Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Kinh Tế Trung Quốc: Tăng Trưởng Như Gió Chướng


May 14, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Giữa tình hình èo uột của kinh tế thế giới và vụ khủng hoảng tại Âu Châu, kinh tế Trung Quốc đang lừng lững đi lên. Và lao vào bão tố. Điều ấy mới giải thích vì sao mà thị trường chứng khoán xứ này mới đổ dốc liên tục từ đầu năm nay.
Khi lãnh đạo Âu Châu cùng các định chế tài chánh quốc tế công bố chương trình cấp cứu trị giá tới gần một ngàn tỷ Mỹ kim thì, ngày 11 tháng Năm, Trung Quốc loan báo các thống kê kinh tế của tháng Tư. Kỹ thuật thống kê của họ là đối chiếu tình hình tháng Tư năm nay với tháng Tư năm ngoái, và so với cùng kỳ năm ngoái thì sản lượng có gia tăng, cùng với đà xuất cảng, sản xuất công nghiệp, bán lẻ. Nói chung là tình hình rất khả quan nếu so với tình trạng suy trầm của đầu năm ngoái.

Thượng Hải đang tiếp tục xây dựng chuẩn bị cho Expo 2010. Feng Li/Getty Imaegs

Nhưng nếu chịu khó theo dõi, người ta có thể thấy ra một mâu thuẫn nhỏ trong một vấn đề lớn. Suốt tháng Tư, và sau khi công bố kết quả tăng trưởng tới gần 12% vào tháng Ba (so với tháng Ba năm ngoái), lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh liên tục thông báo các biện pháp hạ nhiệt bộ máy sản xuất để ngăn ngừa vật giá leo thang và tránh nguy cơ bể bóng đầu tư. Những biện pháp ấy chưa công hiệu và việc vừa nhấn ga vừa đạp thắng sẽ còn tiếp tục. Với kết quả thế nào thì chưa ai rõ. Đầu tiên, mối lo xương tủy của lãnh đạo Trung Quốc chính là nạn lạm phát. Lạm phát đã góp phần đánh gục đạo quân của Tưởng Giới Thạch năm xưa, đã gây ra biến động Thiên an môn năm 1989 khiến chế độ rung chuyển và mấy ngàn người bị tàn sát. Những chuyện này, các đấng con trời đỏ thỉ không quên được. Tháng Tư vừa rồi, chỉ số hàng tiêu thụ tăng 2,8% so với đà gia tăng tháng trước là 2,4%. Con số trừu tượng này chỉ có ý nghĩa khi ta biết lãi suất ký thác ngân hàng cho loại một năm là 2,25%. Nghĩa là dân chúng nên tiêu xài hơn là nên gửi tiết kiệm ngân hàng. Mà phản ứng tiêu xài ấy sẽ lại làm vật giá gia tăng. Nếu lại xét vào kỹ thuật chiết tính đà gia tăng vật giá, người ta còn nhìn ra chuyện khác. Trên bề mặt và nếu loại trừ chi tiêu về lương thực thì chỉ số vật giá chỉ tăng có 1%, hoàn toàn không đáng ngại vì thấp hơn nhiều nền kinh tế khác. Nhưng, riêng phần chi tiêu về lương thực và gia cư – ăn và ở, chuyện nhu yếu của đại đa số – thì thực phẩm tăng giá gần 6% và nhà ở tăng gần 13%. Đấy mới là đáng lo vì trong Tháng Tư, Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) xứ này đã ráo riết ban bố các biện pháp kiểm soát giá cả trên thị trường gia cư địa ốc: những biện pháp ấy chưa công hiệu. Nghĩa là thị trường chờ đợi nhiều biện pháp còn triệt để hơn nữa trước khi kết luận về khả năng xoay trở của chính quyền. Khi kinh tế thế giới bị suy trầm từ năm 2008, Trung Quốc lập tức ban bố kế hoạch kích thích gồm có gần 600 tỷ Mỹ kim công chi và một lượng tín dụng ồ ạt chưa từng thấy, khoảng một ngàn 400 tỷ đô la cho một sản lượng quốc gia chừng năm ngàn tỷ. Từ đầu năm nay, xứ này bắt đầu hãm vòi tín dụng, như hạn chế cung cấp tín dụng mới, ba lần nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng và đòi ngân hàng tăng vốn. Kết quả là lượng tín dụng mới có giảm được một phần ba trong bốn tháng đầu năm, chừng 270 tỷ Mỹ kim. Nhưng thật ra vẫn còn là quá cao so với đầu năm ngoái. Sự kiện có vẻ kỹ thuật ấy cho thấy một sự thật chính trị: bộ máy quản lý kinh tế vĩ mô vận hành không đủ linh động và bén nhạy. Và không đạt chỉ tiêu kềm hãm lạm phát. Một điểm son về kinh tế là xuất cảng của Trung Quốc đã tăng được 30% so với Tháng Tư năm ngoái, một đà gia tăng ngoạn mục tương tự như sáu bảy năm trước. Nhờ xuất cảng tăng và nhập cảng có giảm chút ít, Trung Quốc lại đạt xuất siêu trong Tháng Tư sau khi bị nhập siêu vào tháng trước. Yếu tố chính trị đáng chú ý ở đây là mức xuất siêu ấy càng khiến hối suất qua thấp của đồng Nhân dân tệ sẽ lại trở thành vấn đề nhạy cảm trước áp lực của quốc tế. Mà điểm son ấy cũng sẽ sớm lạt phai. Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng mà ba thị trường lớn nhất là Âu Châu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang có vấn đề. Khủng hoảng tại Âu Châu vì chuyện Hy Lạp và mâu thuẫn Mỹ-Hoa về mậu dịch sẽ tiếp tục đè nặng trên khả năng xuất cảng của Trung Quốc. Còn lại thì chỉ có đầu tư và tiêu thụ nội địa. Đầu tư của Trung Quốc được khu vực xương sống bơm ra là hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nên sẽ lại bơm lên bong bóng. Nhất là khi vòi tín dụng đang bị hãm. Tiêu thụ của tư nhân thì chưa thể thay thế được đầu máy xuất cảng, và càng khó thay thế nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì hối suất quá thấp của đồng bạc. Tổng kết lại thì người ta thấy ra một số vấn đề chính trị đằng sau các thống kê kinh tế. Lãnh đạo xứ này cần hạ nhiệt bộ máy sản xuất mà cho đến nay chưa thấy có kết quả. Nhưng, nếu hãm đà tăng trưởng quá mạnh, như một chiếc xe đạp bị thắng quá gấp thì xe sẽ đổ. Và không đổ khe khẽ. Trong khi ấy – và đây mới là vấn đề chính – cơ cấu đầy bất trắc của một quốc gia có ba nền kinh tế tại ba khu vực khác nhau đang đòi hỏi những kế hoạch cải tổ rộng lớn hơn. Lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thấy ra vấn đề từ năm 2003 mà chưa cải sửa được. Nạn tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009 càng đẩy lui hy vọng cải cách và họ chỉ còn hai năm cầm quyền trước Đại hội kỳ tới của Trung Hoa Cộng sản đảng. Một thời hạn quá ngắn nên không kịp sửa. Sau ba chục năm tăng trưởng ngoạn mục rồi trở thành lệ thuộc vào các thị trường quốc tế, kinh tế của Trung Quốc đã lên tới cực điểm và cần chuyển hướng, nếu không thì sẽ bị khủng hoảng. Hoặc đạt mức tăng trưởng thấp hơn, thất nghiệp cao hơn, nghĩa là cũng bị khủng hoảng… Chính là hoàn cảnh bấp bênh này mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh gia tăng kiểm soát về an ninh, trên mọi mặt. Trung ương cần tập trung quyền lực không chỉ với dân chúng mà với cả các đảng bộ địa phương. Nhìn vào các thống kê, người ta tưởng rằng kinh tế Trung Quốc đang vượt lên như thuyền buồm thuận gió. Sự thật là con thuyền đang trôi vào một vùng bão tố. Hãy chờ xem đại cường đang muốn làm chủ hải dương sẽ xoay trở ra sao với tay lái kinh tế![NXN]
source

Việt Tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét