Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Khủng hoảng tín dụng ngoài luồng ở Trung Quốc


Thứ Hai, 14 tháng 11 2011


Hình: AP

Tương tự như trường hợp của (...), Trung Quốc cũng đang trải qua một cơn bão ngầm về đổ vỡ tín dụng “ngoài luồng”. Tâm điểm của cơn bão này là Wenzhou (Ôn Châu). Trường hợp Wenzhou đã trở nên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới, đến nỗi nó thường xuyên xuất hiện trên các báo chí quốc tế, đặc biệt là trong tháng 10 vừa qua.

Vậy câu chuyện ở Wenzhou xảy ra như thế nào?

Wenzhou nổi tiếng với tư cách là “thủ đô” của kinh tế tư nhân. Từ những ngày đầu tiên của công cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc, Wenzhou luôn dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn những năm 2000, sản xuất công nghiệp tư nhân chiếm tới 96% tổng sản xuất công nghiệp ở địa phương, sử dụng 80% số lao động, chiếm 95% sản lượng xuất khẩu của địa phương. Wenzhou là thủ phủ của hàng loạt các sản phẩm và mang nhiều mệnh danh như “thủ đô dày dép Trung Quốc”, “thủ đô đồ điện gia dụng”… Sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Wenzhou đã tạo ra cái gọi là “mô hình kinh tế Wenzhou” và trở thành nguồn cảm hứng cho công cuộc hiện đại hóa ở Trung Quốc.

Hiện nay, với sự đi lên mạnh mẽ của các khu vực khác, vai trò của Wenzhou đã bị thu hẹp nhiều. Thành phố với 9 triệu dân này hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% GDP của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Wenzhou vẫn giữ được vị thế là thủ đô của doanh nghiệp vừa và nhỏ với gần 400,000 doanh nghiệp và chủ yếu sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.

Trong khoảng một năm trở lại đây, tình hình lạm phát ở Trung Quốc đã buộc chính quyền trung ương phải sử dụng tới các biện pháp thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất, ép giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng). Cũng như ở (...), chính sách này đã đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tới chỗ hầu như không thể vay được tiền từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng chính thức. Điều này đã khiến các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ không còn lựa chọn nào khác là vay mượn từ hệ thống tín dụng đen. Theo MarketWatch (phụ trang của Wall Street Journal), số tổ chức cho vay phi pháp ở đây đã lên tới hơn 1000. Rất nhiều doanh nghiệp phải đến vay các tổ chức này với mức lãi suất cắt cổ, mặc dù tỷ suất lợi nhuận biên của họ gần như không đáng kể (đa phần dưới 5%).

Tệ hơn, theo Bao Fan, CEO của ngân hàng China Renaissance, một số lớn doanh nghiệp đi vay chợ đen ít nhiều có dính líu tới bất động sản. Theo ông Fan, các khoản đầu cơ này bị ảnh hưởng nặng khi chính quyền trung ương quyết tâm siết chặt các họat động mua bán bất động sản nhằm hạ nhiệt thị trường này.

Cũng giống như trường hợp (...), hệ thống tín dụng đen này không được kiểm soát bởi chính quyền. Vì vậy, lãi suất cho vay luôn trong tình trạng đặc biệt cao. Theo Chinapost, việc thắt chặt tiền tệ đã đẩy lãi suất trong khu vực này lên tới 90%. Tình trạng này khiến phần lớn mọi người tin rằng việc sụp đổ tín dụng đen ở đây là điều không tránh khỏi. XinhuaNet trích dẫn một điều tra thống kê cho thấy 65% chủ các doanh nghiệp với doanh số ít nhất 30 triệu Yuan (khoảng 4.72 triệu USD) tin rằng sự sụp đổ của hệ thống tín dụng đen ở Wenzhou là tất yếu.

Chinapost trích nguồn từ UBS cho biết quy mô của tín dụng đen ở Trung Quốc lên tới khoảng 3 ngàn tỷ Yuan (tương đương 628 tỷ USD), bằng khoảng 10% GDP của Trung Quốc. Khủng hoảng tín dụng đen ở Wenzhou không có tác động ngay lập tức đến hệ thống tài chính khổng lồ của Trung Quốc, nhưng nhiều người lo ngại rằng một khi nó lan ra toàn quốc, và hệ thống tín dụng ngầm lên tới 10% GDP này sụp đổ thì hậu quả của nó là không tiền khoáng hậu. Andy Xie – một kinh tế gia “lắm điều” về Trung Quốc – phát biểu trên báo này rằng “tôi buộc phải kết luận rằng việc làm ăn này là một trò chơi Ponzi, dựa vào nguồn tiền vay mới để trả nguồn vay cũ. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì nó sẽ dẫn tới một thảm họa ở quy mô toàn quốc”.

Trên thực tế là có nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phá sản và nhiều nhà tài phiệt đã phải bỏ thành phố trốn đi, thậm chí ra nước ngoài, để tìm cách thoát khỏi sự truy đuổi của chủ nợ. Theo ChinaDaily, 29 chủ doanh nghiệp lớn đã bỏ chạy.

Nổi đình đám nhất là ông Hu Fulin, người sáng lập ra tập đoàn Zhejiang Center, và là một trong những nhân vật được coi là tạo ra các điều thần kỳ trong kinh doanh. Công ty của ông Hu có tới 3000 nhân công, sản xuất ra khoảng 20 triệu bộ kính mắt mỗi năm. Vì dính líu tới các khoản đầu tư bất động sản, ông Hu đang mắc vào khoản nợ không còn khả năng thanh toán lên tới 313 triệu USD (trong đó hơn một nửa là nợ tín dụng đen) và hiện ông đã trốn sang Mỹ. Một chủ doanh nghiệp khác là ông Zheng Deli, đứng đầu một công ty làm giày da, đã tìm lối thoát bằng cách khác. Ông đã nhảy từ căn hộ trên tầng 22 của ông xuống đất tự sát.

Cách kiểm soát khủng hoảng của chính quyền

Chính quyền trung ương và địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhắm vào giải quyết khủng hoảng. Hãng tin CNTV trích lời Chen Jun, phó bí thư thị ủy của Wenzhou, cho biết lượng vốn bơm vào Wenzhou qua kênh chính thức (hệ thống ngân hàng) đã tăng thêm 5.45 tỷ yuan vào tháng 10, đưa tổng số vốn vay từ hệ thống ngân hàng lên tới 604.3 tỷ yuan.

Một quỹ tài chính khẩn cấp trị giá một tỷ yuan cũng được nhà nước thành lập để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong tình trạng cần “cấp cứu” vay. Nhà nước cũng xúc tiến thành lập từ 10 tới 15 công ty có chức năng cho vay các ngân khoản nhỏ vào cuối năm nay để giảm áp lực về nhu cầu vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo CNTV, ngay cả các hiệp hội nghề nghiệp và xã hội cũng hình thành các quỹ tài chính để cho các thành viên của mình vay nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế.

Các giải pháp tái cấu trúc nhóm các doanh nghiệp phá sản cũng được thực hiện. Theo CNTV, 5 doanh nghiệp thuộc diện đã phá sản đã được khôi phục hoạt động trở lại nhờ khoản cho vay 50 triệu yuan của chính phủ và 15 chủ doanh nghiệp bỏ chạy khỏi thành phố giờ đã quay lại làm việc.

Với các giải pháp này, CNTV cho rằng khủng hoảng tín dụng ở Wenzhou đang hạ nhiệt. Tuy nhiên con số 5 - 6 tỷ yuan trên thực tế có lẽ chỉ như muối bỏ biển vì, theo MarketWatch, một báo cáo ra hồi tháng 9 cho biết chính quyền địa phương đã gửi kiến nghị đề nghị trung ương hỗ trợ một gói cứu trợ tài chính lên tới 60 tỷ yuan. Theo một nguồn khác, China.org.cn trích số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa chi nhánh Wenzhou cho biết khu vực tín dụng đen ở thành phố này có quy mô lên tới 110 tỷ yuan (tương đương khoảng 16 tỷ USD).

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

source

VOA Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét