Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Bầu cử Singapore: yếu tố nào quyết định?


Cập nhật: 14:11 GMT - thứ bảy, 7 tháng 5, 2011

Bầu cử Singapore: yếu tố nào quyết định?

Singapore

Nền kinh tế Singapore hiện nay trị giá 250 tỉ đôla

Khoảng 2.3 triệu người Singapore đi bỏ phiếu vào thứ Bảy trong cuộc bầu cử đầu tiên trong 5 năm.

Cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc lo ngại gia tăng về tình trạng tăng giá thực phẩm và nhà ở, cũng như tình trạng nhập cư gia tăng.

Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền - vốn nắm chính trị quốc gia trong hơn nửa thế kỷ qua - được cho là sẽ giành chiến thắng.

Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử này, số lượng ghế trong Quốc hội mà phe đối lập ra tranh cử sẽ lên tới mức kỷ lục.

Trong số 87 ghế Quốc hội, có tới 82 ghế sẽ bị năm đảng đối lập ra cạnh tranh.

Đảng Đoàn kết quốc gia có 24 ứng cử viên, trong khi Đảng Lao động, vốn chiếm một ghế trong kỳ quốc hội trước, ra ganh đua cho 23 ghế.

Đảng Cải cách, Đảng Dân chủ Singapore và Đảng Nhân dân Singapore cũng ra tranh cử.

Biến động lớn

Dưới sự cầm quyền của đảng PAP, Singapore đã phát triển từ một nước thuộc địa lạc hậu không có tài nguyên thiên nhiên để trở thành một nền kinh tế trị giá tới 250 tỉ đôla như hiện nay.

Đảng này vẫn tự hào là có những người ủng hộ suốt đời, đặc biệt là những người có tuổi, vốn đã chứng kiến đất nước đi lên từ mức đang phát triển để trở thành nước phát triển toàn diện trong vòng một thế hệ.

Tổng sản phẩm quốc nội, GDP, tăng 14,5% trong năm 2010, đưa Singapore trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - là một thực tế mà Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tại cuộc vận động chiến dịch gần đây.

Ông Lý nói: "Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây biến động lớn cho nền kinh tế của chúng ta, nhưng bất chấp điều này, Singapore vẫn phát triển nổi bật. Việc chúng ta đạt được điều đó là nhờ sự thống nhất, và nhờ một chính phủ tốt."

Trong tương lai, tôi cảm thấy rằng chính phủ sẽ quan tâm hơn đến việc làm thế nào để có sự tham gia của người dân.

Ứng viên Nicole Seah

Đài BBC tìm cách liên lạc với chính phủ và đảng PAP nhưng không được.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế của Singapore đã tăng gấp đôi về quy mô trong 10 năm tính đến năm 2008, sự tăng trưởng cũng mang theo nó những thách thức.

Thành phố đắt đỏ

Tỷ lệ lạm phát lên tới mức 5% trong tháng Ba, và mặc dù ngân hàng trung ương cho biết mức lạm phát sẽ giảm xuống 3% đến 4% trong năm nay, giá nhà và xe ô tô đã tăng vọt, đưa chúng ra khỏi tầm với của giới thanh niên nước này.

Một ví dụ là Mohamed Ali, năm nay 33 tuổi. Đã kết hôn và có một con nhỏ bốn tháng tuổi, anh vẫn phải sống với cha mẹ vì không đủ tiền để mua bất kỳ căn hộ được chính phủ trợ cấp nào gần đó.

Cha anh, Mohamed Hassan, là người ủng hộ trung thành cho đảng Cải cách đối lập. Ông đổ lỗi cho những người nhập cư đã gây ra tình trạng chi phí tăng cao về nhà ở trong khi tiền lương lại thấp.

Ông nhận xét: "Cứ cho là tôi kiếm được 2000 đôla - họ có thể làm việc với mức lương 1500, không vấn đề gì. Cộng với việc họ có thể làm việc tới 12 tiếng, còn tôi thì không. Tôi là người Singapore có gia đình, chúng tôi đã xây dựng Singapore nhưng họ vào đây, rất dễ dàng trở thành công dân. Thế còn chúng tôi thì sao?"

