Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Lo ngại lạm phát ở Việt Nam năm 2010




Giá cả tiêu dùng tại VN vốn đã tăng cao sau dịp Tết

Một số chuyên gia và kinh tế gia tỏ ý lo ngại là lạm phát ở Việt Nam trong năm 2010 sẽ còn tăng cao, trái với trấn an của chính phủ là sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế được lạm phát dưới mức 7%.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh được báo chí trong nước trích lời tỏ ý lạc quan là "sẽ thực hiện được mục tiêu giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2010 không quá 7% như chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt".

Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng thiết yếu đã tăng cao trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người lo ngại.

Ngay đầu năm mới Canh Dần, giá bán lẻ xăng tại hệ thống cuả Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex đồng loạt tăng gần 600 VND/lít.

Khi được hỏi về vấn đề này, kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Hà Nội nhận xét:

TS Lê Đăng Doanh: Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu và được Quốc hội thông qua, là mức lạm phát năm 2010 này là dưới 7%. Trong khi đó, chính phủ lại đồng thời cho phép nâng giá than. Giá điện sẽ được quyết định tăng vào ngày 1/3 này, bởi vì giá than tăng thì chắc chắn là giá điện sẽ tăng. Giá xăng cũng đột ngột tăng lên vào ngày Chủ Nhật, tức là ngày mồng 8 Tết, 21/2 vừa qua.

Và chúng ta đều biết là tỉ giá đã được điều chỉnh lên. Tỉ giá điều chỉnh lên thì tác động đến tất cả các hàng nhập khẩu của Việt Nam, từ xăng dầu đến sợi đến phôi thép cho đến tất cả các mặt hàng khác.

Năm nay cũng dự kiến sẽ tăng lương, và bãi bỏ các biện pháp miễn giảm thuế của năm 2009, tức là thuế sẽ lại được thu và thậm chí là dự kiến thuế tài nguyên sẽ còn tăng lên nữa. Điều này cũng hợp l‎ý thôi, chỉ có điều là đánh vào mức độ như thế nào để cho nền kinh tế có thể chịu đựng được.

Trong bối cảnh như vậy, tôi chia sẻ sự lo ngại về việc lạm phát có thể tăng hơn mức 7% mà chính phủ đề ra.

Tôi hi vọng chính phủ sẽ xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh là giá hiện nay đã tăng sau dịp Tết, và nếu như tăng giá điện nữa, sẽ lại làm cho mặt bằng giá tăng lên.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Ông Bộ trưởng Tài chính, trong một bài phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Việt Nam, đã tỏ ra lạc quan, và cho rằng các yếu tố đầu vào đó sẽ không có tác động gì - theo nguyên văn lời ông ấy là “tăng không đáng kể”. Tôi không hiểu là lập luận của ông ấy như thế nào, chứ hiện nay các bà nội trợ đi chợ hàng ngày đều đã biết mức độ giá tăng ra sao.

Và các doanh nghiệp mà tôi có dịp gặp qua dịp Tết rất lo ngại về việc tăng giá than, giá điện, giá nước, rồi tỉ giá lên…

BBC: Theo ông, trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, trước những diễn biến như ông vừa nêu ra, thì chính phủ cần có những biện pháp gì để có thể kiểm soát lạm phát?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì điều rất quan trọng là phải có những đòn bẩy để nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí và tránh cái việc là tăng giá lên quá nhiều mặt hàng đầu vào, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến giá thành.

Thứ hai nữa là cần phải xem xét việc điều chỉnh tỉ giá hai lần liên tục trong vòng ba tháng vừa qua, nó cũng sẽ tác động đến giá cả như thế nào trước khi có các biện pháp tăng giá tới.

Tôi thì được thông báo là ngày 1/3, điện sẽ tăng giá, và Bộ Tài chính đã có đề nghị mức tăng giá cao. Tôi hi vọng là chính phủ sẽ xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh là giá hiện nay đã tăng rồi sau dịp Tết, và nếu như tăng giá điện nữa thì điều đấy sẽ lại làm cho mặt bằng giá tăng lên nữa.

BBC: Theo cá nhân ông dự đoán thì lạm phát năm nay ở VN ở khoảng mức bao nhiêu?

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh

Ông Doanh cho rằng chính phủ phải có những đòn bẩy hiệu quả để xử lý tình trạng lạm phát

TS Lê Đăng Doanh: Tôi hiện nay chưa có căn cứ, bởi có mấy điểm như thế này: Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo về giá dầu thô, từ 76 đô-la/thùng lên 78.5 đô-la/thùng trong năm 2010.

Vừa qua thì giá dầu thô cũng đã tăng. Nếu giá dầu thô tăng lên thì không phải chỉ có xăng dầu tăng, mà còn phân bón, thuốc trừ sâu rồi sợi tổng hợp… Tất cả các đầu vào sẽ tăng lên.

Điểm thứ hai, tác động đến mức độ tăng giá của Việt Nam là chính sách tín dụng. Năm 2009, tín dụng dự kiến chỉ tăng có 25%, nhưng trong thực tế đã tăng lên 38% - để đạt được mức tăng trưởng kinh tế là 5.32%.

Như vậy, cứ phải tăng 7% tín dụng thì mới đạt được 1% tăng trưởng GDP. Trong năm 2010, chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng GDP là 6.5%, nhưng dự kiến là mức tín dụng lại chỉ tăng 25% như kế hoạch của năm 2009. Mà thực tế, 2009 đã không thực hiện được.

Việc cắt giảm tín dụng một cách rất đột ngột vào cuối năm 2009 đã dẫn đến việc khan hiếm thanh khoản một cách đáng lo ngại của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp. Và hiện nay nó đang lan ra trong nền kinh tế.

Cần phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng một cách hiện thực để bảo đảm nền kinh tế hoạt động. Muốn như vậy thì chính sách tiền tệ và tín dụng, sau một độ trễ nhất định, sẽ lại tác động đến mặt bằng giá cả của Việt Nam.

Còn về tỉ giá thì chúng ta đều đã biết chính phủ đã điều chỉnh tỉ giá, để hi vọng giải tỏa được kỳ vọng của người dân vào cái việc găm giữ đôla để có thể có được mức tiền đồng cao hơn sau khi bán ra trong tương lai. Tôi nghĩ đấy là biện pháp cần thiết, tuy cái giá phải trả không phải nhẹ nhàng.

source

BBC Vietnamese

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Tại sao cần dự trữ ngoại tệ?


December 11, 2009


Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Là quỹ bình ổn hối đoái hay quỹ đầu tư?

