October 08, 2010
Tam Giác Đồng Nguyên
NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune
Đồng bạc Trung Quốc trong cơn lốc hối đoái toàn cầu
Xin có đôi lời phi lộ đã.
Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc được gọi là đồng Nguyên (Yuan). Chữ “nguyên” đó được họ in trên giấy bạc hẳn hoi. Lãnh đạo Trung Quốc có dụng ý chính trị – cứ nói thẳng là gian manh mĩ dân kiểu (...) – mà gọi là đồng “Nhân dân tệ”. Thế giới mê muội nhập vào trò gian đó mà lấy chữ phiên âm “Renminbi”. Từ đó, từ khi Trung Quốc cải cách và buôn bán với bên ngoài nhiều hơn, người ta dùng luôn chữ Renminbi.
Người viết cứ theo phép chính danh mà dùng chữ Nguyên. Không chú ý đến chuyện nhỏ nhặt đó là mặc nhiên nhảy vào trò gian của các (...). “Ăn phải bả” là một cách diễn dịch khác.
Xưa nay, ta vẫn dùng chữ “Hoa” để nói về Trung Hoa hay Trung Quốc. “Hoa quân nhập Việt”, “người Việt gốc Hoa”, “Hoa kiều” hay thông tấn “Tân hoa xã”, v.v… là thí dụ. Thế rồi, những năm gần đây, (...) ăn phải bả của Bắc Kinh mà dùng chữ Trung, hàm ý quốc gia trung tâm của thế giới. Vì có chánh sách sử dụng ngôn từ phổ biến tại (...), các hệ thống truyền thông (...) của quốc tế cũng phải dùng chữ “Trung” đó. Dù là rất ngây ngô, thậm chí ngu xuẩn.
Chữ “Trung” này có thể gây hiểu lầm: chiến tranh Trung-Việt năm 1979 là cái gì? Vùng Mid-West của Mỹ có liên hệ gì đến quan hệ Trung-Tây, giữa Pháp và Trung Quốc? Còn khu vực Trung Mỹ nối liền hai lục địa Nam Bắc Mỹ?
Truyền thông của chúng ta không nhất thiết phải dùng chữ ngu như người (...). Vì vậy xin hãy trở lại chữ Hoa cố hữu. Khi phiên dịch tin tức hoặc viết bình luận, ta nên để ý đến những tiểu tiết này. Có tinh thần nô lệ hay không có khi là từ chi tiết vặt vãnh đó.
Sau lời phi lộ mới đi vào chuyện đồng Nguyên.
Tiền Nhân dân tệ và dollars được trao đổi tại Thượng Hải. STR/AFP/Getty Images
Hoa Kỳ thực tế đang ở giữa một trận chiến đa diện với Trung Quốc.
Người ta thường nghĩ chiến tranh là xung đột bằng võ lực giữa hai tập thể chính trị. Nhưng, từ ngàn xưa rồi, các nhà lãnh đạo xuất chúng đều chỉ ra rằng võ lực là giải pháp tệ nhất. Lý tưởng là phải đạt mục tiêu của quốc gia mà khỏi phải dụng binh. Vì vậy, chiến tranh vẫn có thể xảy ra mà không có tiếng đạn bom, vì xảy ra dưới nhiều dạng khác, như chính trị, ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền, v.v… và vận dụng những phương tiện càng bất ngờ càng hay. Trong thế kỷ 21, loại phương tiện ấy thật ra dồi dào và bất lường – có khả năng lường gạt – hơn hẳn những gì mà loài người có thể nghĩ tới trong suốt mấy chục thế kỷ trước.
Trong cuộc chiến đa diện, tinh vi và âm thầm mà nhiều khi ta không thể thấy hết, có trận chiến mậu dịch, tranh chấp về ngoại thương. Trong trận chiến mậu dịch, có vấn đề của đồng Nguyên.
Quảng cáo thương mại tại Thượng Hải. Liu Jin/Getty Images
Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh nâng giá đồng bạc so với Mỹ kim để hàng Trung Quốc vào Mỹ với giá đắt hơn và hàng Mỹ vào Hoa Lục với giá rẻ hơn. Đấy là một vấn đề giai đoạn liên quan đến vài chục phần trăm của hối suất đồng Nguyên so với tiền Mỹ. Vấn đề trường kỳ và nguyên tắc lý tưởng là Trung Quốc phải thả nổi cho đồng Nguyên tăng giảm giá theo quy luật cung cầu. Được xuất siêu thì lên giá, bị nhập siêu thì giảm….
Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không hiểu điều ấy, và du áp lực từ thời Chính quyền George W, Bush, họ có điều chỉnh hối suất thêm 20% trong ba năm từ Tháng Bảy 2005 đến Tháng Bảy năm 2008, rồi lại xiết. Đồng Nguyên tăng giá thì dân được hưởng nhưng xuất cảng có thể giảm và biến động về đồng bạc có khi lại gây khủng hoảng cho một nền kinh tế và một xã hội có quá nhiều bất trắc. Vì vậy, ít ra từ nay cho đến Đại hội khóa 18 vào năm 2012, Bắc Kinh chỉ có thể điều chỉnh rất chậm theo nhịp độ và khả năng điều tiết của mình.
Và chứng minh với thần dân mê muội là ta dám chống lại cả thế giới đầy thù nghịch ở chung quanh.
Trong trận chiến ấy, Hoa Kỳ có thể làm gì?
Mà Hoa Kỳ là ai? Các chính khách đương quyền?
Hạ viện Mỹ nhảy vào góp viên đạn giấy rồi chạy ra lo chuyện bầu cử: sau khi biểu quyết xong Đạo luật “Cải cách Hối đoái cho Ngoại thương Bình đẳng” vào chiều Thứ Tư 29, các Dân biểu trong Hạ viện Mỹ ù té bỏ chạy để còn về lo việc tái tranh cử ở nhà. Trò biểu quyết chỉ là màn biểu diễn kiếm phiếu. Vào tuần trước, cột báo này đã phân tách chuyện đó, xin miễn nhắc lại.
Vả lại, Đạo luật không có hiệu lực vì Thượng viện chưa thông qua và Tổng thống chưa ban hành. Thượng viện chỉ còn hai kỳ họp ngắn ngủi sau ngày bầu cử tháng tới, là 15-19 Tháng 11 và 29 tháng 11 tới mùng ba Tháng 12. Vì thời gian eo hẹp và túc số chưa chắc đã đủ, Thượng viện sẽ lại đá ra biên. Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác, Quốc hội khóa 111 mãn hạn sẽ nhường chỗ cho Quốc hội khóa 112, khai mạc vào mùng sáu Tháng Giêng năm tới.
Kết quả là sau một tuần ồn ào chứng minh rằng ta lo cho quyền lợi cử tri khi đòi hỏi Trung Quốc phải vén đồng Nguyên lên, Hạ viện Mỹ bỏ lại cây dùi cho Hành pháp – giữa một đống dùi trống.
Một đồng một cốt, Chính quyền Barack Obama cũng ra vẻ lên tiếng về chuyện đồng Nguyên, từ Tổng thống đến Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner.
Thật ra, bộ Ngân khố Mỹ – Tài chánh – có quyền nêu ý kiến trong phúc trình ngày 15 Tháng 10, tuần tới, rằng Trung Quốc có “lũng đoạn ngoại tệ” hay không. Bộ Ngân khố đã nhiều lần trì hoãn và tránh né trả lời cho Thượng viện. Lần cuối cùng là hôm 16 Tháng Chín, qua lời phát biểu của Tổng trưởng Geithner. Chuyện “currency manipulation” là vấn đề gai góc về pháp lý và nghiêm trọng về ngoại giao chính trị. Có lẽ lần này cũng vậy, với lý cớ chính đáng là vụ đồng Nguyên sẽ được đặt ra trong Thượng đỉnh của khối G-20 vào tháng 11 tại Nam Hàn.
Khi ấy, Hoa Kỳ không đơn độc hay đơn phương nêu vấn đề với Bắc Kinh vì còn Nhật Bản, Liên hiệp Âu Châu và các nước Á Châu khác. Họ đều than phiền trị giá quá thấp của đồng Nguyên khiến hàng hóa Trung Quốc càng dễ cạnh tranh khi mà đồng bạc của họ, đồng Euro của Âu Châu, đồng Yen của Nhật hay đồng Won của Nam Hàn đều lên giá so với tiền Mỹ.
Tránh nói trực diện – phong cách Obama – phía Hoa Kỳ sẽ không nói đến tội currency manipulation, mà có thể mồi chài cho các nước cùng lên tiếng. Hoặc trao trả gắn bó trái banh đó với Thượng viện. Chờ Ủy ban Tài chánh Thượng viện lên tiếng trước khi bãi khóa, rồi nương theo đó mà lên tiếng.
Thật ra, Hoa Kỳ cũng còn có khả năng gây sức ép ở nhiều mặt khác, có hư có thực, có đòn dứ và đòn thật. Chẳng hạn, chính quyền Obama có thể thông báo là sẽ chính thức nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nếu Bắc Kinh không nâng giá đồng Nguyên.
Hy vọng thắng bại?
Tổ chức WTO không thể là trọng tài giải quyết tranh chấp về hối đoái, phần vụ chuyên môn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Việc chứng minh hối suất quá thấp của đồng Nguyên là một hình thức trợ cấp xuất cảng là điều rất chuyên môn, không dễ giải quyết. Mà WTO có thụ lý hồ sơ thì cũng mất vàio năm nghiên cứu, tham khảo ý kiến, v.v… Nhưng dù là đòn gió để gây sức ép không thể sớm có kết quả cụ thể thì cũng có vẻ là ra đòn.
Có một đòn thật và nằm ngoài khả năng ngâm tôm của Chính quyền, nhất một chính quyền “vịt què” – lame duck – giữa một chu kỳ kinh tế u ám và thất nghiệp cao. Đó là dùng luật chống phá giá của Tổ chức WTO. Xin nhắc lại đôi chút về chuyện này.
Trung Quốc mất 13 năm thương thảo mới vào được WTO. Khi yêu cầu Hoa Kỳ chấp nhận cho gia nhập tổ chức này năm 2001, Bắc Kinh năn nỉ để trì hoãn một số cải cách và cam kết là 15 năm sau thì sẽ có kinh tế thị trường đích thực. Thoả thuận Hoa-Mỹ đó nằm trong hồ sơ WTO và tổ chức này phải xét xử nếu có tranh chấp. Các hội viên WTO trong Liên hiệp Âu Châu tất nhiên là cũng nắm vững hồ sơ và khai thác vấn đề.
Trong 15 năm đó, Trung Quốc vẫn còn nền kinh tế “phi thị trường”. Thực tế thì chính quyền vẫn can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và làm lệch lạc quy luật thị trường. “Xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” là như vậy.
Nhưng nếu doanh nghiệp và nghiệp đoàn Hoa Kỳ mà bị thiệt hại vì giao thương với một nền kinh tế phi thị trường thì họ có quyền nộp đơn kiện. Hoặc về tội trợ giá xuất cảng, hoặc về tội bán phá giá. Không chỉ kiện mà họ còn đòi bộ Thương mại có biện pháp trừng phạt bằng cách nâng thuế suất nhập nội trên một số mặt hàng xuất xứ từ quốc gia phi thị trường và đầy những can thiệp đó. Ác liệt nhất là phía bị đơn có trách nhiệm phải chứng minh ngược lại và Tổ chức WTO phải thụ lý hồ sơ kiện tụng này.
Chuyện ấy đã xảy ra, mà người ta ít biết. Cả Liên hiệp Âu Châu lẫn Hoa Kỳ đều đã viện dẫn Luật chống Phá giá của WTO và nộp đơn kiện một số mặt hàng của Trung Quốc là bán phá giá. Việt Nam cũng đã bị kiện như vậy vì có kinh tế phi thị trường ít ra đến năm 2019 – thêm 12 năm kể từ 2007. Và cho đến nay các doanh nghiệp nguyên đơn đã thắng nhiều hơn thua.
***
Một vòng đại lược như vậy có cho thấy tính chất biến hóa và đa diện của những tranh chấp kinh tế hay ngoại thương giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ – và các nước còn lại.
Điều đáng tiếc là trong trận chiến Hoa-Mỹ, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Chính quyền Obama không dứt khoát được lập trường và còn cho đối phương nhìn thấy sự nhu nhược. Ngần ấy lần trì hoãn sức ép của Quốc hội – từ tháng Ba đến nay đã là bảy tháng – để tìm sự hợp tác của Bắc Kinh trong các hồ sơ nóng khác, như Bắc Hàn, Iran hay Pakistan – mà không kết quả.
Không, nói vậy sai rồi!
Kết quả bất ngờ là đồng Mỹ kim mất giá. Hoa Kỳ không xứng vai lãnh đạo với nền kinh tê èo uột, lãnh đạo tuột dốc và thất nghiệp gia tăng cùng gánh nặng bội chi tài trợ bằng một núi công trái. Vàng lên giá cũng là một cách bỏ phiếu bất tín nhiệm Hoa Kỳ!
Kết quả bất ngờ khác là Nguyên quá thấp khiến các nước Á Châu rúng động vì đồng tiền của họ lên giá và càng khó cạnh tranh về ngoại thương. Không thấy sức ép của Hoa Kỳ với Bắc Kinh là công hiệu, các nước bèn… cũng can thiệp vào thị trường hối đoái để giảm giá đồng bạc…
Đến tuần qua, việc can thiệp – rất chính đáng mà không phải đạo – đang gây vấn đề cho thế giới, khiến Tổng trưởng Ngân khố Hoa Kỳ phải lên tiếng. Ông Geithner quy lỗi cho đồng Nguyên. Nghĩa là lại thêm một đòn áp lực khác trong một “trận chiến hối đoái toàn cầu” mà đồng bạc Trung Quốc nằm ở giữa!
Kết quả bất ngờ khác mà nhiều người chưa nhìn ra là chính chế độ hối đoái của Bắc Kinh đang gây sức ép ngấm ngầm về xã hội và kinh tế Trung Quốc. Lý do là dân làm, và làm cho nhà nước có tiền khuynh đảo cả thế giới, mà lại không được hưởng. Họ đang bất mãn nặng. Nhưng nếu nhích giá đồng bạc quá nhanh nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và dân thất nghiệp sẽ lại xuống đường…
Không lẽ Hoa Kỳ ba đầu sáu tay lại nhắm vào kết quả bất ngờ đó nên chập chờn nuông chiều Bắc Kinh trong ảo vọng lũng đoạn thế giới? Biết đâu chừng! Khi ấy, chuyện nhân dân tệ mới thật tệ cho nhân dân Trung Quốc.[NXN]
source
Viettribune Online