Trên mặt báo, nếu những phát ngôn chung chung rằng, TTCK Việt Nam đang hấp dẫn bị người đọc cho là hời hợt, thiếu căn cứ, thì cũng nhận định như trên, khi gắn thêm việc so sánh một vài thông số tài chính (chủ yếu là PE, PEG) vào, lập tức tính tin cậy cao hơn, thậm chí được dư luận coi như cách phát ngôn chuyên nghiệp. Nhưng một lần, một chuyên gia phân tích cơ bản loại cứng bỗng khựng lại trước câu hỏi của một nhà đầu tư nhỏ rằng, tính tin cậy của chỉ tiêu lợi nhuận DN tại Việt Nam đến đâu? Câu hỏi trên, rõ ràng, không thuộc thẩm quyền trả lời của vị chuyên gia này (vì ông không làm ra số liệu của DN, mà chỉ phân tích, dự báo trên số liệu DN công bố). Tuy nhiên, câu trả lời cho nó lại liên quan mật thiết đến kết quả phân tích, nhận định mà các chuyên gia nói chung đề cập. Khi lợi nhuận DN công bố không phản ánh chính xác giá trị gia tăng thực tế mà DN tạo ra trong kỳ kế toán thì trước tiên, chỉ tiêu EPS sẽ không chuẩn xác, sau đó là PE, PEG không chuẩn xác, nếu không muốn nói là trở nên vô nghĩa trong phân tích cơ bản. Mà việc lợi nhuận DN công bố có chuẩn xác hay không phụ thuộc vào nguyên tắc kế toán hiện có và việc tuân thủ nguyên tắc kế toán tại DN. Trên TTCK, năm nay, hai vấn đề nổi cộm đang cho thấy sự bất cập trong việc tính toán và công bố chỉ tiêu lợi nhuận DN là việc DN phải trích lập dự phòng biến động tỷ giá và trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Hai khoản trích lập này trực tiếp làm giảm lợi nhuận của DN, nhưng việc xác định tính chuẩn xác của hai khoản trên trong báo cáo tài chính của DN lại rất không rõ ràng. Như năm 2008, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hoạt động hoàn toàn bình thường với lợi nhuận từ hoạt động (nếu không phải trừ khoản trích lập) lên tới 1.342 tỷ đồng. Nhưng do phải trích lập dự phòng biến động tỷ giá 1.543 tỷ đồng (cho toàn bộ khoản vay 36 tỷ yên, thời hạn trả trên 20 năm) làm PPC năm 2008 lỗ 207,7 tỷ đồng. Nếu dựa theo số liệu lợi nhuận PPC năm 2008 mà phân tích cơ bản, thì PPC không đáng để đầu tư, nhưng nhận định này có đúng không khi năm 2008, PPC phải "cõng" khoản dự phòng biến động tỷ giá cho toàn bộ khoản nợ có thời hạn trả đến 20 năm? Việc xác định khoản trích dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính còn nan giải hơn, vì hầu như DN nào cũng "dính" vào khoản này, mà công thức để trích (theo Thông tư 13/2006/TT-BTC) rất chung chung, thông tin DN công bố thì hạn chế, nên nhà đầu tư nói chung không thể đánh giá được tính chuẩn xác của khoản trích lập này. Dư luận cũng hiểu rằng, không thể và không bao giờ việc kế toán và công bố số liệu tài chính của DN đạt đến sự tuyệt đối chuẩn. Nhưng trước những tồn tại hiện hữu trên, đã đến lúc cần một sự xem xét lại về cách tính toán lợi nhuận của DN. Chỉ khi chỉ số này được chuẩn hoá thì các chỉ số PE, PEG hay EPS mới trở thành chỉ báo cho sức hấp dẫn của thị trường. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét