, Tập đoàn Vinashin (trong đó từ năm 1996 đến năm 2006 là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đã có bước phát triển nhanh trên nhiều mặt.

Bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển; xây dựng được đội ngũ trên 70.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật, trong đó nhiều người có tay nghề khá, có khả năng đóng được nhiều loại tàu phục vụ cho nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của nền kinh tế, quốc phòng, an ninh và cho xuất khẩu, kể cả tàu trọng tải trên 100.000 DWT... Từ năm 1996 - 2006, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (35% - 40%/năm), kinh doanh có lãi, tăng được vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Bờ vực phá sản

Tuy nhiên, hiện nay, Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng.

Thứ nhất, Tập đoàn đã đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề.

Thứ hai, tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản. Ước tính dư nợ hiện lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.

Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. Đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng...

Mô tả ảnh.

Mặc dù nhận định Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được, nhưng Bộ Chính trị cho rằng nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân Tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

Tập đoàn "phình" quá nhanh, Trung ương thiếu giám sát

Bộ Chính trị khẳng định những hạn chế, yếu kém xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng Quản trị và ban lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương.

Trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tùy tiện, cá nhân, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ.

Lãnh đạo Tập đoàn, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ; trong một thời gian ngắn đã mở rộng quá nhanh quy mô tập đoàn, nhất là mở ra rất nhiều công ty con, công ty liên kết; mở sang một số lĩnh vực không phải là những chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình. Tập đoàn đã chậm xây dựng Điều lệ hoạt động và các quy định quản lý tài chính khác, như: quy chế quản lý tài chính, quy chế quản lý đầu tư xây dựng, các định mức kinh tế kỹ thuật…

Một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và một số cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở Trung ương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn; chưa sát sao giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và Kết luận số 45-KL/TW, ngày 10/4/2009 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; đến nay vẫn chưa phê duyệt được Điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Vinashin.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình đang bị tạm giam để điều tra về hành vi "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Từ năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ Chính trị kết luận rằng mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin.

Minh bạch tài chính các tập đoàn

Để khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm, sai phạm trên đây của Vinashin, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo:

- Khẩn trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá IX) và Kết luận của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế; chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Sớm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh; từng bước củng cố uy tín thương hiệu Tập đoàn Vinashin; cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước.

- Khẩn trương đánh giá lại chính xác, khách quan, trung thực tình hình hoạt động của Công ty mẹ Tập đoàn, các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư của Tập đoàn để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể, phù hợp, theo hướng: Chỉ giữ lại Tập đoàn Vinashin 3 lĩnh vực chính nói trên; bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hoá các lĩnh vực còn lại cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ.

Trong xử lý nợ và tăng vốn điều lệ của Tập đoàn, nhất là những khoản liên quan đến ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có phương án khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng. Chú ý hạn chế tối đa thiệt hại và những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, tài sản và việc làm, thu nhập của công nhân, lao động.

Bộ Chính trị cũng giao các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan những cá nhân vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

Thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban với thành phần gồm đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan đảng (Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương). Giao Ban Chỉ đạo đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Đồng thời, tiến hành tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình hiện nay và công khai, minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác, trong đó chú ý kịp thời chấn chỉnh việc mở rộng đa ngành nhưng không liên quan đến ngành sản xuất chính của các đơn vị.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở Trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Vinashin; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc xử lý các cá nhân sai phạm.

  • PV
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201008/Bo-Chinh-tri-ra-ket-luat-ve-Vinashin-927611/