Số liệu của chính phủ cho thấy hơn một phần tư trong số 5.1 triệu dân Singapore là người nước ngoài, tức là tăng 19% từ năm 2000. Những ai không phải công dân thì không được quyền đi bầu.

Khó khăn của ông Hassan cũng phức tạp thêm bởi thực tế là Singapore đứng thứ hai trong số các nước phát triển có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất.

Đảng PAP cầm quyền dự kiến sẽ giành chiến thắng

Mặc dù tăng trưởng kinh tế mạnh có nghĩa là thu nhập bình quân hàng tháng tăng 40% trong thập kỷ qua, thu nhập bình quân của 20% những người nghèo nhất Singapore, như ông Hassan và gia đình, lại giảm đi 2,7%.

Truyền thông xã hội

Điều làm cho cuộc bầu cử thú vị đối với nhiều nhà quan sát là thực tế là rất nhiều thanh niên Singapore - ước tính khoảng 600 ngàn người trong độ tuổi từ 21 đến 34 - sẽ lần đầu tiên trở thành cử tri.

Họ được xem là cởi mở hơn đối với thay đổi chính trị, do đó khó có thể nói về tỉ lệ trung thành trong cuộc bầu cử lần này.

Eugene Tan, giáo sư trợ giảng về luật tại Đại học Quản trị Singapore, nhận xét: “Sự áp đảo về chính trị của đảng PAP bị coi không chỉ là một điều dị thường mà là một tình trạng như quái đản.

“Điều đó, cùng với sự bất mãn của tầng lớp nhân dân bên dưới và việc PAP có vẻ thiếu quan tâm, làm cho nhiều người Singapore thấy phe đối lập trở nên đáng mến hơn".

Nhà văn Singapore, Catherine Lim, cũng đồng ý với nhận xét này, nói rằng các cử tri trẻ là thế hệ Y, một nhóm hoàn toàn khác với cha mẹ và ông bà của họ, những người vẫn còn vô cùng biết ơn PAP đã cho họ có được các căn hộ hợp vệ sinh được chính phủ trợ cấp .

Do có rất nhiều cử tri trẻ nên điều không gây ngạc nhiên là phần lớn chiến dịch vận động lần đầu tiên được đưa lên Internet trên các trang mạng như Facebook, YouTube và Twitter.

Việc chuyển từ phương tiện truyền thông nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ sang hình thức trực tuyến tự do hơn đã khiến cho những người như Nicole Seah, 24 tuổi, nổi tiếng.

Là một trong những ứng viên trẻ nhất trong đảng đối lập Quốc gia Đoàn kết, lượng fan hôm mộ cô trên Facebook đã vượt qua cả fan của chính khách cao cấp Lý Quang Diệu, người được coi là kiến ​​trúc sư xây dựng nên Singapore hiện đại.

Trong hai ngày, khi trang Facebook của cô có hơn 60 ngàn người hâm mộ, cô trở thành chính trị gia được ưa thích nhất tại Singapore trên Facebook. Ông Lý sau đó cũng đuổi kịp cô về số fan hâm mộ.

Seah nói rõ tại sao cuộc bỏ phiếu hôm thứ bảy là rất quan trọng.

Cô giải thích: "Cuộc bầu cử lần này là một bước ngoặt, vì truyền thông xã hội đang nổi lên là một biện pháp rất mạnh".

"Trong tương lai, tôi cảm thấy rằng chính phủ sẽ quan tâm hơn đến việc làm thế nào để có sự tham gia của người dân. Đây là điều mà đảng cầm quyền sẽ phải chấp nhận, rằng nếu họ thực sự muốn công dân tham gia, họ có thể sẽ nhận được những phản hồi tiêu cực trên mạng, cùng với những gì tích cực đã được đề cập."

source

BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét