Làm như vô tình “xì” ra một thông tin nóng khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình tăng ào ạt, các vị chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc thường được lợi cả đôi đường: số cổ phiếu đang nắm giữ vọt lên hàng tỷ đồng, được tiếng là ông chủ giỏi. Họ đã làm điều đó như thế nào? Từ tung tin giả...
Chỉ mới ngồi vào bàn đàm phán với một tập đoàn tài chính của Mỹ, Tổng giám đốc Ngân hàng Đ. đã “tiết lộ” thông tin là đối tác đã chấp thuận mua 15% cổ phần của Đ. với giá gấp 7 lần mệnh giá.
Ngay ngày hôm sau tin trên được lan rộng, giá cổ phần Đ. trên thị trường OTC vọt hẳn 50.000-60.000 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Sau đó, cuộc đàm phán thất bại nhưng giá cổ phần Đ. không xuống mà còn lên thêm vì Tổng giám đốc này tuyên bố: “Chỉ bán cho họ với giá gấp 9 lần mệnh giá”.
Trong một lần gặp gỡ báo chí, một quan chức cao cấp của tập đoàn trên nói thẳng: “Đ. không tôn trọng cuộc chơi và dùng thủ thuật để ép chúng tôi”.
“Chiêu” này cũng từng được Ngân hàng E. áp dụng với một đối tác trong nước khi cho đối tác đang bàn bạc mua cổ phần của mình biết qua nhiều kênh thông tin rằng: “K. đã chịu mua với giá gấp 9,5 lần mệnh giá với các điều kiện hạn chế chuyển nhượng nên khó có thể bán cho C. với giá dưới 9 lần mệnh giá”.
Làm như vô tình “xì” ra một thông tin nóng khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình tăng ào ạt, các vị chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc thường được lợi cả đôi đường.
...Đến “nổ” như pháo
Giới đầu tư chứng khoán có lẽ ngán nhất những trò “thổi” giá của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty M. Ông ta tuyên bố: “Ai bảo giá cổ phần M. 35.000-40.000 đồng, cứ đem đến đây tôi mua trên 50.000 đồng hết”.
Thấy chưa “đủ đô”, ông này còn khẳng định, có nhiều tập đoàn tài chính chịu mua cổ phần của mình với giá gần 70.000 đồng/cổ phần. Một hai lần đầu, những lời có cánh trên còn kích giá M lên 5.000-10.000 đồng trong thời gian ngắn nhưng bây giờ thì dù có đến 4,5 đối tác chiến lược ngoại quốc thật nhưng giá M. cũng chỉ tăng nhẹ vài ngàn đồng/cổ phần.
“Bài” này cũng được Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xây dựng địa ốc H. thường áp dụng. Vị này không ngần ngại tung ra mức lợi nhuận rất ấn tượng từ 25% trở lên cho đến năm 2010 và dù chỉ là một nhà thầu phụ trong công trình nào đấy nhưng cũng quảng cáo như mình làm toàn bộ.
Động tác trên khiến giá cổ phần của H. thời gian đầu rất “hot” nhưng rồi khi bị “vạch áo” thì có lúc HĐQT của H. phải mua vào để “kích cầu”. Tổng giám đốc Khách sạn S. cũng lâu lâu lại tiết lộ: “Tập đoàn Đài Loan đang đàm phán mua thêm cổ phần của S. để đập đi xây lại khách sạn 4 sao 20 tầng”.
Cho đến khi có người nói thẳng trên báo: “Ông ấy “nổ” quá, hết room dành cho nước ngoài rồi còn mua quái gì nữa” thì giá cổ phần S. mới thôi lên theo chiều thẳng đứng. Còn dân đầu tư thì phát hiện ra, vị tổng giám đốc trên và phu nhân kịp bán ra hàng chục ngàn cổ phần S. trong khoảng thời gian S. cao ngất ngưởng.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital từng nhận định: “Chúng tôi có những cách để kiểm chứng thông tin và không thể bị nhiễu vì những thông tin làm giá, nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ ít thông tin thì ai bảo vệ họ”.
Trong một cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới, Tổng giám đốc Dragon Capital Dominic Screven cho rằng: “Trong rừng thông tin về chứng khoán hiện nay, có rất nhiều thông tin không chính xác có dụng ý từ các công ty có cổ phần đang giao dịch. Đáng ngại hơn nếu thông tin ấy phát đi từ các CEO (giám đốc điều hành - PV) dù họ chỉ trao đổi với tư cách cá nhân hay ngoài hành lang”.
Lâu nay, những thông tin này xác thực hay không và gây tác hại ra sao thì chưa có nơi nào “kiểm soát”. Còn trên thực tế thì không ít thông tin đã mang về những lợi nhuận không nhỏ cả vô hình lẫn hữu hình với các chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người thân của họ.
Đòi hỏi đạo đức kinh doanh và ý thức tự giác ư? Có lẽ quá khó đối với những người cố tình trục lợi mà cần những biện pháp mạnh, quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng. Theo Tiền phong |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét