Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Kinh tế châu Á 2010: Phục hồi khá nhưng vẫn lo lạm phát


Châu Á Cập nhật Thứ Hai, 20 tháng 12 2010

Kinh tế châu Á 2010: Phục hồi khá nhưng vẫn lo lạm phát

Châu Á phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn còn những quan tâm về lạm phát và sự bấp bênh của thị trường.

Một người thu gom rác cưỡi xe đạp ba bánh ngang qua các tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc
Hình: AP

Một người thu gom rác cưỡi xe đạp ba bánh ngang qua các tòa nhà cao tầng ở Thượng Hải, Trung Quốc


Nhìn chung, sau kinh nghiệm 1997, châu Á dường như có nhiều kinh nghiệm để khắc phục khủng hoảng kinh tế.

Vì lãi suất ở Hoa Kỳ và châu Âu thấp, nhiều nhà đầu tư chuyển tiền của họ sang châu Á để có lời nhiều hơn.

Kinh tế gia Nalin Chutchotitham tại ngân hàng Kasikornbank ở Bangkok nhận xét:

“Hiện tượng này tốt vì chi phí vốn tại châu Á đã trở nên rẻ hơn nhờ có các dòng vốn này chảy vào.”

Như vậy, các công ty yên tâm phát triển, tạo thêm công ăn việc làm. Các loại tiền châu Á cũng mạnh hơn, khiến nguyên liệu thô nhập vào rẻ hơn. Nhưng tiền mạnh cũng làm hàng xuất khẩu của châu Á đắt hơn.

Vốn đổ vào nhiều cũng làm tăng mối nguy lạm phát. Một phụ nữ bán hàng trên đường phố Indonesia cho biết:

"Ớt bột trước đây 18.000 rupiah, bây giờ 24.000. Dầu ăn tăng, bột mì cũng tăng, tất cả những món chính đều tăng.”

Năm 1997, khi các nhà đầu tư ào ào rút tiền khỏi các thị trường châu Á, nhất là tại Thái Lan, Indonesia và Nam Triều Tiên; tiền các nước này bị mất giá, gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.

Siwage Dharma Negara, chuyên viên kinh tế tại viện Khoa học Indonesia nói rằng bây giờ, các nước châu Á không muốn chuyện này tái diễn, nhưng có điều hơi lo ngại vì tiền đổ vào Indonesia hiện nay chỉ có tính cách đầu cơ:

“Nếu ta nhìn các dữ liệu tài chính, chủ yếu dòng tiền đổ vào đều nhắm đến thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, chứng chỉ của ngân hàng trung ương. Những thứ này không liên hệ đến nền kinh tế thực sự.”

Frederico Gil Sander, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới tại Thái Lan cho rằng nhờ có những cải cách ngân hàng sau vụ khủng hoảng 1997, khả năng đối phó với tình trạng bấp bênh kinh tế của đa số các nước châu Á bây giờ khá hơn:

“Về mặt tài chính, các nền kinh tế châu Á học được rất nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng 1997.”

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu Á dự báo sẽ chậm vừa phải trong năm 2011, nhưng theo các nhà phân tích, khu vực này vẫn còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

source

VOA Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét