Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Bong bóng - sụp đổ và những tình huống kinh điển

Bong bóng - sụp đổ và những tình huống kinh điển
Monday, 22 June 2009
Bong bóng là gì
1. Một chu kỳ kinh tế đặc trưng bởi quá trình mở rộng nhanh chóng sau một giai đoạn thị trường thu nhỏ trầm lắng.
2. Hiện tượng giá tài sản tăng bùng phát, thường vượt ra ngoài giới hạn đảm bảo của các hệ số tài chính cơ bản và xuất hiện ở một số ngành nhất định, tiếp sau hiện tượng này là sự sụt giá rất nhanh và mạnh cùng làn sóng ồ ạt bán ra.
3. Là một học thuyết mô tả hiện tượng giá chứng khoán vượt quá giá trị chính xác của chúng và cứ tiếp tục tăng như vậy cho đến khi giá đột ngột rơi tự do và quả bong bóng vỡ.
"Bong bóng", xét trên khía cạnh tâm lý đầu tư, là một hiện tượng thể hiện một điểm yếu nhạy cảm trong cảm xúc của con người. Hiện tượng bong bóng hình thành khi nhu cầu của nhà đầu tư với một loại cổ phiếu lên quá cao, từ đó làm cho giá giao dịch vượt xa mọi mức được coi là chính xác và hợp lý tính toán dựa vào kết quả vận hành thực của doanh nghiệp phát hành. Giống như một bong bóng xà phòng mà trẻ con thường thích thổi, bong bóng đầu tư hình thành và tạo cho người ta cảm giác nó sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng bản chất những bong bóng xà phòng không được cấu tạo từ một vật liệu có thực, vỡ là kết quả tất yếu. Khi sự "vỡ" xảy ra, tiền đầu tư theo ảo giác bong bóng đó cũng sẽ bay theo gió.
Người ta thường gắn khái niệm bong bóng với sụp đổ. Vậy sụp đổ là gì?

Mối liên hệ giữa bong bóng và sụp đổ có thể so sánh với mây và mưa. Có thể có mây nhưng không có mưa, nhưng đã có mưa thì chắc chắn phải có mây, bong bóng là mây và tình trạng sụp đổ thị trường là mưa. Lịch sử cho thấy sụp đổ thị trường là hệ quả bắt nguồn từ tình trạng bong bóng thị trường vỡ, mây càng dày - bong bóng càng to thì mưa sẽ càng lớn.

Tuy nhiên, cần phân biệt tình trạng sụp đổ thị trường với trạng thái điều chỉnh thị trường, hai tên gọi có vẻ khác nhau nhưng đôi khi biểu hiện ra của chúng không dễ phân biệt. Trạng thái điều chỉnh của thị trường có thể hình dung như một cách thị trường ngăn lại trạng thái tâm lý của những nhà đầu tư đang quá phấn khích. Nguyên tắc chung thường được đưa ra đối chiếu là trạng thái điều chỉnh của thị trường (correction) sẽ không làm tổng giá trị thị trường giảm quá 20%. Có khá nhiều vụ sụp đổ thị trường bị người ta gán nhầm cho cái tên là trạng thái điều chỉnh, đặc biệt là vụ sụp đổ thị trường nghiêm trọng năm 1987. Dẫu sao cũng chỉ có thể xác định một đợt giảm giá là sụp đổ hay chỉ đơn thuần là điều chỉnh sau khi thị trường ngừng tụt dốc ở tốc độ cao trong một khoảng thời gian đủ dài.
Lịch sử đã chứng kiến những "bong bóng" và "sụp đổ" gần như trở thành huyền thoại. Ta sẽ đi lướt qua hồ sơ về những huyền thoại của lịch sử kinh tế-tài chính thế giới.
Khủng hoảng Hoa Tu-líp
Thời gian: 1634-1637
Địa điểm: Hà Lan
Thị trường sụt từ đỉnh xuống đáy - nói như thế bởi khó có thể dùng một thước đo nào để xác định chính xác mức đỉnh và mức đáy, tuy nhiên lịch sử ghi lại rằng ở mức đỉnh, người ta có thể đổi một bông hoa tu-líp lấy một căn nhà, nhưng khi ở đáy, giá một bông hoa chỉ bằng một củ hành.
Hiện tượng đó diễn ra như thế nào?
Năm 1593, hoa tu-líp được mang từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan. Đặc trưng mới lạ của loài hoa này làm rất nhiều người tìm kiếm để mua, do đó giá cũng đắt dần lên. Một thời gian sau, hoa tu-líp mắc phải một loại virus không gây hại có tên là thể khảm, loại virus này không gây hại đến loài hoa mà tác động làm cho màu sắc trên những cánh hoa có ánh hồng tía. Sự biến đổi màu sắc này làm cho loài hoa tu-líp vốn đã khó tìm càng trở lên khan hiếm. Khi đó, giá hoa vốn cũng đã cao giờ càng cao hơn tùy thuộc mức độ tác động của loại virus. Người ta bắt đầu giao dịch với nhau bằng bộ củ hoa, bắt đầu hình thành hiện tượng đầu cơ trên thị trường, khi đó ai cũng nghĩ rằng giá sẽ tằng không giới hạn.
Những người có nhu cầu mua củ cây thực (những người trồng hoa) bắt đầu mua về và dự trữ củ tu-líp trong kho cho mùa hoa sau. Việc này càng làm giảm cung và tăng cầu cũng như tính khan hiếm. Ngay sau đó, giá củ tu-líp tăng rất nhanh và rất cao, người ta dùng đất, tiền tiết kiệm và bất cứ tài sản nào khác có thể chuyển thành tiền mặt để mua củ hoa tu-líp. Nhiều người Hà Lan khi đó quả quyết rằng họ sẽ có thể bán được lượng củ mà họ đã thu mua về cho những người ngoại quốc ít thông tin và kém may mắn, qua đó có thể mang lại lượng lợi nhuận khổng lồ. Giá tu-líp khi đó đã tăng gấp 20 lần sau chỉ một tháng.
Quả bong bóng phình ra to nhất vào giai đoạn 1936-1937. Lái buôn Tu-líp là những người kiếm lời nhanh chóng và đơn giản nhất. Một lái buôn thạo tay có thể kiếm 60.000 florin (tiền Hà Lan) trong một tháng - tương đương xấp xỉ 61,710 đô la Mỹ. Với lợi nhuận khổng lồ như thế, chính quyền hoàn toàn bất lực và không thể ngăn chặn được hoạt động giao dịch náo nhiệt. Ai cũng thấy giá không phản ánh được giá trị thực mỗi củ tu-líp. Hiện tượng bong bóng bắt đầu xuất hiện trên nhiều thị trường nơi có hoạt động đầu cơ tu-líp, những người cẩn trọng nhất đã bắt đầu tính đến việc bán và cầm chắc lợi nhuận cho mình. Hậu quả của việc này là một hiệu ứng domino khủng khiếp với mức giảm nhanh chóng mặt trong điều kiện tất cả đều bán nhưng rất ít người mua. Giá giảm trầm trọng càng làm con người ta hoảng loạn và bán bất kể lỗ bao nhiêu.
Nhiều giao dịch bị phá vỡ, người ta bắt đầu hiểu ra rằng họ đã dùng nhà của mỉnh để đổi lấy một mẩu cây cỏ. Hoang mang và hỗn loạn là tình cảnh chung diễn ra trên đất nước Hà Lan. Chính phủ cố gắng tiếp cận nhằm hạn chế và làm chậm lại hiện tượng đó bằng cách đề nghị thực hiện những giao dịch đang bị từ chối thực hiện tại mức 10% mệnh giá. Tuy nhiên kết quả là thị trường càng xấu hơn, những biện pháp trở lên vô nghĩa. Ngay cả những người đã thoát ra và cất giữ được lợi nhuận cho riêng mình cũng chịu tác động từ đợt suy thoái kinh tế diễn ra sau đó
Tác động của cuộc khủng hoảng Tu-líp làm cho Hà Lan tiến hành cấm toàn bộ các hoạt động đầu cơ trong đầu tư suốt một thời gian dài

Theo Saga
source
http://chungkhoan24h.com/kinh-nghiem-dau-tu/bong-bong-sup-do-va-nhung-tinh-huong-kinh-dien-5.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét