Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Trận Đánh Mỹ-Hoa



Nguyễn Xuân Nghĩa/Việt Tribune

Thượng viện Hoa Kỳ lại vừa khai chiến với Trung Quốc về chuyện hối suất đồng Nguyên. Một hồ sơ rắc rối và huê dạng, và gây rất nhiều chuyển động không khí vì chuyện khác....

Mậu dịch, Hối suất, Thất nghiệp

và những Tinh quái của Chính trị





Thứ Hai mùng ba, Thượng viện Mỹ vừa đề nghị gây áp lực để Bắc Kinh phải điều chỉnh đồng bạc theo một tỷ giá trung thực hơn. Đó là đề luật "Cải cách Chế độ Kiểm tra Hối suất 2011" được đưa ra để Thượng viện phê chuẩn tuần này thành dự luật. Lý luận hàm chứa bên trong là vì tỷ giá quá thấp của đồng Nguyên (Yuan, Trung Quốc gọi là "Nhân dân tệ" hay Renminbi) so với Mỹ kim, Bắc Kinh trục lợi bất chính nhờ bán hàng rẻ hơn thực giá vào thị trường Hoa Kỳ, đạt xuất siêu quá lớn, khiến dân Mỹ mất việc.

Đề nghị đưa vào nghị trình thảo luận đã được thông qua với tỷ lệ 79-19 nhờ lá phiếu ủng hộ của các Nghị sĩ Cộng Hòa. Nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi đưa qua Hạ viện thảo luận. Nếu cả hai viện đều đồng ý thì dự luật mới thành hình, trước khi được Tổng thống Barack Obama ký thành luật - hoặc bác bỏ với quyền phủ quyết.

Chúng ta có hai ba chữ "nếu" trong này....

Về nội dung, dự luật hối đoái có một số chi tiết đáng chú ý:

1) Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải coi việc hối suất quá thấp của đồng Nguyên là một hình thức trợ cấp giá cả mà luật lệ ngoại thương của Mỹ đã có quy định về cách đối phó. Gặp nạn trợ giá như vậy, doanh nghiệp Mỹ có quyền yêu cầu nâng thuế suất nhập nội của hàng Trung Quốc vào Mỹ.

2) Thay vì đưa ra một nhận định bán niên, mỗi sáu tháng, về việc một xứ nào đó có lũng đoạn hối suất cho mục tiêu cạnh tranh bất chính, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phải xác định tên quốc gia đã có "chế độ hối đoái lệch lạc" - trường hợp nhẹ hơn tội "lũng đoạn – và đề nghị các biện pháp đối phó tự động, có thể áp dụng lập tức, trong ba tháng hoặc suốt năm. Nhờ điều khoản đó, doanh nghiệp Mỹ sẽ dễ tranh đấu cho quyền lợi khi thấy là bị thiệt thòi.

3) Hoa Kỳ sẽ có cơ sở pháp lý để bác bỏ mọi thay đổi trong cơ chế điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hầu quốc gia nào mà có chế độ hối đoái lệch lạc sẽ không được gây ảnh hưởng vào định chế này.

4) Một năm sau khi ban hành đạo luật, Đại diện Thương mại Mỹ phải nộp hồ sơ khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, và Bộ Ngân khố phải tham khảo Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác để can thiệp và điều chỉnh các thị trường hối đoái.

Xin cáo lỗi quý độc giả về mấy chi tiết pháp lý rắc rối trên. Nhưng chuyện rắc rối nhất không nằm ở đó. Nó nằm ở cái lý và cái cớ của trận đánh về hối suất đồng Nguyên, một chuyện còn éo le phức tạp hơn!

Năm ngoái, trước khi có cuộc bầu cử Tháng 11, Hạ viện Mỹ trong tay đảng Dân Chủ đã biểu quyết một dự luật tương tự với tỷ số rất cao là 348-79 nhờ lá phiếu của các Dân biểu Cộng Hoà. Sau cuộc bầu cử, đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại Hạ viện, rồi trận đấu từ đầu năm nay với Thượng viện và Hành pháp Dân Chủ về ngân sách và công trái đã che khuất mọi vấn đề khác.

Lần này, đảng Dân Chủ tại Hạ viện đệ nạp lại dự luật năm ngoái, là ấn bản ở viện dưới về đề nghị có tính chất "lưỡng đảng" hiếm hoi vừa qua của Thượng viện. Tính đến tuần này thì đề nghị của Hạ viện được 145 Dân biểu Dân Chủ và 56 Dân biểu Cộng Hoà bảo trợ, rất mạnh nhưng còn thiếu 17 phiếu để trở thành luật. Những lời phát biểu ồn ào trong suốt tuần qua chính là để tác động vào dư luận khiến cử tri gây sức ép cho Hạ viện Cộng Hoà nhằm tranh thủ 17 lá phiếu đó.

Nhưng khi đã thành luật bên Lập pháp thì còn phải qua cửa Hành pháp. Chính quyền Obama chưa chính thức lên tiếng là chống hay thuận, nhưng ngần ngại mở ra một trận chiến mậu dịch với Trung Quốc. Đấu pháp chính trị của Phủ Tổng thống là làm sao tránh được đạo luật, nhưng vì một lý cớ là sự chống đối của các Dân biểu Cộng Hoà. Đó là một cách đổ lỗi khôn ngoan - và giăng bẫy cho đối thủ trong một năm tranh cử.

Chỉ vì toàn bộ vấn đề là một chuỗi lý luận sau đây: sự cạnh tranh bất chính của đồng Nguyên quá rẻ khiến Hoa Kỳ bị nhập siêu quá nặng; vì bị nhập siêu - là nhập nhiều hơn xuất cảng - nên nước Mỹ mới bị thất nghiệp quá cao; biện pháp trừng phạt Trung Quốc là một cách giành lại công ăn việc làm cho dân Mỹ. Một chuỗi lý luận rất phải đạo nhưng... đáng nghi ngờ.

Trong trận đánh ồn ào và huê dạng này, Thượng viện Dân Chủ và một số Nghị sĩ Cộng Hoà dựa trên lý luận là đồng bạc Trung Quốc được định giá thấp hơn thực giá từ 20 đến 30%. Mức chênh lệch bất chính đó khiến từ 2,4 đến 2,8 triệu người Mỹ thất nghiệp trong 10 năm qua (con số một triệu hai là năm ngoáí, một triệu tám là năm nay). Lý luận đó được một số kinh tế gia thiên tả nêu ra, đứng đầu là viện nghiên cứu kinh tế là Economic Policy Institute, một "lò trí tuệ" cánh tả có xu hướng ủng hộ các nghiệp đoàn.

Trong hoàn cảnh thất nghiệp cao quá 9% hiện nay, khi cử tri lại đi bầu vào năm tới, lý luận này tất nhiên là ăn khách. Nhưng nó đáng nghi ngờ vì sự thật lại không hẳn là như vậy. Thống kê vốn không biết dối trá, nhưng kẻ dối trá vẫn có thể đưa ra thống kê lếu láo để lừa mị người dân.

Chúng ta bước qua một tầng rắc rối khác!

Trước hết, trên đại thể, dù có nền kinh tế hạng nhì của thế giới, Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường đích thực. Chính quyền Bắc Kinh vẫn còn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và gây ra rất nhiều lệch lạc trên thị trường và thiệt hại cho thế giới. Đấy là một lẽ.

Riêng trong lãnh vực hối đoái (hay ngoại hối), Trung Quốc phải áp dụng chế độ tự do. Là thả nổi cho trị giá đồng Nguyên so với các ngoại tệ khác – ta gọi là hối suất hay tỷ giá – phản ảnh quy luật cung cầu một cách trung thực, như đồng Mỹ kim, Euro, đồng Yen của Nhật, đồng Bảng của Anh, v.v... Song song, Trung Quốc phải giải toả chế độ kiểm soát tài chánh để tư bản được chuyển dịch tự do, ra và vào thị trường Hoa lục theo đúng quy luật cung cầu. Cả hai chuyện ấy đều chưa có và đấy là một sự lệch lạc phải điều chỉnh.

Trong khi chờ đợi, không ai có thể xác định rằng hối suất đồng Nguyên bị định giá thấp tới mức nào. Những tỷ lệ 20-30% chỉ là phỏng đoán.

Thứ hai, hối suất đồng Nguyên không gây ảnh hưởng một cách máy móc đến cán cân mậu dịch Mỹ-Hoa như nhiều chính khách hay kinh tế gia đã lý luận. Dưới áp lực của Hoa Kỳ thời Chính quyền Bush, Bắc Kinh đã phải nâng giá đồng Nguyên khoảng 20,1% từ Tháng Bảy năm 2005 đến cuối năm 2008, trong khi ấy, nhập siêu của Mỹ vẫn tăng. Quan hệ giữa mức nhập siêu và trị giá đồng Nguyên là chuyện phức tạp hơn ta thường nghĩ.

Dễ hiểu nhất là khi hàng Trung Quốc tăng giá, thí dụ như 20%, thì giới tiêu thụ Mỹ có vì đó mà ít mua đồ Tầu theo tỷ lệ tương ứng đó không? Thực tế là không!

Thứ ba, hối suất đồng Nguyên và mức nhập siêu không trực tiếp gây ảnh hưởng đến nạn thất nghiệp tại Hoa Kỳ như nhiều người lý luận. Nguyên do của thất nghiệp vốn dĩ phức tạp hơn vậy – và một trong nhiều yếu tố ít ai dám nói đến là vai trò của các nghiệp đoàn Mỹ! Xin dành một dịp khác vì đề cập tới đến sự sơ cứng và bảo hộ của nghiệp đoàn là chuyện nhạy cảm!

Thực tế thì nếu nhìn trên toàn cảnh và trong trường kỳ là vài chục năm thì mức nhân dụng Mỹ - số người có việc trong thị trường lao động – đã tăng khi nhập siêu tăng tốc từ năm 1995 trở đi, mà lại giảm khi nhập siêu giảm dần từ năm 2006, và khi thất nghiệp tăng vọt từ năm 2009.

Bảo rằng nhờ nhập cảng gia tăng và gây thiếu hụt cán cân thương mại mà Mỹ ít bị thất nghiệp là một lý luận chưa chắc đúng, nhưng nói rằng nạn nhập siêu đã gây ra thất nghiệp và còn tính ra con số hai triệu tám là một sự hàm hồ không phản ảnh thực tế.

Chuyện đã quá dài nên xin tóm tắt bằng hai chi tiết.

Mới đầu Tháng Tám thôi, Ngân hàng Dự trữ San Francisco có một phúc trình về ngoại thương Hoa Kỳ: "Ta về ta tắm ao ta" là một quy luật Mỹ!

Tiêu thụ của Hoa Kỳ gồm có 88,5% là hàng Mỹ, chỉ có 11,5% là hàng nhập. Trong số hàng nhập, phân nửa trị giá là do doanh nghiệp và công nhân Mỹ tham gia – và hưởng lợi – qua việc chuyển vận, phân phối và quảng cáo từ sỉ đến lẻ!

Trong tồng số, chỉ có 2,7% hàng tiêu thụ của Mỹ là đến từ Trung Quốc mà thôi, trong đó có 55% lại do doanh nghiệp Mỹ nắm lấy từ khi hàng cập bến bên Tầu và vào tới tay người tiêu thụ cuối cùng bên Mỹ. Nói cách khác, khi mua một đô là hàng "Made in China", dân Mỹ chi 55 xu cho người Mỹ. Và sức nặng ngoại thương của Trung Quốc với nước Mỹ... không nặng như người ta tưởng.