Trong vụ khủng hoảng tài chánh năm ngoái, nhiều quốc gia vẫn cho rằng Hoa Kỳ là thủ phạm. Sau vụ khủng hoảng, khi kinh tế toàn cầu bị suy thoái, Hoa Kỳ lại là thủ phạm lần nữa vì các biện pháp kích thích kinh tế làm Mỹ kim sụt giá khiến các nước càng khó xuất cảng để kéo kinh tế của họ ra khỏi hố suy sụp. Những tính toán về ngoại giao chính trị còn khiến một số quốc gia đề nghị hoặc vận động việc thay thế Mỹ kim như một ngoại tệ dự trữ. Người ta nói đến ngày tàn của đô la như một chỉ dấu về ngày tàn của đệ nhất siêu cường….

Đông dollar Mỹ vẫn luôn là nguồn dự trữ. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Ngần ấy lý luận chỉ là một phần của sự thật, nên chưa là sự thật.
Khủng hoảng tài chánh có bùng nổ tại Hoa Kỳ, nhưng vì những chứng tật cũng đã có tại nhiều nước khác: bong bóng trên thị trường gia cư khiến nhà cửa lên giá, khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp khiến hệ thống tài chánh ngân hàng vỡ nợ, v.v… Nước Mỹ không giữ độc quyền bất cẩn.
Khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ ngay giữa một chu kỳ suy trầm – recession – khởi sự từ cuối năm 2007, ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt lãi suất tới số không mà chưa thấy công hiệu thì in tiền để bơm vào kinh tế, gọi là quantitative easing (nâng mức lưu hoạt có định lượng). Mỹ kim vì vậy xuống giá. Nhưng sau đó, Chính quyền Barack Obama lại còn tăng chi ào ạt, tiếng là để cứu nguy kinh tế mà thực chất là để cải tạo xã hội. Vì vậy, bội chi ngân sách và gánh nặng công trái lên tới mức kỷ lục mới càng đánh sụt giá đô la.
Khi Mỹ kim mất giá thì hàng Mỹ có rẻ hơn thật, nên Hoa Kỳ có thể gia tăng xuất cảng.
Nhưng mặt trái của sự việc là hàng nhập cảng cũng trở thành đắt hơn, được tiêu thụ ít hơn. Kết quả là nhờ đó mà Mỹ cải thiện được cán cân ngoại thương – là xuất cảng nhiều hơn và nhập cảng ít đi, nhờ đó sẽ giảm số nhập siêu và quân bình lại cán cân chi phó (chi thu bằng ngoại tệ). Tiến trình điều chỉnh cần thiết ấy tất nhiên cũng gây dao động cho nước khác, khi họ cũng cần xuất cảng nhiều hơn và nhập cảng ít hơn… Nhiều nước bị khốn đốn vì dự trữ ngoại tệ của mình bị hao hụt và vai trò của đồng Mỹ kim như một ngoại tệ dự trữ – một phương tiện giao hoán phổ biến và tài sản lưu giữ trong khối dự trữ ngoại tệ.
Cho nên, câu chuyện không thu hẹp vào trách nhiệm đơn phương của nước Mỹ.
Tuy nhiên, những biến động hối đoái ấy dẫn tới câu hỏi về chức năng của khối dự trữ ngoại tệ.
Trên nguyên tắc, người ta cần có ngoại tệ – đơn vị tiền tệ của xứ khác – để giải quyết nhu cầu mua bán, mua là nhập cảng, bán là xuất cảng. Bán hàng rồi là thu về ngoại tệ của xứ mua hàng và khi mua hàng thì phải thanh toán bằng ngoại tệ của nước bán hàng. Trong một chu kỳ giao dịch – một tháng hay một năm – để giải quyết nhu cầu thanh toán, người ta cần có sẵn một số dự trữ ngoại tệ, nhiều hay ít thì tùy vào khối lượng giao dịch. Mua bán nhiều làm chênh lệch giữa xuất và nhập cảng càng cao thì càng phải có nhiều dự trữ hơn. Câu hỏi nôm na dễ hiểu là “có đủ dự trữ cho bao nhiêu tuần nhập cảng?” Thời gian càng ngắn thì mức dự trữ này coi là càng ít.
Khi mua nhiều hơn bán thì người ta cần khối dự trữ cao hơn để thỏa mãn nhu cầu thanh toán. Và vì thị trường Hoa Kỳ mua nhiều hàng hóa nhất của thế giới, dự trữ của các xứ khác thường có một tỷ trọng Mỹ kim rất cao và hối suất đồng bạc được tính bằng Mỹ kim, là quy luật phổ biến.
Chuyện thứ hai là ấn định hối suất đồng bạc ấy như thế nào?
Hối suất là tỷ giá hối đoái trao đổi giữa đồng nội tệ của quốc gia với đồng ngoại tệ mà xứ này sử dụng nhiều nhất trong việc mua bán. Khi ấn định hối suất thấp – cần ít tiền hơn để có một đơn vị ngoại tệ – thì hàng hoá của mình bán ra sẽ rẻ hơn và hàng nhập cảng sẽ đắt hơn. Trong nhiều thập niên, các quốc gia đều theo chế độ cố định có điều tiết, là ấn định hối suất cố định theo hướng có lợi nhất cho việc mua bán, nhưng vẫn điều chỉnh một cách tiệm tiến để phản ảnh thực tế cung cầu của việc mua bán ấy. Trên lý thuyết thì về dài chế độ hối đoái ấy – giàng giá đồng bạc vào một ngoại tệ, nhưng vẫn điều chỉnh – có thể quân bình được lượng hàng mua vào và bán ra.
Nhưng người ta không quên rằng đồng ngoại tệ ấy cũng là một tài sản, như một cổ phiếu, một trái phiếu – tờ giấy nợ – hay một khối hàng hóa, v.v… và muốn cho tài sản này không mất gí hoặc còn lên giá, nghĩa là mua đi bán lại sao cho có lời. Loài người vốn là sinh vật biết suy nghĩ và phàn ứng sao cho có lợi nhất. Nhiều chính quyền nghĩ rằng ấn định hối suất thấp thì có lợi cho ngoại thương (dễ xuất cảng và khó nhập cảng). Trong khi ấy, thị trường cũng tính toán và phản ứng theo chiều hướng đó là khai thác sự sai biệt trên thị trường hối đoái này….
Chừng hai chục năm trở lại đây, các nước dần dần bãi bỏ chế độ hối đoái cố định mà thả nổi đồng bạc, là để thị trường quyết định về hối suất theo quy luật cung cầu. Nếu xứ này bán nhiều hơn mua thì giá trị đồng bạc tự nhiên phải tăng so với một đồng bạc khác, và ngược lại. Chế độ hối đoái tự do dẫn tới hối suất tự do và trên nguyên tắc – nghĩa là cũng sẽ sai trong thực tế – hối suất sẽ tự điều chỉnh để quân bình lại việc mua bán. Mua nhiều quá thì hối suất sụt nên sẽ giúp cho việc bán hàng dễ dàng hơn và giảm dần khả năng nhập cảng để đi tới cân bằng ngoại thương. Trong thực tế, việc điều chỉnh ấy không tiệm tiến và nhẹ nhàng mà gây nhiều biến động khiến các quốc gia phải có một khối dự trữ ngoại tệ lớn hơn nhu cầu thanh toán việc mua bán.
Khi ấy, tức là chừng một chục năm về trước, một hiện tượng song hành đã xảy ra.
Vì biến động trên thị trường hối đoái, thì muốn giữ giá nội tệ cho thấp, quốc gia phải bán ra số ngoại tệ dự trữ của mình. Và có khi bị khủng hoảng vì hao hụt dự trữ, là trường hợp Thái Lan ngày hai tháng Bảy năm 1997. Vụ khủng hoảng hối đoái ấy dẫn tới khủng hoảng kinh tế cho toàn cõi Đông Á, lan qua Nga, qua Brazil và dội về Hoa Kỳ. Sau vụ khủng hoảng 1997-1998, các nước đều rút tỉa kinh nghiệm nên cố giữ một khối dự trữ thật lớn nếu so sánh với nhu cầu ngoại thương của mình. Thái Lan nay có dự trữ tính ra Mỹ kim thì bằng 100 tỷ, Nam Hàn 200 tỷ, Đài Loan 300 tỷ và Trung Quốc hơn hai ngàn tỷ...
Họ làm gì với khối dự trữ ấy khi nhu cầu thanh toán cho ngoại thương thật ra không lớn như vậy? Họ dùng ngoại tệ ấy để đầu tư, và dự trữ ngoại tệ trở thành quỹ đầu tư. Nhu cầu đầu tư – mua cái gì, ở đâu, thì có lợi nhất an toàn nhất? – mới quyết định về tỷ phần ngoại tệ trong khối dự trữ này. Nếu đầu tư vào Mỹ có lợi hơn vào Âu châu hay Nhật Bản thì tỷ trọng Mỹ kim trong quỹ đầu tư này cao hơn so với đồng Euro hay đồng Yen.
Đó là trào lưu chung của thế giới và cuộc tranh luận về tương lai đồng Mỹ kim không làm sáng tỏ vấn đề nếu không vạch ra một sự thật mới: khối dự trữ ngoại tệ không còn là quỹ bình ổn hối đoái mà là quỹ đầu tư. Và tính toán về đầu tư – hơn là ngoại thương – mới quyết định về cơ cấu các loại ngoại tệ trong khối dự trữ này.
Ngoại lệ là... (...).
(...) cực kỳ lạc hậu nên không theo kịp cách suy nghĩ và phản ứng của thị trường khi ấn định hối suất so với đồng Mỹ kim theo lối chủ quan duy ý chí và bị thị trường đánh ngược. Dự trữ ngoại tệ đã hao hụt vì nhập nhiều hơn xuất lại càng hao hụt vì phản ứng đầu cơ của thị trường, cả nội địa lẫn quốc tế. Từ 23 tỷ Mỹ kim nay chỉ còn 16 tỷ và quá mỏng so với nhu cầu nhập cảng quá lớn. Một vụ khủng hoảng hối đoái vì vậy sẽ rất dễ xảy ra. [NXN]

source

Viet Tribune Online

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Nhập siêu: đâu là nguyên nhân chính?


Ngày 09.02.2010 Giờ 10:00

LTS: Đã có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân và giải pháp hạn chế tình trạng nhập siêu đã đến mức đáng báo động của Việt Nam. Sau đây báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu một góc nhìn khác của một nhà nghiên cứu về vấn đề này nhằm góp phần tìm kiếm một giải pháp tối ưu.

Nhập siêu: đâu là nguyên nhân chính?

SGTT - Nhập siêu của Việt Nam tháng 1.2010 là 1,3 tỉ USD. Đây là một mức nhập siêu cao, tương đương 26,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lớn hơn hạn mức 20% mà Chính phủ đề ra. Nhưng đây không phải là hiện tượng đột biến. Việt Nam đã liên tục nhập siêu từ đầu thập niên 1990 tới nay và nhập siêu đã tăng lên rất nhanh sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 (hình 1).

Nhập siêu lớn và liên tục như vậy tất nhiên là một điều không tốt cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng này? Và đâu là nguyên nhân đáng ngại?

Cán cân thương mại của Việt Nam theo các khu vực kinh tế, 1995 – 2008 (triệu USD)

Nguồn: tổng cục Thống kê, 2009

Nhập siêu do mở cửa nền kinh tế

Về mặt lý thuyết, khi các nền kinh tế được tự do thông thương với nhau, các doanh nghiệp của nền kinh tế này có thể mua được các yếu tố đầu vào với chi phí thấp hơn từ một số nền kinh tế khác so với trước khi thông thương. Đồng thời các doanh nghiệp của nền kinh tế này cũng có thể bán được sản phẩm sang một số nền kinh tế khác (không nhất thiết là các nền kinh tế mà nó nhập khẩu) với mức giá đủ để thu được một mức lợi nhuận chấp nhận được.

Kể từ năm 1995 trở lại đây, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, nhưng lại xuất siêu sang Mỹ và châu Âu (hình 1). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng tư liệu sản xuất (máy móc thiết bị và nguyên, nhiên vật liệu), khoảng trên dưới 90% tổng giá trị nhập khẩu, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô, sản phẩm nông nghiệp, và hàng dệt may. Các số liệu thống kê những năm gần đây đều cho thấy, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và ASEAN các mặt hàng chính như giấy, clinker, sắt thép, phân bón, và gỗ (> 80% tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này), hàng may mặc (> 70%), và máy móc thiết bị (khoảng 40%).

Nhập siêu hàng tư liệu sản xuất từ các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc không phải là một lựa chọn tồi của các doanh nghiệp Việt Nam. Với các hàng hoá nguyên vật liệu, do tính chuẩn hoá của chúng, nhập khẩu từ các nước trong khu vực giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển. Với các mặt hàng máy móc thiết bị, do trình độ tay nghề của nhân công Việt Nam còn kém, cộng với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường trong nước chưa cao, việc lựa chọn các công nghệ lạc hậu hơn, thậm chí đã sử dụng, với chi phí thấp hơn rất nhiều so với công nghệ tiên tiến ở các nước Âu – Mỹ, sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra được sản phẩm với giá thành thấp. Đây rõ ràng là một lợi thế địa lý của Việt Nam so với các nước khác, như ở châu Phi hoặc Đông Âu, vốn nằm cách xa các nước công nghiệp mới thuộc ASEAN và Đông Á. Với giá thành thấp, hàng hoá chế biến của Việt Nam có thể xuất khẩu và cạnh tranh được với hàng hoá sản xuất trên khắp các châu lục, ở thị trường các nước phát triển như châu Âu và Mỹ. Hình 1 cho thấy xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu đã tăng liên tục trong những năm gần đây.

Nhập siêu hàng tư liệu sản xuất với giá thành thấp từ các nước trong khu vực là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài (FDI). Một mặt, khu vực FDI có thể nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng với giá cả phải chăng từ trong khu vực. Điều này thể hiện qua việc nhập khẩu từ khu vực FDI chiếm tới 36% năm 2009. Mặt khác, nhờ hàng tư liệu sản xuất có giá thành rẻ, các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp được cho các doanh nghiệp FDI các chi phí đầu vào như điện, ximăng, sắt thép, các mặt hàng tiêu dùng v.v. với mức giá thấp hơn so với các nơi khác trên thế giới. Hình 2 cho thấy mối tương quan giữa FDI (đăng ký và thực hiện) vào Việt Nam và nhập siêu từ riêng Trung Quốc và Trung Quốc + ASEAN.

Diến biến nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN và đầu tư nước ngoài của Việt Nam, 1995 – 2008 (triệu USD)

Chú thích: (*) Bao gồm cả vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước.

Nguồn: tổng hợp từ số liệu của tổng cục Thống kê, 2009

Tất nhiên, Việt Nam cũng có thể giảm được mức độ nhập siêu từ các nước trong khu vực nếu như các doanh nghiệp Việt Nam chịu khó tiếp cận các thị trường này hơn nữa. Trong khi hàng hoá của Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hoá của các nước trong khu vực trên thị trường Mỹ và châu Âu thì lại kém cạnh tranh với hàng hoá của chính các nước này ngay trên thị trường khu vực và thậm chí tại Việt Nam. Mặc dù giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN tăng khá nhanh nhưng tỷ trọng xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang ASEAN (trừ gạo) vẫn ở mức dưới 20% tổng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này. Thị trường khu vực hiển nhiên dễ tính hơn so với thị trường của các nước đã phát triển. Chi phí vận chuyển, giao dịch rõ ràng rẻ hơn. Trên một số phương diện khác, thị hiếu của người dân các nước này cũng khá gần với thị hiếu của người Việt Nam. Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điều này và điều chỉnh các chiến lược xuất khẩu sang khu vực ASEAN và Trung Quốc, chúng ta hy vọng tình hình nhập siêu từ khu vực ASEAN và Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Như vậy, nhập siêu từ một khu vực kinh tế cụ thể nào đó do mở cửa kinh tế với thế giới bên ngoài không phải là một điều xấu. Nó là một hiện tượng bình thường của nền kinh tế thị trường và về cơ bản giúp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn. Nó là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất của mình theo chuẩn mực quốc tế.

Nguyên nhân chính: chính sách tỷ giá

Việc cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt ngày càng lớn sau khi gia nhập WTO, đe doạ làm mất cân đối cán cân thanh toán tổng thể, xuất phát từ những nguyên nhân khác, trong đó quan trọng nhất là nguyên nhân tỷ giá.

Trong cơ chế tỷ giá thả nổi, một mặt tỷ giá phụ thuộc vào cán cân thương mại trước đó (và các dòng ngoại tệ khác như vốn đầu tư nước ngoài, các khoản vay và viện trợ nước ngoài, kiều hối, du lịch, các khoản đầu tư/chuyển ra nước ngoài, và sự thay đổi quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia) nhưng mặt khác bản thân tỷ giá lại là yếu tố điều chỉnh cán cân thương mại trong tương lai trở về trạng thái cân bằng trong mối quan hệ tổng thể với các dòng vốn khác. Giả sử ở một thời điểm nào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao khiến nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng lên tương ứng. Nếu tỷ giá được thả nổi, giá ngoại tệ sẽ tăng một cách tương đối so với giá bản tệ. Sự tăng giá ngoại tệ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ, đồng thời xuất khẩu lại được lợi. Nhờ cơ chế này khiến cho nhu cầu nhập khẩu giảm, xuất khẩu được lợi dẫn đến cung ngoại tệ sẽ tăng. Kết quả là không những nhập siêu giảm mà giá ngoại tệ cũng giảm trở lại. Cả cán cân thương mại và tỷ giá trở về trạng thái cân bằng.

Lấy Thái Lan làm ví dụ (hình 3). Đầu năm 2005, nền kinh tế Thái Lan nhập siêu lớn. Nhờ cơ chế tỷ giá thả nổi nên đồng baht tự động bị mất giá, giúp cho nhập siêu giảm. Nhìn trên đồ thị ta có thể thấy gần như bất cứ khi nào xu hướng nhập siêu tăng thì đồng baht sẽ có xu hướng mất giá và ngược lại. Xét trong một giai đoạn dài, chẳng hạn năm 2006 – 2007, khi Thái Lan có xu hướng xuất siêu lớn, giá trị đồng baht đã tăng rất nhanh. Ngược lại năm 2008, khi nền kinh tế Thái Lan có xu hướng nhập siêu, đồng baht mất giá trở lại. Chính nhờ cơ chế tỷ giá thả nổi như vậy nên cán cân thương mại hàng tháng của Thái Lan luôn dao động trong trạng thái khá cân bằng trong biên độ +/– 2 tỉ USD.

Biến động tỷ giá và cán cân thương mại của Thái Lan, T1.2005 - T12.2009

Nguồn: ngân hàng Thái Lan ((http://www.bot.or.th/)

Cơ chế tỷ giá của Việt Nam rất tiếc đã không đảm nhiệm được chức năng điều hoà cán cân thương mại. Do tỷ giá chính thức về cơ bản là cố định nên trong hầu hết quãng thời gian các năm 2006, 2007 và 2009 tốc độ nhập siêu ngày càng tăng mạnh nhưng tỷ giá thì hầu như không thay đổi; ngược lại, trong giai đoạn nửa cuối năm 2008, bất chấp tốc độ nhập siêu giảm dần, VND lại vẫn mất giá rất nhanh (hình 4). Có thể nói, cơ chế tỷ giá chính thức áp đặt cho nền kinh tế đã làm cho các chủ thể kinh tế “tê liệt cảm giác” về giá trị tương đối của hàng hoá trong nước và ngoài nước cũng như giá trị tương đối của ngoại tệ và bản tệ. Nó là tác nhân chính gây ra tình trạng nhập siêu ngày càng nghiêm trọng của Việt Nam.

Biến động tỷ giá và cán cân thương mại Việt Nam, T1.2006 – T12.2009

(Tỷ giá USD/VND là tỷ giá trung bình tháng do các ngân hàng thương mại niêm yết – cán cân thương mại là số liệu ước tính lấy từ bản tin hàng tháng của tổng cục Thống kê)

Trong một nền kinh tế mở, nhập siêu từ một khu vực kinh tế nào đó là chuyện bình thường; ngay cả nhập siêu tổng thể cũng chưa hẳn là điều đáng ngại. Sự tập trung của dư luận vào những con số nhập siêu cũng như đối tác nhập siêu có thể khiến cho giới làm chính sách hướng vào những chính sách sai lầm như xây dựng thêm các hàng rào bảo hộ thương mại thay vì tập trung giải quyết nguyên nhân đích thực gây ra nhập siêu dai dẳng và ngày một lớn như hiện nay. Đó là cơ chế tỷ giá cứng nhắc, thay đổi giật cục.

Đinh Tuấn Minh
VEPR, trường Kinh tế,
đại học Quốc gia Hà Nội

Ý kiến bạn đọc:

Đây là một bài viết hay. Trong một nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải tôn trọng quy luật khách quan của nó. Tức là tôn trọng quy luật vận động, không can thiệp hay can thiệp khi cần thiết. Hiện nay, cơ chế tỷ giá của chúng ta thật sự là cơ chế tỷ giá cố định, điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ cho các doanh nghiệp cần ngoại tệ để nhập khẩu. Tại sao chúng ta không thực hiện quy luật bàn tay vô hình của Adam Smith? Chúng ta cố định tỷ giá nhưng chính chúng ta không đủ ngoại tệ (hay nói cách khác là đủ sức) để can thiệp. Điều này dẫn đến tỷ giá hối đoái cố định giả tạo. Hiện nay chúng ta đang điều hành nền kinh tế theo tư duy chủ quan duy ý chí. Hãy trả nó về quy luật vận động khách quan của nó và chỉ can thiệp trong trường hợp có hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường. Đôi lời
góp ý với việc điều hành nền kinh tế và rất tán đồng với bài viết. ledinhthai (ledinhthai...@yahoo.com)

source
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=63052&fld=HTMG/2010/0208/63052



Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng



11/02/2010 09:32

(HNMO) - Ngân hàng Nhà nước bất ngờ tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, từ mức 17.941 VND/1USD lên 18.544 VND/1USD.

Vào cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng tỷ giá liên ngân hàng. Theo đó, hôm nay (11/2), tỷ giá này là 18.544 VND, so với mức 17.941 VND của ngày 10/2.

Tỷ giá liên ngân hàng là mức tham chiếu để các ngân hàng thương mại ấn định giá bằng cách cộng hoặc trừ thêm biên độ. Với biên độ 3% như hiện nay thì các ngân hàng thương mại có thể mua-bán USD với giá trần là 19.100 đồng mỗi USD.

Ảnh minh họa

Cùng với quyết định trên, cũng từ hôm nay, mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích của việc điều chỉnh trên là nhằm cân đối hài hòa cung-cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong tuần qua, lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 2,3%-4%/năm đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và trên 12 tháng (khối ngân hàng thương mại Nhà nước). Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng mức lãi suất cao, phổ biến là 3,3%-4,5%/năm.

Mức lãi suất cho vay bằng USD tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 5,5-6%/năm đối với ngắn hạn và 6-7%/năm đối với trung và dài hạn. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng mức lãi suất 6-8% đối với ngắn hạn và 6,5-8% đối với trung và dài hạn.
Thanh Hương source http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Kinh_te/308430/tang-manh-ty-gia-lien-ngan-hang.htm

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Ảo Ảnh Trung Quốc Một nền kinh tế xe đạp - được tiếp nước biển...


February 05, 2010

NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

Hôm Thứ Ba mùng hai, mải lép nhép bài diễn văn kỷ niệm (...), (...) không kịp đọc thấy một bản tin từ Bắc Kinh. Mà có đọc được thì cũng cóc hiểu. Vì vậy mới tiếp tục lép nhép chuyện hài: “Tiến lên (...) .” Đã vào thập niên đầu của thế kỷ 21 mà còn thấy kiểu phát ngôn đó thì hài kịch bỗng thành bi kịch.

Nhưng hãy nói về bản tin từ Bắc Kinh.

Năm ngày sau khi thông báo sẽ phải cải sửa lại cách thu thập và trình bày thống kê vì trong năm 2009 vừa qua đã có tới 14.500 điều sai lạc, hôm mùng hai, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc công bố thành quả tăng trưởng kinh tế của năm 2009. Trong một năm mà cả thế giới bị suy trầm kinh tế, Trung Quốc lại đạt tốc độ tăng trưởng là 8,7% thì (...) tất nhiên phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng, họ nên học bài kinh tế nhập môn đã.

Một cửa tiệm bán linh tinh trên xe đạp tại Bắc Kinh. PETER PARKS/AFP/Getty Images

Đà tăng trưởng trung bình 8,7% này là kết số của ba thành tố: đầu tư là 8%, tiêu thụ là 4,6% và xuất cảng là -3,9%. Xin viết lại thành một phương trình cho rõ: 8,7% = 8% + 4,6% – 3,9%.

Nếu có học kinh tế nhập môn năm thứ nhất thì sinh viên trốn học cũng biết mức gia tăng sản xuất rồng cọp của Trung Quốc trong năm qua (8,7%; khi kinh tế Mỹ chỉ tăng được 0,8% mà nhờ quý bốn đạt 5,7%) là một thành tích phi thường. Nhưng rồi mỉm cười kết luận là sức mạnh rồng cọp ấy chỉ như nước biển tiếp cho bệnh nhân trong phòng cấp cứu.

Kinh tế Trung Quốc có hoàn cảnh bấp bênh của người đi xe đạp. Không lăn là té.

Sức đẩy cho cỗ xe ấy lăn bánh là xuất cảng – bằng mọi giá, tức là rất rẻ. Người dân được thắt lưng buộc bụng để xây dựng(...) với màu sắc Trung Hoa. Họ hỳ hục xuất cảng và ngoại tệ thu về thì theo đúng luật là do nhà nước quản lý. Vì vậy, xứ này có dự trữ ngoại tệ vĩ đại, tương đương với gần 2.400 tỷ Mỹ kim, trong khi người dân vẫn cực nghèo. Các doanh nghiệp hương trấn gom dân đi làm gia công để góp phần xuất cảng thì chỉ có mức lời rất thấp, nhưng vẫn ráo riết sản xuất để tạo ra công ăn việc làm cho dân chúng. Nếu không thì loạn.

Bây giờ, nhìn lại phương trình đơn giản trên, ta thấy xuất cảng đã giảm!

Đầu máy kinh tế cố hữu bỗng đầy ra ý, là ỳ ra đấy. Vì vậy, nhà nước phải nhảy vào cấp cứu như bơm nước biển đề hồi sinh một cơ thể rũ liệt: tốc độ tăng trưởng rồng cọp của Trung Quốc lệ thuộc tới 92% (8% của tổng số 8,7%) vào đầu tư của khu vực công. Phần tiêu thụ của dân chúng chỉ có 4,6%, vừa đủ trám vào khoản thiếu hụt -3,9% của xuất cảng.

Khi kinh tế bị suy trầm thì xứ nào cũng phải tìm biện pháp kích thích: bằng tiền tệ qua hạ lãi suất hay in tiền bơm vào kinh tế, hoặc qua gia tăng công chi hay giảm thuế, chủ yếu là để bù đắp cho sự thiếu hụt tiêu thụ của tư nhân. Nhìn từ bên ngoài, lãnh đạo Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp ấy như gia tăng tín dụng và nâng mức công chi cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhưng nhìn kỹ hơn thì... lượng biến thành phầm, và phẩm chất rất tồi.

Trung Quốc thường xuyên chủ động bơm tiền vào kinh tế qua hai ngả công chi và tín dụng, gọi đó là đầu tư. Nhưng chủ yếu là cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước, gọi là thuộc diện chính sách, và các dự án xây dựng thuộc phạm vi phân bố và chia chác của địa phương. Tất cả là để duy trì khả năng sản xuất và chính yếu là tuyển dụng để tránh nạn thất nghiệp và động loạn xã hội.

Nhưng hệ thống ống bơm ấy lại… theo định hướng (...). Bơm vào nơi úng thủy và thổi lên bong bóng đầu tư (xin xem bài “Bong Bóng Bay Qua…” trên cột bào này trong số ra ngày 31 tháng 12). Hậu quả xã hội của chế độ kinh tế ấy là một hình thức tái phân lợi tức, và tái phân phối trước tiên cho một thiểu số có chức có quyền. Người dân lầm than thì chỉ còn một ngả là hỳ hục ráp chế hàng xuất cảng để kiếm được chút tiền vụn ở dưới cùng. Khả năng tiêu thụ rất thấp – 4,6% – phản ảnh điều ấy.

Khi xuất cảng lại sụt tại một quốc gia đang làm những người yếu bóng vía xưng tụng là đệ nhất xuất cảng toàn cầu, thì đời sống dân chúng tất nhiên là khốn đốn.

Qua năm nay và năm tới, tình hình xuất cảng có khả quan hơn không? Nhiều phần là không. Khối Âu Châu vẫn còn vất vả vì những nhược điểm nội tại. Hoa Kỳ thì đang bàng hoàng về giấc mơ cải tạo xã hội của Barack Obama và mức thất nghiệp quá cao. Cho nên số cầu của hai thị trường Âu và Mỹ sẽ chưa thể hồi sinh. Huống hồ Obama còn bị áp lực rất mạnh từ cánh tả và các nghiệp đoàn để nêu vấn đề về thế cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh với đồng “nhân dân tệ” định giá quá thấp…

Vì vậy, tình hình xuất cảng của Trung Quốc chưa thể khá, trong khi khả năng tiêu thụ của người dân vẫn chỉ thoi thóp. Kết cuộc thì nhà nước Bắc Kinh vẫn sẽ hỳ hục tiếp nước biển, tiếp tục bơm tín dụng và tăng chi. Với bội chi ngân sách ở khoảng hơn 20% của Tổng sản lượng GDP vào năm 2008 – và chưa đạt mức kỷ lục của Obama – họ còn có thể thoải mái tăng chi.

Mà để làm chi? Hỏi vậy là đúng về kinh tế mà là sai bét! “Tăng chi cho ai” mới là câu hỏi đúng đắn!

Kinh tế Trung Quốc là cái xe đạp được giàng vào cỗ xe của thị trường quốc tế, là xuất cảng. Cố xe ấy đang lăn bánh tại chỗ. Quy luật kinh tế của Trung Quốc là tái phân phối lợi tức từ khu vực duyên hải – hướng ngoại – vào các tỉnh lạc hậu nghèo đói ở bên trong. Nhưng hệ thống kinh tế chính trị xứ này lại trao cho nhà nước và các ngân hàng chủ yếu là quốc doanh thực hiện việc tái phân phối. Kết quả là các ngân hàng bị chìm dưới một núi nợ khó đòi vì khách nợ là doanh nghiệp nhà nước và lấy tiền đi vay theo diện chính sách để thổi vào sòng bạc đầu cơ địa ốc và cổ phiếu. Trong khi các tỉnh tiếp tục được bơm tiền sản xuất rồi chất hàng vào kho mà không bán được. Miễn là cứ báo cáo lên trên là đã sản xuất vượt chỉ tiêu và không làm ai thất nghiệp!

Trung Quốc là nơi mà sản lượng thép vẫn tăng trong một năm sản xuất suy trầm, và nhà xây xong, dù bị ế và chưa bán được vẫn được ghi vào sản lượng quốc gia. Khi bị kéo và được bán lại lần nữa thì lại được ghi lần nữa!

Từ sáu năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh như Hồ Cẩm Đào, Uý Kiện Hành hay Ôn Gia Bảo đều đã biết điều ấy và muốn cải sửa, với cái giá là một đợt thanh trừng ngay trong nội bộ. Nhưng vụ suy trầm 2008-2009 là tai họa trời giáng, và nạn xuất cảng sa sút khiến cho việc cải cách bị đình hoãn. Qua năm 2012 thì lại có (...)! Ai dại gì là gây cảnh gió tanh mưa máu khi sắp bước vào hậu trường của lịch sử?

Vì vậy, trong năm nay và qua năm tới, (...) sẽ lại tiếp tục tiếp nước biển theo (...). (...) quả thật là vẫn tối dạ! [NXN]

December 31, 2009

Bong bóng bay qua...

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Thầy tưởng là ma… thầy ù thầy chạy!

Tổng kết về năm 2009 và dự báo về tương lai, người viết muốn nhìn vào bong bóng Trung Quốc. Muốn vậy thì lại phải lội ngược dòng – của truyền thông – và của lịch sử, khi trở về vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997…

Đầu năm 1997, thế giới vẫn cứ ca tụng phép lạ rồng cọp của các nền kinh tế “tân hưng” Đông Á, như Nam Hàn, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Khi ấy, Trung Quốc còn lạc hậu và (...) lạc đường, chưa đáng kể. Một ngày sau khi Hong Kong “hồi quy cố quốc”, mùng hai tháng Bảy năm 1997 đó, khủng hoảng hối đoái bùng nổ tại Thái Lan rồi lan khắp Đông Á, dẫn tới nạn suy trầm toàn cầu, gây khủng hoảng cho Brazil, Argentina và Liên bang Nga rồi dội qua Mỹ.... Cuối năm 1998, dầu thô mất giá 75% và chỉ còn tám đô la một thùng!

Thiếu nữ Trung Quốc trong ngày hội dân gian Sam Yeh/Getty Images.

Nhân loại đã đón mừng thiên niên kỷ thứ ba, năm 2000, trong dư chấn của vụ khủng hoảng Đông Á này – mà chúng ta quên mất rồi!

Vì khủng hoảng hối đoái kéo theo suy sụp kinh tế, các nước đang phát triển – tân hưng hay chưa – đều quyết định giảm hối suất, ra sức xuất cảng và tích lũy một khối dự trữ ngoại tệ cực lớn để phòng ngừa tai họa. Có dự trữ rất dày, họ tìm cơ hội đầu tư và.... lại đầu tư vào Mỹ cho an toàn. Mua Công khố phiếu Mỹ là giải pháp khôn ngoan và nguồn tiền đó có góp phần thổi lên bong bóng cổ phiếu Mỹ. Bóng bể năm 2000 gây ra suy trầm. Lãi suất được hạ để kích cầu và tiền dư dôi liền trôi từ thị trường cổ phiếu qua thị trường địa ốc, để thổi lên bong bóng gia cư. Bên trong là kén nợ ung thối của loại tín dụng thứ cấp cứ được chuyền tay lăn khắp nơi. Khủng hoảng tài chính Mỹ bùng nổ từ đó, ngay giữa vụ suy trầm kinh tế manh nha từ cuối năm 2007.

Một lần nữa, thế giới lại bị suy trầm toàn cầu.

Như vậy, thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba mở màn và kết thúc với nạn suy trầm. Là chuyện cả thế giới đã nói trong năm nay. Nhưng, chuyện ấy ăn nhậu gì tới Trung Quốc?

Xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và hội nhập mạnh vào luồng giao dịch quốc tế từ 2001. Từ đấy, Trung Quốc thành nước “tân hưng” – lại là một rồng cọp nữa – trước sự thán phục của truyền thông tối dạ và sự cổ võ của giới đầu tư có ẩn ý. Người ta tái diễn sự hồ hởi của năm 1997 với các nước Đông Á. Khi kinh tế thế giới bắt đầu ra khỏi suy trầm 2008-2009, ai ai cũng nói đến tốc độ tăng trưởng 10% của Trung Quốc trong năm tới. So sánh với chừng 2,8-3,0% của Hoa Kỳ hoặc 1,2-1,4% của Âu Châu và 0,7% của Nhật Bản thì quả là phép lạ!

Trung Quốc bắn pháo bông mừng kỷ niệm 60 năm thành lập đảng CS. Feng Li/Getty Images

Vốn thiếu trí nhớ, người ta không nhìn lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trước nạn suy trầm vào năm 2008: rất cao tới gần 9%, với lượng tiền lưu hoạt rất lớn, lãi suất rất rẻ.

Chiến lược kinh tế chính trị xứ này vốn là dùng ngân hàng bơm tiền rẻ – theo diện “chánh sách” – vào kinh tế để tạo ra việc làm và đạt tốc độ tăng trưởng rồng cọp mà bất kể tới phẩm chất của tăng trưởng. Khi thế giới bị chấn động vì sự đình trệ của cả ba đầu máy Âu-Mỹ-Nhật, tháng 11 năm 2008, Trung Quốc lập tức tung ra kế hoạch kích thích kinh tế, trị giá tương đương 586 tỷ đô la. Đó là về mặt chính thức.

Thực tế thì tung ra như thế nào? Chủ yếu là lại qua hệ thống “máy bơm” là các ngân hàng mà đa số là quốc doanh – và có quan hệ tốt với giới chức có quyền. Thực tế thì trong chín tháng đầu năm 2009, hệ thống ngân hàng xứ này được giải tỏa hạn chế và được yêu cầu cấp phát tín dụng cho dễ dãi. Lượng tín dụng mới tăng hơn 150% so với cùng kỳ của năm trước, lên đến một ngàn 370 tỷ đô la Mỹ! Tính đến cuối năm, là giờ đây, tổng số nợ mới có thể lên đến một ngàn 600 tỷ đô la, hơn một phần ba Tổng sản lượng Nội địa GDP!

Khi có tiền rẻ và nhiều như vậy, các đại gia ngân hàng Trung Quốc không dại. Họ kiếm lời trong khu vực nào đạt doanh lợi cao nhất. Đó là các thị trường địa ốc, cổ phiếu và thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu và nông sản – commodities). Quả nhiên là họ tạo ra phép lạ. Thị trường cổ phiêu và địa ốc tăng giá vù vù!

Nhìn lại trên toàn cảnh thì trước khi bị suy trầm toàn cầu kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng gần 9%. Qua một giai đoạn trũng là 7-8%, sang năm tới thì đạt tốc độ 10%. Ngần ấy tiền bơm ra – gọi là đầu tư để kích thích sản xuất và tiêu thụ – đã đạt thành tích này. Nếu so sánh lượng đầu tư qua ngả tín dụng đó (là 37% GDP) với kết quả rồng cọp này, người ta phải thấy là có gì đó không ổn. Cái không ổn là tiền chảy vào chỗ trũng, gây úng thủy, là bơm lên bong bóng đầu cơ. b và bơm vào chỗ trũng.

Giới lãnh đạo ngân hàng trung ương đã báo động chuyện đó từ tháng 11 (Tân hoa xã loan tin hôm 18) mà ở bên ngoài ít ai chú ý. Bên trong, lãnh đạo Bắc Kinh phân vân giữa hai nhu cầu trái ngược: phải bơm thêm tiền để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhưng đồng thời phải kiềm chế nguy cơ bong bóng hay lạm phát. Dù chưa sợ lạm phát, lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết sợ bong bóng. Nhưng yêu cầu về xã hội – tạo ra việc làm – đi cùng tính toán lý tài của các ngân hàng, đã đẩy mạnh ưu tiên tăng trưởng. Trong ba lần liền của năm 2009 là các tháng Ba, Sáu, Chín, tình hình èo uột của sản xuất lại khiến lãnh đạo Trung Quốc vừa muốn hãm máy bơm thì lại phải tống thêm tiền vào kinh tế. Và tiếp tục bơm thêm bong bóng.

Viễn ảnh trước mắt là là nạn bể bóng, như Nhật Ban đã từng bị từ năm 1990.

Sau vụ bể bóng đó, Nhật bị khủng hoảng và đến bây giờ vẫn chưa hồi phục. Vì vụ bể bóng, các chính quyền liên tục thất cử và Thủ tướng lên xuống như đèn kéo quân. Trung Quốc thì khác vì chưa có (...). Khủng hoảng bùng nổ thì ngân hàng vỡ nợ, dân chúng tất nhiên không vui vì mất tiền tiết kiệm đã ký thác cho ngân hàng thổi bóng bóng. Dân thất nghiệp cũng vậy. Động loạn xã hội đang lây lan rất sẽ bùng nổ thành khủng hoảng (...). Và uy tín hay quyền lực của (...) sẽ bị đe dọa….

Trong khi ấy, thế giới vẫn ngợi ca Trung Quốc hoặc nói tới sự xuất hiện của một siêu cuờng kinh tế mới với sự khâm phục và lo ngại. Bong bóng bay qua, thầy tưởng là ma, thầy ù thầy chạy!

Xin đừng chạy mà nên dừng lại nhìn xem bóng bể ra sao. Và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó! [NXN]

source

Viet Tribune

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Ngân hàng BIDV lên tiếng vụ Phó tổng giám đốc bị bắt


Phó tổng giám đốc BIDV bị nghi nhận hối lộ nhiều tỷ đồng

Ông Đoàn Tiến Dũng. Ảnh: BIDV

Ngày 4/2, Bộ Công an cho biết, số tiền ông Đoàn Tiến Dũng (Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV) bị bắt quả tang nhận hối lộ là khoảng 1 tỷ đồng. Cùng ngày, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hải Phòng cũng bị tạm giữ vì tình nghi có liên quan.
> Ngân hàng BIDV lên tiếng vụ Phó tổng giám đốc bị bắt /Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV bị bắt

Theo lãnh đạo Bộ Công an, phía đưa tiền cho ông Dũng là doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may ở Hải Phòng. Từ lâu, ông này đã bị cơ quan điều tra đưa vào "tầm ngắm". Công an nghi ngờ hành vi nhận hối lộ của ông Dũng đã diễn ra thời gian dài, với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Việc nhận hối lộ bị vừa qua nhiều khả năng không phải là vụ duy nhất của ông Dũng.

Cũng trong ngày 4/2, VKSND Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam với ông Dũng để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Liên quan vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa tạm giữ bà Lê Thị Thanh Bình, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hải Phòng. Người phụ nữ này bị tình nghi đã giúp sức cho ông Dũng trong một số phi vụ nhận tiền.

Ngày 3/2, BIDV khẳng định vụ việc nêu trên là của cá nhân ông Dũng, không liên quan đến tập thể Ban lãnh đạo và Hội sở chính BIDV. Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc BIDV đã họp và quyết định: tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ Phó tổng giám đốc đối với ông Đoàn Tiến Dũng.

Trước đó một ngày, ông Dũng bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội bắt quả tang nhận hối lộ tại một quán ở trung tâm thành phố.

Cơ quan chức năng đang điều tra mở rộng vụ án.

Ông Đoàn Tiến Dũng làm việc trong ngành ngân hàng đã 23 năm. 16 tháng trước, từ vị trí Giám đốc BIDV Hải Phòng ông Dũng trở thành một trong 10 phó tổng giám đốc của BIDV.

Pha Lê

source

http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/02/3BA1886E/

Ngân hàng BIDV lên tiếng vụ Phó tổng giám đốc bị bắt

Ngày 3/2, sau một ngày "im lặng", Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát đi thông báo xác nhận Phó tổng giám đốc Đoàn Tiến Dũng bị Công an Hà Nội bắt quả tang nhận hối lộ của một đơn vị kinh doanh.
> Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV bị bắt

Trụ sở Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Ảnh: H.A.
Trụ sở Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Số tiền ông Dũng nhận chưa được tiết lộ.

Theo BIDV, việc nêu trên là việc làm cá nhân của ông Dũng, không liên quan đến tập thể Ban lãnh đạo và Hội sở chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Khi vụ việc xảy ra, BIDV đã phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện cho cơ quan điều tra theo đúng quy định về việc xử lý đối với ông Dũng.

Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ việc nêu trên.

Cũng trong ngày 3/2, trả lời báo giới, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến cho rằng hành vi nhận hối lộ của ông Dũng là đặc biệt nghiêm trọng. Ban chỉ đạo sẽ theo dõi, đôn đốc việc xử lý.

Trước đó, chiều 2/2, thông tin ông Dũng bị bắt đã khiến nhiều người trong ngân hàng bất ngờ. Ban lãnh đạo BIDV từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào. Một nhân viên từng làm việc với vị Phó tổng giám đốc này nhận xét, ông là người hơi nóng tính.

Nguồn tin của VnExpress.net cho hay, do được phân công mảng quan hệ khách hàng nên ông Dũng có quan hệ ngoại giao khá tốt.

Ông Đoàn Tiến Dũng làm việc trong ngành ngân hàng đã 23 năm. 16 tháng trước, từ vị trí Giám đốc BIDV Hải Phòng ông Dũng trở thành một trong 10 phó tổng giám đốc của BIDV. Ông Dũng có trình độ kỹ sư Đại học Xây dựng và thạc sĩ Học viện ngân hàng.

Nhóm phóng viên

source

http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/02/3BA187CD/