Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Có thể xóa kinh doanh vàng miếng tự do


Có thể xóa kinh doanh vàng miếng tự do

Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, trong đó có việc quản lý thị trường vàng theo hướng xóa kinh doanh vàng miếng tự do là một trong sáu nhóm giải pháp cấp bách Chính phủ đưa ra.
> Toàn văn nghị quyết

Có thể không còn được mua bán vàng miếng tự do như thế này nữa. Ảnh: Hoàng Hà
Có thể không còn được mua bán vàng miếng tự do như thế này nữa. Ảnh: Hoàng Hà

Ngày 24/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về 6 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Với nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu thắt chặt của chính sách tiền tệ, tài khóa, cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đảm bảo an sinh xã hội, điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo cũng được xem là một nội dung quan trọng của nghị quyết.

Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%. Vốn tín dụng sẽ được ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vốn dành cho các khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán sẽ giảm dần về tốc độ và tỷ trọng.

Lãi suất và tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu của thị trường. Các biện pháp cần thiết sẽ được triển khai để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý.

Trong quý II, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Để thực hiện thắt chặt tài khóa, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi tiêu. Việc mua sắm xe công, các thiết bị văn phòng... sẽ tạm dừng, ngân sách nhà nước sẽ không bố trí kinh phí cho các việc chưa thật sự cấp bách.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chưa khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 sẽ xuống dưới 5% GDP. Dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ nước ngoài phải đảm bảo trong giới hạn an toàn và an ninh tài chính quốc gia.

Liên quan tới nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, trong quý II, Bộ Công Thương sẽ ban hành và thực hiện quy định về điều tiết cân đối cung - cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, bảo đảm kết hợp hợp lý, gắn sản xuất trong nước với điều hành xuất nhập khẩu. Nhập siêu năm nay sẽ không được vượt 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì xem xét miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu đối với những ngành hàng trong nước còn thiếu nguyên liệu (như dệt may, da giầy, thủy sản, hạt điều, gỗ, dược phẩm,...); tiếp tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong năm 2011.

Kỳ Duyên

source

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/02/co-the-xoa-kinh-doanh-vang-mieng-tu-do/

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Trung Quốc nâng dự trữ bắt buộc



Trung Quốc nâng dự trữ bắt buộc

Nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, bất chấp việc giới chức nỗ lực áp dụng các biện pháp giảm nhiệt.

Trung Quốc đã nâng yêu cầu về dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thêm 0,5% trong một nỗ lực mới nhất nhằm kiềm chế lạm phát.

Bằng cách yêu cầu các ngân hàng phải dự trữ tiền mặt nhiều hơn, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hy vọng sẽ hạn chế được việc cho vay, do đó giảm chi tiêu.

Ngân hàng Trung ương đã có một lần yêu cầu tăng vốn trong năm nay, sau một số lần hồi năm ngoái, và đã tăng lãi suất ba lần trong bốn tháng qua.

Lạm phát ở Trung Quốc, nền kinh tế nay lớn thứ nhì trên thế giới, hiện ở mức 4,9%.

Mức cho vay cao đã giúp Trung Quốc qua khỏi cuộc suy thoái toàn cầu và góp phần tạo mức tăng trưởng kinh tế 10,3% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, các quan ngại về việc nền kinh tế quá nóng và giá cả tăng cao có thể gây ra tình trạng bất ổn, điều từng xảy ra ở nước này, khiến chính phủ và Ngân hàng Trung ương nay muốn kiểm soát việc cho vay.

"Đó là dấu hiệu cho thấy có sự thúc bách to lớn về chính trị đối với Bắc Kinh trong vài tháng qua, đòi hỏi họ phải đối phó với vấn đề lạm phát", ông Brian Jackson từ Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) nhận xét.

"Họ đang sử dụng mọi công cụ chính sách theo ý của họ, và đó là tất cả những gì họ có thể làm. Họ hơi chậm một chút trong việc sử dụng các chính sách tiền tệ và bây giờ họ đang muốn đẩy nhanh hơn một chút để bắt kịp tình hình."

Các biện pháp đã áp dụng cho đến nay tỏ ra không mấy hiệu quả, mức lạm phát vẫn gia tăng trong tháng Giêng và kinh tế vẫn tăng trưởng trong ba tháng cuối cùng của năm ngoái.

Do vậy, giới phân tích cho rằng sẽ có thêm các biện pháp nữa được áp dụng trong những tháng tới.

"Chúng tôi nghĩ rằng về yêu cầu dự trữ và tăng lãi suất, sẽ còn có những bước đi tiếp theo nữa được đưa ra", ông Adam Cole từ RBC Capital Markets nhận định.
source
BBC Vietnamese