Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Lại chuyện Hoa-Mỹ


November 22, 2010

Lại chuyện Hoa-Mỹ

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

Tạm quên hạm đội mà nhìn bóng bay….

Trong 10 ngày Á du vừa qua, Tổng thống Barack Obama lãnh toàn vỏ chuối. Và một lời nhiếc oan từ phía Bắc Kinh: “Hoa Kỳ xuất cảng lạm phát!”

Oan vì ông Obama vô can trong chuyện Ngân hàng Trung ương Mỹ in bạc bơm tiền vào kinh tế – “những 600 tỷ lận!” Đây là một định chế độc lập có nhiệm vụ tạo điều kiện tiền tệ và tín dụng cho kinh tế tăng trưởng trong ổn định giá cả, và nếu có phải bơm tiền để kích thích thì cũng… phải đạo. Trong số mùng năm Tháng 11, cột báo này có phân tích chuyện đó: “Hoa Kỳ Nghênh Chiến – Ba đầu, sáu tay, và một cái máy in bạc….”

TT Obama được chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh. Getty Images

Nhưng vì sao Bắc Kinh lại vật mình vật mẩy vì một biện pháp kinh tế bên Mỹ, nằm ngoài khả năng quyết định hay can ngăn của một ông Tổng thống u đầu sứt trán về vụ thử nghiệm cải tạo xã hội của mình?

Câu trả lời ngắn gọn là... vì trái đất hình tròn!

Khi Obama âu sầu lên máy bay trở về Mỹ, ông để lại một góc Á châu còn âu sầu hơn nữa: Bắc Kinh xác nhận mối nguy lạm phát vì chỉ số giá cả tháng 10 lên tới 4,4% so với 3,6% của tháng trước. Quy ra toàn năm, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, lạm phát lên tới 8,7%. Có gì đáng phàn nàn hốt hoảng như Đệ thất Hạm đội lại sắp vẫy vùng?

Chúng ta phải trở lại một vấn đề nhức đầu. Hiểu ra đã nhức đầu, nhưng nếu phải giải quyết thì quả là thống khổ!

Người ta thường kết án Trung Quốc là ghìm giá đồng Nguyên vào Mỹ kim theo một hối suất giả tạo và quá thấp để chiếm ưu thế cạnh tranh nhờ xuất cảng rẻ. Rrồi đem về một khối ngoại tệ rất lớn để khuynh đảo thế giới. Điều ấy không sai – mà chưa đủ.

Khi xuất cảng được một tỷ Mỹ kim hàng hoá và tính đối giá bằng nội tệ cho sòng phẳng, theo quy luật cung cầu của thị trường, thì lãnh đạo Bắc Kinh đã có thể cho người dân được hưởng một phần công lao sản xuất. Khi dân được hưởng và tiêu xài thì hối suất và vật giá cùng tăng để tái lập lại quân bình giữa xuất và nhập. Vốn khôn sặc gạch, các đấng con trời không làm như vậy. Họ tính rẻ sức dân để xây Vạn lý Trường thành. Thành lũy vĩ đại ấy ngày nay là khối dự trữ ngoại tệ lên tới 2.600 tỷ đô la. Cao nhất thế giới! Đó là một lẽ.

Cái lẽ kia mới bí hiểm hơn. Đểu và độc hơn.

Khi xuất cảng được một tỷ Mỹ kim và trả ra đối giá với hối suất bèo – thí dụ như 6,26 đồng – thì dù sao kinh tế cũng nhận thêm 6,26 tỷ đồng Nguyên: khối tiền tệ được bơm thêm một số bạc. Lãnh đạo Bắc Kinh không làm như vậy mà “đông lạnh”, gạn lại, một số trong khối tiền tệ phụ trội đó. Lưu trữ ngoại tệ là độc quyền của nhà nước, doanh nghiệp có thu vào thì cũng phải bán cho nhà nước, mà nhà nước chỉ nhả ra một phần.

Suốt bảy năm nay, Trung Quốc nâng gấp ba mức dự trữ pháp định của ngân hàng, từ 6% lên tới 18% tổng số ký thác, tức là nhúp lại một phần của khối tiền tệ này. Cùng biện pháp ấy là việc phát hành công khố phiếu để thu tiền vào két bạc của Ngân hàng Trung ương: hơn 4,4 ngàn tỷ đồng Nguyên (gần 700 tỷ Mỹ kim) đang bị đông lạnh.

Mục đích là để ngăn ngừa lạm phát.

Với Bắc Kinh, lạm phát là đồng nghĩa với cách mạng hay động loạn. Năm 1949, Quân đội của Tưởng Giới Thạch bị lạm phát đánh cho tan rã trước khi quân Cách mạng của Mao thổi kèn xung phong. Bốn chục năm sau, cũng lạm phát là nguyên dân chính dẫn tới bất an trong đảng và vụ Thiên an môn 1989. Vì vậy, lạm phát là bóng ma thường trực đe dọa những tính toán gần xa của các đấng con trời.

Thế giới chỉ nhìn vào mặt hối đoái mà lên án Bắc Kinh lũng đoạn ngoại tệ, chứ ít ai chú ý đến mặt tiền tệ của vấn đề.

Kết quả? Trung Quốc là siêu cường về xuất cảng, sống chết nhờ xuất cảng, mà không bị lạm phát. Hậu quả? Người dân không được hưởng thành quả. Nếu bơm tiền ra cho dân hưởng thì tiêu thụ nội địa có thể tăng và kinh tế ít tùy thuộc hơn vào xuất cảng nhờ có thị trường nội địa. Nhưng còn rủi ro lạm phát thì sao?

Lối tính toán ấy mới giải thích vì sao mà khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm năm 2008, Bắc Kinh sợ hiệu ứng nên ào ạt tăng chi và bơm thêm tín dụng để gia tăng sản xuất hầu bù đắp sự hao hụt xuất cảng. Trong khi ấy tiêu thụ không tăng. Và kết quả là kinh tế Trung Quốc làm những kẻ yếu bóng vía khâm phục vì có tốc độ tăng trưởng rất cao.

Nhưng hậu quả là một núi trái phiếu phát hành để gia tăng đầu tư đã đến kỳ hoàn trái, chưa kể tiền lời… Trong đòn đông lạnh tiền tệ bằng cách nâng dự trữ pháp định, được ký thác – tá ghi – vào Ngân hàng Trung ương, nhà nước khỏi phải thải ghi – thanh toán – tiền lời. Ngon ơ. Nhưng khi phát hành trái phiếu thì vẫn phải tính tới phân lời – trả tiền lãi.

Bây giờ ta mới lùi lại nhìn trương mục kế toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Bên tiêu sản là nguồn vốn và tiền đi vay thì có các trái phiếu đã phát hành và phải trả tiền lời. Bên tích sản là tài sản sử dụng thì có một khối nợ... của Mỹ. Công khố phiếu Hoa Kỳ.

Vì suy trầm kinh tế tại Mỹ, lãi suất Hoa Kỳ đang bò ngang mặt đất. Do quyết định bơm tiền của Ngân hàng Trung ương Mỹ, phân lời trái phiếu sẽ còn giảm. Tức là tiền lời thanh toán cho ngài chủ nợ nằm ở Bắc Kinh có thể giảm. Núi tài sản mà lãnh đạo Trung Quốc đang tích lũy coi bộ không mấy lời, trong khi ấy, tiền lời họ phải tranh trải cho trái phiếu đã phát hành thì lại tăng! Tại vì Mỹ đểu?

Bây giờ mới lại nói đến chuyện lạm phát.

Thống kê kinh tế Trung Quốc thật ra ít khả tín – không đáng tin – vì vật giá Trung Quốc có thể tăng nhiều hơn tỷ lệ 4,4%. Nhất là lương thực, sản phẩm chiến lược về xã hội. Khi gặp nguy cơ như vậy thì làm sao đối phó? Nâng dự trữ pháp định nữa, tăng lãi suất, hoặc ra biện pháp hành chính là cấm ngân hàng cho vay thêm… Các thị trường đều chờ đợi loại quyết định này ngay tháng tới, làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sợ phá sản. Và thị trường chứng khoán Thượng Hải bèn buông mình xuống biển, rớt như cục gạch. Kinh hãi hơn vậy, nếu đạp thắng quá mạnh mà kinh tế suy trầm, tăng trưởng dưới 8% một năm thì có khi sẽ bị động loạn vì thất nghiệp.

Chuyện chưa đủ ly kỳ.

Do cơ cấu kinh tế đặc thù của xứ này – nói văn hoa dễ hiểu là phi cầm phi thú – khi kích thích kinh tế bằng tăng chi, đầu tư và tín dụng, Trung Quốc bị hai ba rủi ro là ngân hàng bị chìm dưới núi nợ thối vì cho vay theo diện chính sách, doanh nghiệp nhà nước thì rộng tay tiêu xài mà khỏi quan ngại đến doanh lợi – miễn là tạo ra công ăn việc làm – và bong bóng đầu cơ nồi lên ào ào.

Lãnh đạo Bắc Kinh biết như vậy nên cứ thấy bong bóng bay qua là thầy lại tưởng là ma. Hôm 15 vừa qua, bốn ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đều đồng thanh phủ nhận là không có lệnh cấm tài trợ các dự án đầu tư địa ốc. Nhưng chẳng mấy ai tin.

Giữa mối lo ấy thì từ bên kia Thái bình dương lại tràn qua cơn lũ. Lãi suất quả rẻ tại Mỹ khiến tư bản… vượt biên, thành luồng đầu cơ “nóng”, để tìm mức lời cao hơn. Quyết định in bạc của Ngân hàng Trung ương Mỹ không chỉ xuất cảng lạm phát mà còn xuất cảng nạn đầu cơ kiếm lời.

Và càng tăng lãi suất để giải trừ lạm phát thì Trung Quốc càng hút thêm luồng tư bản bất chính này vì vào đó có lãi hơn!

Tổng thống Obama hay Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner cứ dập dình đắn đo về chuyện hối suất đồng Nguyên mà không dám có biện pháp mạnh. Phúc trình của Bộ, về việc Bắc Kinh có can tội “lũng đoạn ngoại tệ” hay không, thì cứ trồi sụt không đều vì bị trì hoãn nhiều lần. Lần cuối là ngày 15 tháng 10: lý cớ là để còn cơ hội nói chuyện phải quấy tại Thượng đỉnh G-20 tuần trước. Lần sau thì lại còn cái hẹn ở Thượng đỉnh giữa Obama và Hồ Cẩm Đào vào tháng Giêng này ở tại Hoa Kỳ.

Trò ngoại giao ưỡn ẹo đó chẳng đi tới đâu.

Một đạo luật của Thượng viện vịt què sắp tới để kết hợp với đạo luật tương tự do Hạ viện biểu quyết vội ngày 29 tháng Chín cũng sẽ là trò vui vô hại khác. Thượng viện Mỹ không đủ phiếu kêu gọi trừng phạt chế độ hối đoái “thiếu bình đẳng” của Trung Quốc. Mà dù có thì bộ Thương mại hay Ngân khố cũng sẽ đá ra biên. Chính quyền Obama không dám nói thẳng hay nói ngược với Trung Quốc vì bản chất hay vì những tính toán riêng.

Cho nên trong trận đấu trí Mỹ-Hoa này, ta sẽ còn thấy nhiều trò hoa mỹ – vớ vẩn. Nhưng sự vận hành lạnh lùng của kinh tế vẫn gây ra nhiều sức ép khác.

Tất nhiên Trung Quốc nhìn ra sự thể ấy. Bắc Kinh có thể yên tâm là Hoa Kỳ lại sắp nổi cơn tranh cử cho thời điểm 2012, nhưng họ cũng có cái hẹn 2012 khi Đại hội đảng khoá 18 bầu lãnh tụ mới cùng bảy nhân vật vào Thường vụ bộ Chính trị. Và tranh luận nội bộ đang xảy ra: có cho dân hưởng không, và nếu kinh tế bị lạm phát và bong bể thì sao?

Có lẽ hôm Thứ Tư 17 tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã khéo nhắc câu trả lời trong một phúc trình rất vu vơ về... Hong Kong xa lắc: Bong bóng đầu tư có thể bể và dẫn tới tình trạng giảm phát trầm trọng và kéo dài, việc neo giá đồng bạc vào Mỹ kim càng khiến họ khó xoay trở hơn….

Trung Quốc sẽ không bị khủng hoảng và sụp đổ vì một kịch bản như vậy, nhưng ông tướng lạm phát khiến các đấng con trời sẽ bớt hung hăng rất nhiều.[NXN]

source

Viettribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét