Ngày 29.12.2009 Giờ 07:51
SGTT - Nguy cơ lạm phát tăng tốc trở lại và sức ép tỷ giá ngày càng tăng đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khi bước vào năm mới 2010.
Một mặt, họ thừa hiểu, nền kinh tế mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi mong manh như là kết quả của chính sách tín dụng nới lỏng trong suốt gần cả năm qua. Sự phục hồi này chắc chắn sẽ bị thách thức khi chính sách này thay đổi.
Nhưng mặt khác, duy trì chính sách này chắc chắn sẽ làm gia tăng lạm phát, yếu tố từng gây ám ảnh nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong hai năm 2007 – 2008; đảo ngược thành quả tăng trưởng và làm suy giảm thêm mức sống của người dân vốn đã khó khăn.
Đây là bài toán khó. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có vẻ thiên về kiểm soát lạm phát khi đặt mục tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong năm 2010, gần với chỉ tiêu mà quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thường khuyến cáo cho Việt Nam, và là mức thấp trong nhiều năm gần đây.
Vì sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được khống chế thành công ở mức dưới 7% trong năm 2009, và dự kiến 7% trong năm 2010 như yêu cầu của Quốc hội, mà mối lo lạm phát bùng phát lại gia tăng?
Câu trả lời không khó khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức tăng trưởng tín dụng đạt tới gần 38% và tổng phương tiện thanh toán gần 29% trong năm nay, mức tương đối cao trong vài năm gần đây.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ thua mức kỷ lục gần 54% của năm 2007.
Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn thừa nhận, hai chỉ số tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán “đang ở mức cao”, ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát lạm phát kéo dài từ năm nay đến năm sau do độ trễ của tác động chính sách.
Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý, NHNN dường như đã quá “linh hoạt” với chỉ tiêu này.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25% cho cả năm 2009, theo kế hoạch ban đầu, sau đó điều chỉnh lên 30%. Trên thực tế, con số này đã tăng lên gần 29% vào cuối tháng 9, 33% vào tháng 10 và đạt đỉnh gần 38% vào cuối năm nay.
Một báo cáo của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: “Điều đáng quan tâm là tăng trưởng tín dụng đang ở tình trạng quá mức kiểm soát (của NHNN)”.
Nhận định này được củng cố thêm bởi tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều (chỉ gần 29%). Nghĩa là huy động được ít, mà cho vay nhiều làm các ngân hàng thương mại khó cân đối vốn, dẫn đến những áp lực lớn cho nền kinh tế.
Các chuyên gia của CIEM phân tích, tăng trưởng tín dụng ở mức cao gần 38%, trong khi tăng trưởng GDP khoảng 5,2%, có nghĩa là để nền kinh tế tăng trưởng thêm 1 đồng, Việt Nam phải tăng tín dụng hơn 7 đồng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân 3,85 các năm trước và chỉ 1 – 1,3 của các nước trong khu vực.
Những con số so sánh này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam quá thấp, chi phí vốn quá lớn, gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế.
Một chuyên gia của CIEM nhận xét: “Không biết phải tăng bao nhiêu tiền để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?”
Bên cạnh đó, như là hệ quả của tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng ở tốc độ cao trong nhiều năm qua, đồng tiền Việt Nam đã phải giảm giá so với đôla Mỹ bất chấp xu hướng giảm giá của USD trên thế giới.
Thực tế, lạm phát của Việt Nam trong ba năm 2007 – 2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ chỉ bằng khoảng 20% cùng kỳ, nhưng tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể trong thời gian đó, khiến VND bị định giá cao trong tương quan tỷ giá với USD.NHNN đã điều chỉnh bằng cách tăng tỷ giá của đồng USD lên gần tỷ giá thị trường và thu hẹp biên độ tỷ giá giao dịch ngoại hối từ ±5% xuống ±3% nhằm mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, theo CIEM, việc điều chỉnh tỷ giá cũng đưa đến nhiều rủi ro, đặc biệt là đồng tiền mất giá sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia vốn đã tăng khá cao đến gần mức báo động.
Nếu ở mức tỷ giá 18.000 VND/USD, tổng nợ nước ngoài tính ra VND là 396.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách dự kiến năm 2009 (390.000 tỉ đồng). Nếu tỷ giá tăng lên 20.000 đồng thì con số sẽ là 440.000 tỉ, tăng 44.000 tỉ, bằng 11% số thu ngân sách nhà nước dự kiến năm 2009.
Lâu nay, NHNN luôn tuyên bố điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt”. Theo CIEM, đây là điều khó và phức tạp do họ chưa thể điều hành chính sách một cách độc lập như một ngân hàng trung ương.
Tư Giang
***************
source
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=61189&fld=HTMG/2009/1227/61189