Yếu tố lòng tin
Hôm 25/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, đồng thời điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đôla Mỹ.
Tỷ giá chính thức liên ngân hàng từ 17.034 đồng ăn một đôla lên thành 17.961 đồng ăn một đôla, tức đồng tiền Việt Nam mất giá 5.4%.
Biên độ tỷ giá mới dành cho giao dịch mua bán trong ngày giữa tiền đồng và USD là ± 3%. Trước đây là ± 5%.
Các biện pháp này được áp dụng nhằm giảm lượng tín dụng lưu thông trên thị trường, hướng tới ổn định đồng bạc Việt Nam.
Tuy nhiên cũng đã có những than phiền và chỉ trích về quyết định này, nhất là khi chỉ vài tuần trước đó, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Văn Giàu vẫn khẳng định "không phá giá tiền đồng".
Báo chí nước ngoài, như tờ Financial Times, còn nhận định quyết định điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam là “trợ giá thô bạo cho giới xuất khẩu trong khi gây phương hại cho tất cả mọi người còn lại”.
Để góp thêm một ý kiến cho độc giả, BBC đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội về chủ đề này.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ điều chỉnh vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước là theo một hướng đúng, tuy nhiên phải làm trước đó lâu rồi và phải làm một cách từ từ, linh hoạt chứ không thể để cho tình hình quá căng rồi không chịu được nữa mới điều chỉnh.
Việc điều chỉnh vừa rồi khiến cho nhiều người bị sốc, cho là quá mạnh.
BBC: Nhiều người cho rằng dù vậy, giá tiền đôla vẫn sẽ tiếp tục tăng từ bây giờ tới Tết Nguyên đán?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là có thể có xu hướng đó. Để can thiệp, nhà nước nên lắng nghe các tín hiệu của thị trường, cân nhắc trong khuôn khổ nguồn lực của mình, và dùng nhiều biện pháp thị trường hơn nữa để hiệu chỉnh linh hoạt vấn đề lãi suất và tỷ giá.
BBC: Thưa ông báo chí nước ngoài có đánh giá rằng biện pháp phá giá tiền Việt Nam chỉ có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, còn gây phương hại cho những người khác, đồng thời gây bất bình ổn trong thị trường khu vực. Ông nghĩ sao về chỉ trích này?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Tôi cho rằng đây là nhận xét quá "cổ điển" và chưa hợp lý lắm. Thực sự đồng tiền Việt Nam đã bị phá giá trước khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam can thiệp. Trên thị trường gần như hầu hết các doanh nghiệp đã phải giao dịch với một tỷ giá cao hơn nhiều tỷ giá mà nhà nước quy định.
Chính biện pháp can thiệp vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước đã giúp làm tình hình dịu đi so với cách đó một số ngày, hoặc vài tuần.
Cho nên tôi nghĩ lập luận như thế không phải là lập luận đứng vững. Nhìn về dài hạn thì có thể nói như thế, nhưng trong trường hợp của Việt Nam mà nói như vậy thì nó hơi... sách vở quá.
BBC: Còn yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý trong nước thì sao, thưa ông? Các quyết định gấp rút, đối phó như thế này hẳn cũng kèm theo "tác dụng phụ"?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn đối với việc hoạch định chính sách ở Việt Nam. Chính sách phải có tín tiên đoán, hoặc chí ít, thông điệp đưa ra phải rõ ràng.
Mới mấy ngày trước còn có quan chức hùng hồn tuyên bố không phá giá đồng tiền Việt Nam. Thế mà sau lại đột ngột có quyết định rất mạnh.
Chuyện này không phải xảy ra một lần mà xảy ra rất nhiều lần như với giá xăng dầu, lãi suất vv...
Đây là điều tối kỵ, vì chính sách kiểu như thế nó không giúp củng cố lòng tin, mà ngược lại, gây xói mòn lòng tin.
*************
source
BBC Vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét