Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Khi nhân viên chứng khoán “làm xiếc”


Khi nhân viên chứng khoán “làm xiếc”
Saturday, 13 June 2009
Đã có trường hợp nhân viên công ty chứng khoán “mượn tạm” chứng khoán, tiền trong tài khoản, thậm chí là mượn cả tài khoản của nhà đầu tư phục vụ ý đồ riêng của mình.
Nghiệp vụ “làm xiếc” này nhiều khi được phối hợp giữa nhân viên môi giới, kế toán và nhân viên công nghệ thông tin của chính công ty chứng khoán.
Khi phát hiện tài sản và niềm tin của mình bị lợi dụng, một số nhà đầu tư có thể “tặc lưỡi cho qua”, trong khi nhiều người khác đã quyết định nhờ đến luật sư và cơ quan pháp luật để giải quyết.

“Thoắt đến thoắt đi”

Nhà đầu tư tên Thắng cho biết, cách đây 3 tháng, anh đã rất ngạc nhiên khi phát hiện một số tiền lớn “từ trên trời rơi xuống” tài khoản chứng khoán của mình. Thế nhưng, chưa kịp thắc mắc về sự bất thường này thì anh đã phải tiếp một nhân viên của công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản đến để thương lượng xin lại số tiền đó.

Ngược lại với câu chuyện trên, chị Loan, một khách hàng VIP của một công ty chứng khoán đã từng “làm um chuyện” khi phát hiện số tiền hơn trăm triệu đồng trong tài khoản của mình bỗng dưng biến mất.

Hiện nay, giao dịch giữa khách hàng và công ty chứng khoán được thực hiện thông qua hệ thống đặt lệnh với ba hình thức phổ biến là trực tiếp bằng phiếu lệnh, qua điện thoại và qua Internet. Với việc đặt lệnh trực tiếp, công ty chứng khoán và khách hàng cùng lưu lại hóa đơn với đầy đủ chữ ký. Việc ghi âm các cuộc đặt lệnh qua điện thoại là cách thức phổ biến để công ty chứng khoán làm chứng cớ cho những lệnh giao dịch của khách hàng.

Trong khi đó, với hình thức đặt lệnh qua Internet, hệ thống bảo mật sẽ giúp tăng cường an ninh tài khoản cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi nhân viên môi giới, kế toán và cả nhân viên công nghệ thông tin cùng vào cuộc thì việc hóa phép một giao dịch là điều không phải là “bất khả thi”.

“Tôi đặt lệnh ATO, đến gần cuối phiên, có một anh tự xưng là nhân viên công nghệ thông tin của công ty chứng khoán gọi điện và báo với tôi là lệnh của tôi đang bị treo do bị lỗi phần mềm và khuyên tôi nên hủy lệnh. Tôi yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy tắc giao dịch. Ngày hôm sau, lệnh của tôi được báo đã khớp. Điều này khiến tôi nghi ngờ, liệu có sự phối hợp gian lận khi có một khách hàng khác mong muốn chèn lệnh bán của tôi vì đầu phiên có thể khớp giá cao hơn hẳn cuối phiên”, một nhà đầu tư khác ở Hà Nội xin giấu tên vẫn còn bức xúc kể lại câu chuyện vừa gặp cách đây chưa đầy một tháng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những việc “bỗng đến bỗng đi” như vậy không phải là quá hiếm trên thị trường hiện nay. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: “Đã có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến tôi nhờ tư vấn, thậm chí nhờ dịch vụ để bảo vệ quyền lợi cho họ”.

Câu hỏi trách nhiệm

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc khối dịch vụ đầu tư của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhận định: “Việc khách hàng bị mất tiền, mất chứng khoán thậm chí mất cả tài khoản là hoàn toàn có thể xảy ra. Tình huống nhẹ hơn là mượn tiền trong tài khoản của nhà đầu tư, mượn chứng khoán trong vài ngày hoặc có thể giao dịch trên tài khoản của nhà đầu tư và khớp lệnh lại trong tài khoản của họ.”

Phần quy định trách nhiệm trong hợp đồng của nhà đầu tư đối với công ty chứng khoán thường có câu: “Tôi hoàn toàn ý thức được những rủi ro có thể phát sinh từ việc giao dịch qua các hình thức giao dịch qua điện thoại, qua Internet, và đồng ý chịu mọi rủi ro phát sinh từ các hình thức trên”. Như vậy, một tiện ích trong giao dịch chứng khoán lại đi kèm với một số rủi ro nhất định mà không phải nhà đầu tư nào cũng lưu ý.

Về vấn đề này, ông Phong nhận xét, nếu công ty chứng khoán có khả năng kiểm soát tốt thì họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những sai sót, lỗi giao dịch xảy ra, nhưng hiện nay hệ thống kiểm soát của các công ty chứng khoán là rất lỏng lẻo.

Trong khi cơ hội phạm lỗi là khá nhiều thì việc phát hiện lỗi chủ yếu chỉ dựa vào hệ thống kiểm soát của công ty chứng khoán và thông thường, nhà đầu tư hoặc chính công ty chứng khoán phát hiện ra lỗi. Việc lợi dụng tài khoản của nhà đầu tư có thể dừng ở mức độ “dùng tạm” hoặc có thể “leo thang” và cũng có thể nhiều nhân viên công ty chứng khoán chưa biết cách gian lận sẽ tìm cách gian lận.

Để hạn chế cơ hội vi phạm lỗi của nhân viên, nhiều công ty chứng khoán đã tách biệt trách nhiệm giám sát giữa các bộ phận chức năng khác nhau, mỗi bộ phận có một trưởng phòng riêng và trách nhiệm độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một người rất tài năng có thể lừa được cả hệ thống để thực hiện hành vi phạm pháp của mình.

Vì thế, bên cạnh việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhân viên công ty chứng khoán, theo luật sư Huy Được, rất cần những quy định kiểm soát và xử lý chặt chẽ thông qua phần mềm quản lý các nhà đầu tư, cơ chế giám sát lẫn nhau giữa nhóm giao dịch, nhóm công nghệ thông tin, vì nếu các nhóm này câu kết với nhau thì việc gian lận là hoàn toàn có thể xảy ra.

Lời khuyên của các chuyên gia đối với nhà đầu tư hiện nay là “nên có phương pháp tự kiểm soát tài khoản của mình và lưu giữ những bằng chứng giao dịch”.
Theo vneconomy.com.vn
source
http://chungkhoan24h.com/kinh-nghiem-dau-tu/khi-nhan-vien-chung-khoan-lam-xiec.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét