Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Đảng Cộng Hoà Hy Vọng Gì Khi Chọn Paul Ryan Đứng Phó TT?



Đảng Cộng Hoà Hy Vọng Gì Khi Chọn Paul Ryan Đứng Phó TT?

  • Written by  Nguyễn Minh Tâm 
  • Tuesday, 11 September 2012 16:38
  • font size decrease font size increase font size 
  • Print 
  • Email
Đảng Cộng Hoà Hy Vọng Gì Khi Chọn Paul Ryan Đứng Phó TT?
ĐỌC BÁO TIME

Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2012:


LTS: Liệu  Paul Ryan, một nhân vật kiệt xuất ở Wisconsin, có thể giúp ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hoà Mitt Romney thắng cử được không?Mời bạn đọc bài phân tích dưới đây của Michael Crowley, tuần báo Time số ra ngày 27/08/2012 do Nguyễn Minh Tâm chuyển ngữ.

Ngay từ đầu, việc ông Mitt Romney tìm kiếm người làm ứng cử viên Phó Tổng Thống đứng chung liên danh với ông là một điều bí ẩn, hồi hộp giống như truyện ma. Chẳng qua cũng chỉ vì đảng Cộng Hoà từng bị ám ảnh bởi quyết định lầm lỡ trước đây khi họ chọn cựu thống đốc Alaska. Sau kinh nghiệm cay đắng nhớ đời với bà Sarah Palin cách đây bốn năm, đảng Cộng Hoà thề rằng họ sẽ phải chọn ứng cử viên phó tổng thống là một nhân vật nghiêm túc, có thực chất, tài giỏi về mọi mặt.
Khi công bố tên ông Dân Biểu tiểu bang Wisconsin Paul Ryan là người đứng chung liên danh hôm 11 tháng Tám, quả thực ông Romney đã làm đúng điều này. Ngày trước bà Palin bị chê là có kiến thức nông cạn bao nhiêu, thì ngày nay ông Ryan nổi tiếng là người đa tài, hiểu biết rất nhiều bấy nhiêu. Ông nổi tiếng là người có thể hiểu thấu đáo vấn đề đa đoan, rộng lớn nhất trong tất cả mọi vấn đề: đó là ngân sách của chính phủ liên bang. Thường ra thì người được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống nhờ vào điểm thành tích, tài năng của người đó, hay vào tầm quan trọng của tiểu bang người ấy làm đại diện, hay cũng có khi dựa vào dáng đẹp bề ngoài, và tư cách đặc biệt của người ấy. Ông Ryan được điểm khá cao, nếu dựa vào những tiêu chuẩn vừa kể để được chọn làm ứng viên  phó tổng thống. Ngoài ra, theo Dân Biểu Kevin McCarthy, lãnh tụ khối đa số của Đảng Cộng Hoà tại Hạ Viện, trong trường hợp này, lá bài tẩy khiến ông Romney phải chọn ông Ryan là vấn đề chính sách. Ông McCarthy khẳng định “Ông Paul Ryan là nhân vật đầu tiên được chọn đứng Phó TT dựa trên tiêu chuẩn về chính sách.”
Nhưng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, những tranh chấp, choảng nhau chí chết về chính sách tài chánh công đều có hai mặt của vấn đề. Được lòng phe này thì mất lòng phe khác. Hiện bây giờ ông Romney đang theo đường lối chọn người đứng phó để tranh cử kỳ này là một nhân vật trẻ trung, đẹp trai, ăn nói hoạt bát, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Nhân vật trẻ trung ấy cũng dính liền, đồng nghĩa với việc cắt giảm ngân sách chi tiêu của chính phủ một cách tàn nhẫn, và sẽ đem lại những thay đổi rất lớn, ảnh hưởng đến chương trình phúc lợi luật định (entitlements) được nhiều người yêu quí chẳng hạn như chương trình Medicare (bảo hiểm y tế cho người nghèo,và tật nguyền) và phúc lợi xã hội Social Security (Tiền An Sinh Xã Hội, hay tiền trợ cấp hàng tháng cho người già.).
Nhiều người nghĩ rằng ông Romney có thể thắng cử bằng những chủ đề vĩ đại như thực thi một chính sách tài chánh công có kỷ luật (giảm chi thật nhiều, không để lâm tình trạng khiếm hụt ngân sách) và chính sách phát triển kinh tế theo quan điểm của phe bảo thủ. Ông Romney hết lời ca tụng, tán dương ông Ryan, gọi người đứng chung liên danh với ông kỳ này là một chính trị gia kiệt xuất của Hoa Thịnh Đốn, có uy tín lẫy lừng trên cả hai mặt trận tài chánh công, lẫn kinh tế. Nhưng họ cũng lo ngại rằng việc đem vào liên danh một nhân vật hăng say, đầy sức quyến rũ, vô tình biến liên danh Romney-Ryan trở thành một tiểu đội sát thủ, đưa ra để trừng trị, dọn dẹp những sai trái về ý thức hệ xẩy ra từ bấy lâu nay. Giáo sư Dan Schnur, hiện đang dạy tại trường University of Southern California, trước đây từng làm phụ tá cho ông John McCain trong cuộc bầu cử năm 2000, tỏ ý lo ngại: “Chọn ông Ryan sẽ là một rủi ro, nếu sự chọn lưạ này cuối cùng lại biến cuộc tranh cử năm nay trở thành trưng cầu dân ý về những phúc lợi luật định (entitlements). Nếu điều này xảy ra, ông Romney sẽ vất vả vô cùng.”

Việc ra mắt, giới thiệu ông Ryan cho công chúng biết, được khoa trương, đánh bóng giống hệt như những lần hãng Apple cho ra mắt sản phẩm mới. Phe bảo thủ viết nhiều cột báo biểu lộ sự vui mừng, hy vọng. Nhiều buổi họp mặt, tụ tập công chúng được tổ chức để đám đông reo hò ủng hộ khi đi vận động tranh cử. Ông Romney thích lắm, người ta thấy ông nhún nhẩy theo điệu nhạc Jazz. Trong một lần ra mắt cùng với ông Ryan ở Wisconsin, cả hai ông nhẩy lên sân khấu, xúc động đến chảy nước mắt. Ngay cả một số người trong đảng Dân Chủ cũng vui mừng, vì từ nay chủ đề tranh cử sẽ thiên về việc chọn lựa ai là kẻ có thực tài, và có ý kiến hay - những ý kiến của ông Ryan được coi là hết sức đặc biệt, và nổi bật hơn cả.
Ông Ryan đã từng bộc lộ ý tưởng của mình khá rõ ràng dưới dạng những đề nghị về ngân sách. Trong đó có những đề nghị do chính ông viết trong thời gian hai năm ông nắm chức Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện. Tài liệu ngân sách chính phủ, về cốt lõi thực chất của nó là những tài liệu mang tính chất ý thức hệ, và ông Ryan đã kết hợp cả hai phía cung cầu của ngân sách để tấn công tàn mạt chính sách New Deal welfare state, gọi nôm na là chính sách Tân Xã Hội – hay Nhà Nước Bao Đồng Phúc Lợi,- chính phủ cứ cấp eo phe, phúc lợi xã hội thoải mái, dễ dàng, vì thế mới phát sinh ra tình trạng thâm thủng ngân sách. Ngân sách sau cùng do ông Ryan lập ra bao gồm việc cắt giảm $5.3 trillion (gọi là ức hay một ngàn tỉ) chi tiêu của chính phủ liên bang trong 10 năm, và đề nghị cải tổ toàn bộ chương trình Medicare. Ông Ryan có tiếng là rất can đảm về chính trị, dám nói dám làm, nhưng trong đề nghị về ngân sách, ông để trống nhiều khoản mơ hồ. Riêng về những khoản cắt giảm chi tiêu ngân sách chính phủ thì ông đòi cắt đủ thứ, cắt đến tận xương tủy, kể cả những chương trình thiết yếu. Ông đòi cắt ngân khoản dành cho kiểm soát không lưu, Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Dịch, cơ quan điều tra liên bang FBI, và luôn cả chương trình Medicare, tức là chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo, người tàn tật, mỗi năm cắt $800 tỉ, trong 10 năm liên tiếp.  Về thuế đánh vào nhà giầu, công ty doanh nghiệp lớn ông vẫn giữ ở mức thấp. Ông đề nghị chỉ cần dẹp bỏ những khe hở của luật pháp (loopholes) để nhà giầu và đại công ty không thể trốn thuế được là đủ. Ông không nói rõ những kẽ hở luật pháp này là gì. Về ngân sách Quốc Phòng, ông cho để nguyên, không đụng tới. (Trong quá khứ ông đề nghị cắt giảm chi phí An Sinh Xã Hội, nhưng trong  luật ngân sách sau cùng của ông, trợ cấp An Sinh Xã Hội chưa thấy bị cắt) .
Ông Ryan nói rằng giảm thuế, thu nhỏ vai trò của chính phủ sẽ giúp đem lại sự  thịnh vượng. Tổng thống Obama gọi viễn kiến, hay cái nhìn, dự phóng tương lai của Ryan là một thứ “social Darwinism”, tức là đem học thuyết tiến hoá của Darwin áp dụng vào lãnh vực xã hội, và chính trị. Trong hệ thống này cứ để cho xung đột, cạnh tranh xảy ra, sẽ làm nẩy sinh sự tiến hoá. Làm như vậy tức là tưởng thưởng cho kẻ mạnh, người giầu có, và bỏ thí làm ngơ đối với những người nghèo khó, cần được giúp đỡ. Điều này gỉải thích vì sao trong cuộc thăm dò dư luận do Nhật Báo USA Today – Gallup thực hiện, tiết lộ rằng việc chọn ông Ryan đứng phó bị công luận đánh giá thấp nhất từ xưa đến nay (the least favorable public response) kể từ vụ chọn ông Dan Quayle hồi năm 1988. Cố vấn của ông Romney nghĩ rằng kết quả thăm dò đó sẽ thay đổi sau khi liên danh xuất hiện, đi vận động tranh cử, đem lại sinh khí mới. Bài bình luận của phe bảo thủ trên báo Wall Street Journal  bênh vực rằng: “Kỳ tranh cử năm nay, người ta thấy có sự tương phản rõ rệt giữa một ông tổng thống ra tái tranh cử mà chẳng có một ý kiến mới gì cho nhiệm kỳ hai.”
“Thôi thì chúng ta hãy cùng nhau xông vào, đấu với nhau một trận sống mái”, những người thuộc Đảng Dân Chủ lên tiếng thách thức liên danh Romney & Ryan như vậy. Họ lý luận rằng cử tri có thể ghét tình trạng ngân sách bị thâm thủng, thiếu hụt, nhưng họ cũng không muốn cắt giảm quá nhiều chi tiêu của chính phủ, ngoại trừ chương trình eo phe và viện trợ cho nước ngoài. Kế hoạch về ngân sách của ông Ryan đưa cho cử tri một tài liệu dầy cộm chỉ để xé đi. (Ông Romney nhất định cho rằng kế hoạch của ông khác với kế hoạch Ryan. Song kế hoạch của Romney cũng cắt rất nhiều, không thua gì Ryan.). Ông Chris Van Hollen, đại diện cho chi bộ Đảng Dân Chủ ở Maryland, nhà chiến thuật chính trị của Đảng Dân Chủ phê bình: “Ông Romney hoàn toàn bị ông Ryan xỏ mũi, chỉ biết theo đuôi  kế hoạch của ông Ryan.” Bàn về kế hoạch ngân sách của ông Ryan, ông Hollen gọi ngân sách đó chẳng qua chỉ là: “Bản tuyên cáo của Tea Party (Đảng Trà), một nhóm cực hữu cứng đầu, không tương nhượng. Nhóm này chủ trương dành cho nhà giầu Mỹ những ưu đãi về thuế bằng sự hy sinh của những người khác.”

Không có khoản nào làm cho người của Đảng Dân Chủ như Van Hollen thèm thuồng cho bằng dự tính cắt giảm Medicare của Ryan. Dự kiến này gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Kế hoạch này của ông Ryan sẽ ngưng bồi hoàn tiền cho những cơ sở y tế. Thay vào đó, Medicare sẽ cấp cho các cụ cao niên một khoản tiền nhất định để họ đi tìm hãng bảo hiểm mà mua. Những hãng bảo hiểm này được chính phủ chấp thuận dựa vào thể thức đấu thầu cạnh tranh do chính phủ đề ra. Trị giá của những ‘voucher” do chính phủ cấp để mua bảo hiểm sức khoẻ sẽ tăng hàng năm, nhưng không tăng nhanh như  mức gia tăng y tế phí hiện nay. Ông Ryan cho rằng giới hạn mức tài trợ của chính phủ sẽ hạn chế sự tốn kém, nhưng nếu mục đích ấy không đạt được, các cụ cao niên sẽ phải bỏ tiền túi ra mà trả. Nhiều chiến lược gia chính trị trong đảng Cộng Hoà tin rằng đề nghị này của ông Ryan sẽ bị phe Dân Chủ khai thác để bêu xấu đảng Cộng Hoà. Họ sẽ tung ra chiến dịch “Mediscare”, hù doạ cử tri sẽ bị mất Medicare. Năm ngoái, một nhóm cấp tiến đã tung ra một quảng cáo, thồi phồng chuyện này. Trong đoạn phim quảng cáo họ mô tả một cụ bà yếu đuối ngồi xe lăn bị ném từ ghềnh đá xuống vực thẳm, mặc cho chết. Khúc phim đó cũng tự ý quên không lưu ý rằng kế hoạch của Ryan không áp dụng cho người  từ 55 tuổi hay gìa hơn.

Tiên đoán trước sẽ bị tấn công ở điểm này, nhóm vận động tranh cử của ông Romney đã chuẩn bị đỡ đòn bằng cách ra mặt tấn công Luật Bảo Hiểm Y Tế của ông Obama năm 2010 sẽ cắt giảm $700 tỉ đô la trong chương trình Medicare. Họ tảng lờ không nói đến chuyện là khoản cắt giảm đó là do những nơi cung cấp dịch vụ y tế cho chương trình Medicare như bệnh viện, bác sĩ, chứ không phải là cắt quyền lợi của người thụ hưởng. Dự án ngân sách của Ryan – không phải của Romney đâu nhé - cũng làm cái việc cắt giảm tương tự, giống y hệt những điều ông Romney định tấn công phe Obama.
Có lẽ ông Romney nên lặng thinh, để cho chính ông Ryan lên tiếng biện minh thì hay hơn. Đã bảo cái ông Ryan này tính toán về ngân sách giỏi lắm, giống như khoa học gia Carl Sagan nói về khoa học vũ trụ. Dân biểu McCarthy, cùng ở trong Hạ Viện với Paul Ryan, nhận xét về Ryan như sau: “Paul là một người ăn nói rất giỏi. Anh ấy ra tranh cử trong một đơn vị không phải của Cộng Hoà, thế mà lần nào anh ấy cũng thắng bời vì cái tài ăn nói của anh ấy. Khi anh ta nói ai cũng lắng nghe. Anh ấy làm được điều này nhờ có nhiều ý kiến.”

Phe Dân Chủ định ra đòn đánh vào điểm yếu của Ryan. Ông Dân Biểu này từng làm dân biểu trong suốt 14 năm, và Hạ Viện Hoa Kỳ là một định chế bị dân chúng chán ghét nhất trong hệ thống chính trị Mỹ. Đã thế, ông Dân Biểu Ryan này chưa bao giờ ra tranh cử một chức vụ nào khác, chỉ ngồi một chỗ trong toà nhà Hạ Viện. (Thậm chí bà Palin còn có kinh nghiệm về hành pháp). Ông Ryan còn có nhược điểm nữa là không có căn bản hiểu biết về đối ngoại. Điều này làm cho liên danh Romney-Ryan bị lép vế khi trưng ra bản tiểu sử, thiếu kinh nghiệm về an ninh quốc gia. Liên danh này yếu nhất trong đảng Cộng Hoà từ trước đến nay về an ninh, đối ngoại tính từ thời liên danh Cộng Hoà Dewey-Bricker năm 1944.

Lẽ dĩ nhiên, ông Ryan đem lại cho ông Romney rất nhiều lợi lạc về mặt chiến thuật. Ông có thể lấy đuợc 10 phiếu cử tri đoàn ở Winsconsin. Ở tiểu bang này, tâm lý chung là ngả theo Dân Chủ thế mà ông Ryan được lòng của 68% cử tri tiểu bang. Là người theo đạo Thiên Chuá Giáo, ông Ryan có sức lôi cuốn mạnh đối với giai cấp lao động còn lưng chừng chưa biết bầu cho ai (swing voters). Nhóm cố vấn của ông Romney còn cho biết, diện mạo và tư cách cá nhân của ông Ryan cũng có sức quyến rũ cử tri rất nhiều. Ông này mang cái vẻ thông minh lanh lợi, pha trộn dáng dấp của một nhà quản trị, lại thêm sự am tường về ngân sách. Người ta còn nói rằng với dáng đẹp trai, trẻ trung, tóc  đen nhánh, ông Ryan 42 tuổi, khiến người ta phải so sánh ông với những đứa con trưởng thành, yêu thể thao của ông Romney.Trước đây, ông Ryan từng làm huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ, nên ông có thân hình cân đối, gọn gàng, ăn uống kiêng khem rất kỹ.
Tuy nhiên, ông Romney không phải là người dễ chấp nhận rủi ro. Việc ông chọn ông Ryan cũng có một lý do khác nữa là ông sợ rằng cứ xoay mãi về chủ đề nạn thất nghiệp trầm trọng, chưa chắc đã ăn phiếu. Vậy thì hãy thử mở rộng điạ hạt tranh cử ra khỏi phạm vi quen thuộc cũ. Trong chiều hướng đó, ông Ryan là biểu tượng cho sự nhiệt tình, hăng hái, trẻ trung. Điều này khiến cho người ta nhớ lại hồi năm 2008, ông John McCain chọn bà Palin đứng phó cũng với hy vọng lập ra một “game changer”, thay đổi không khí, điạ bàn tranh cử. Nhưng như trường hợp của ông McCain cho thấy, việc thay đổi điạ bàn tranh cử chưa hẳn luôn luôn có nghĩa là sẽ  thắng cử.-Michael Crowley

TRONG BOX BÊN CẠNH BÀI NÀY!!!

Người Phụ Nữ
Bên Cạnh Ông Ryan:
Bà Janna Ryan

            Thỉnh thoảng người bạn đời của người đứng chung liên danh có thể dấu mình không xuất hiện trước công chúng. Nhưng có lẽ chuyện đó sẽ không xảy ra đối với bà Janna Christine Ryan, bởi vì bà là một nhân vật có nhiều tài năng độc đáo. Là một luật sư 43 tuổi, từng làm chuyên viên ở Hạ Viện, và vận động hành lang, rồi trở thành nội trợ. Trong tương lai, bà Janna Ryan có thể trở thành Đệ Nhị Phu Nhân.
            Sinh trong một gia đình khá giả, có nhiều quan hệ với chính trị, ở tỉnh nhỏ Madill, (dân số chỉ có  3,818 người), tiểu bang Oklahoma, bà Janna Little từng tốt nghiệp Cử Nhân, thủ khoa, về tiếng Spanish ở trường đại học danh tiếng Wellesley. Sau đó và tiếp tục học Luật ở trường George Washington University, thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
            Theo tổ chức OpenSecrets.org, cô Janna thừa hưởng uy thế về chính trị của gia đình ở Oklahoma, miền Nam, với ông cậu là Thượng Nghị Sĩ David Boren, và người anh em họ là Dân Biểu Dan Boren, cô Luật sư trẻ tuổi  đã sớm trở thành chuyên viên ở Hạ Viện, làm việc cho văn phòng đại diện tiểu bang của mình. Từ việc làm khởi đầu đó, cô Janna mau chóng chuyển sang nghề vận động hành lang, làm đại diện cho nhiều thân chủ tầm cỡ lớn như hãng bảo hiểm Blue Cross/Blue Shield và công ty dầu hỏa Conoco Inc..
            Trong lúc Janna làm đại diện cho Pricewaterhouse Coopers, một người bạn giới thiệu cô với Ryan, khi đó còn là Dân Biểu năm đầu tiên ở Quốc Hội, chàng dân biểu đẹp trai vẫn còn độc thân.
            Ryan mời Janna đi chơi trong một chuyến đi săn, và cuối cùng chàng ngỏ lời cầu hôn với nàng tại một điạ điểm ngồi câu cá.. Hai người thành hôn năm 2000, khi đó nàng 31 tuổi, và chàng mới 30 tuổi. Cô Janna làm cho đám bạn của cô ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn phải ngạc nhiên khi cô quyết định rời xa chốn phồn hoa đô hội để về sinh sống tại thành phố nhỏ Janesville, quê nhà của Ryan, tiểu bang Wisconsin. Tại đây cô chỉ chăm lo nuôi dạy ba đứa con: Liza 10 tuổi, Charlie 8 tuổi, và Sam 7 tuổi.
            Trong một buổi ra mắt công chúng cùng với ông Romney, bà vợ ông Dân Biểu từ chối không cầm micro lên nói chuyện. Tuy nhiên, nhiều cử tri ái mộ bà, và họ đã lập ra một website lấy tên là JannaRyan.com. Càng ngày người ta càng chú ý đến bà Janna Ryan khi cường độ tranh cử gia tăng thêm.

- Nguyễn Minh Tâm theo Michael Crowley / TIME ngày 27/8/2012


SOURCE
VIET TRIBUNE