Người viết đã đề cập đến chuyện này trong bài "Hoa Mắt Với Chuyện Hoa-Mỹ - Sức nặng tương đối nhìn từ một giác độ khác" được yết lại trên Dainamax Magazine (dainamax.org) ngày 2011.08.16.

Chuyện thứ hai - và nhân dịp tiếc thương một thiên tài về khoa học, nghệ thuật và kinh doanh là Steve Jobs: khi dân Mỹ mua sản phẩm iPad do ông chế tạo, người ta được biết giá thành là 150 đô la. Vì sản phẩm... đến từ Trung Quốc nên được bút ghi vào cán cân thương mại Mỹ-Hoa. Thực tế thì hãng Apple đã hoàn thành sản phẩm từ... cái đầu của Steve Jobs và hệ thống sản xuất của hãng Apple tại thành phố Cupertino ở miền Bắc California. Sau đó là một nỗ lực kết hợp các nguồn đóng góp vào trị giá gia tăng của sản phẩm, từ Hoa Kỳ đến nhiều xứ Đông Á khác, trong đó, phần tham gia của Trung Quốc chỉ đáng giá... bốn đồng (US$ 4,00): 2,6% trên giá thành 150 đồng của một món hàng bán ra ngoài với giá 500 đồng.

Nhưng thiên hạ vẫn tri hô về sức nặng của Trung Quốc và cái tội lũng đoạn ngoại hối của Bắc Kinh!

Tất nhiên là người viết không muốn bênh vực Trung Quốc (!), nhưng ta nên nhìn vào những thực hư rắc rối của một đòn chính trị, thật ra là chuyện khá cổ điển!

Mỗi khi Hoa Kỳ đi vào một chu kỳ bầu cử hai năm một lần thì nhiều chính khách Mỹ thường tìm cớ đổ lỗi cho ai khác để bịp dân và kiếm phiếu.

Về ngoại thương, từ cả trăm năm nay, Hoa Kỳ đề cao nguyên tắc tự do mậu dịch với các nước, nhưng khi cần đổ lỗi thì nhân danh tự do mậu dịch mà đòi "mậu dịch công bằng" – free trade thành fair trade! Khi không gian kinh tế càng mở rộng thì cùng với đà thịnh vượng, bất ổn cũng gia tăng và đòi hỏi khả năng ứng phó để dung hợp. Các nước đang phát triển hoặc phải chuyển hướng đều gặp thách đố này, có khi còn bị khủng hoảng.

Hoa Kỳ cũng không khác nên phải dung hoà, khi khu vực canh nông rồi chế biến ngày càng bị thu hẹp và cơ cấu sản xuất chuyển dịch qua khu vực tài chánh và dịch vụ. Hoặc khi ngoại thương đem lại lợi ích cho tiểu bang này thì cũng gây khốn cho tiểu bang khác. Một số chính khách đã chỉ chú ý đến yêu cầu dung hoà và những khó khăn của sự chuyển dịch mà nhấn mạnh đến yếu tố ngoại nhập. Và tìm cách hạn chế tự do ngoại thương để bảo vệ nguyên trạng hoặc thực tế là để trở lại chế độ bảo hộ mậu dịch.

Họ quên rằng doanh nghiệp Mỹ đã tận dụng quyền tự do ấy để đầu tư vào tận gốc, thí dụ như trong vựa người của Trung Quốc, và kiếm lợi có thể là đến 60% vào trị giá hàng hoá Trung Quốc bán ra ngoài, hoặc về Mỹ. Vào đến Hoa Kỳ, 40% trị giá còn lại của các sản phẩm "Made in China" là một đợt kinh doanh thứ nhì và thu lợi được 55% (22% trong tỷ lệ 40%).

Nhưng dù sao mặc lòng! Vì Trung Quốc cũng có gian ý chứ chẳng hiền lành lương thiện như lãnh đạo Bắc Kinh vẫn nói.

Và việc thả nổi đồng Nguyên là điều chính đáng mà vô cùng nguy hiểm cho Thiên triều vì nếu tiến hành không khéo và đột ngột thì bào mỏng phần lời mong manh của các doanh nghiệp Trung Quốc, gây phản ứng đầu cơ của các đấng con trời và có thể dẫn tới động loạn. Lý do giả tạo của đảng Dân Chủ và một thiểu số Cộng Hòa có thể gây thực họa cho Trung Quốc!

Hãy nói về phía Cộng Hoà và 17 lá phiếu như quả cân trên một cán cân bấp bênh.

Xưa nay, đảng Cộng Hoà vẫn chủ trương phát huy tự do mậu dịch nên rất ngại chuyện gây sức ép như đảng Dân Chủ thường đề nghị. Nhưng, bây giờ xu hướng cực đoan – và đại chúng, nghĩa là mị dân – trong đảng này là phong trào Tea Party có thể nghĩ lại mà... sát cánh với xu hướng cực đoan bên cánh tả đảng Dân Chủ, vốn ưa bảo vệ quyền lợi của các nghiệp đoàn! Lý do tranh cử dẫn tới trường hợp "lưỡng đảng" hy hữu và quái đản!

Bên trong cánh hữu đảng Cộng Hoà và song song hoặc hòa nhập với phong trào Tea Party còn có xu hướng "tự do tuyệt đối" hay "libertarian" rất lạ. Họ đề cao tự do kinh tế và xã hội, chủ trương thu hẹp sự can thiệp của chính quyền và cả tinh thần tự cô lập lẫn... phản chiến. Các nhân vật tiêu biểu cho xu hướng này là Ross Perot năm xưa hay Dân biểu Ron Paul năm nay, một ứng cử viên Tổng thống bên Cộng Hoà. Bảo rằng Cộng Hoà là diều hâu chủ chiến là.... chưa hiểu gì cả!

Chúng ta biết đa số bên Cộng Hoà quan tâm đến an ninh và rất nghi ngờ sức bành trướng của Trung Quốc. Họ muốn Chính quyền Obama có lập trường dứt khoát hơn với Bắc Kinh, không chỉ vì chuyện vi phạm nhân quyền, gây ô nhiễm, hay uy hiếp Đài Loan. Việc gây sức ép về đồng Nguyên là điều nhiều đảng viên Cộng Hòa không đồng ý, nhưng nếu hậu quả là làm Thiên triều lúng túng thì cũng chẳng dở!

Cho đến nay, dự luật trừng phạt về hối suất chưa có hy vọng vượt qua ải Cộng Hoà tại Hạ viện - như Chính quyền Obama thầm mong để có lý cớ đổ lỗi cho đối lập và chứng minh thiện chí bảo vệ côn ăn việc làm cho người dân.

Trong quá khứ, những đề luật hù doạ như vậy vẫn thường xảy ra mà không có kết quả. Năm ngoái là nhờ ba lần trì hoãn của Chính quyền Obama vì cần tới sự hợp tác của Trung Quốc cho nhiều hồ sơ khác. Năm nay, tình hình đã có thay đổi khi Bắc Kinh càng tỏ uy thế trước sự sa sút của Hoa Kỳ, và cành ngang ngạnh hơn ở ngoài Đông hải - của Trung Quốc và của Việt Nam.

Thêm một sức ép dù là oan mà chẳng ương, thì vẫn là điều chưa chắc bất lợi. Nhưng sẽ gây lúng túng từ cả hai ngả tả hữu cho Chính quyền Obama!

Chúng ta sẽ xem ông trả lời thế nào vào tháng tới, khi lần đầu tiên Hoa Kỳ tham dự Thượng đỉnh Đông Á và Tổng thống Mỹ sẽ đọc một bài diễn văn trước diễn đàn này nhân chuyến thăm viếng các nước trong khu vực.

Một chuyện dài rất huệ dạng và lý thú, giữa nhiều trò linh tinh khác trong một chu kỳ bầu cử.[NXN]

source
Viettribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét