Chứng khoán
TTO - Trong phiên giao dịch đầu tuần (2-11), "bão" giảm điểm đã đến với 2 chỉ số VN-Index (giảm 4,32%) và HNX-Index (giảm 5,70%). Có thể nói, đây là phiên giảm điểm mạnh nhất trên thị trường Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.
Nhà đầu tư giao dịch trên sàn Rồng Việt |
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm mạnh 25,41 điểm, xuống còn 561,71 điểm. Khối lượng giao dịch cũng giảm còn 64,74 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch còn 2.852,7 tỷ đồng. Tại sàn Hà Nội cũng diển ra cảnh "tháo đáy" tương tự. Chỉ số HNX-Index còn 188,02 điểm, sau khi giảm đến 11,36 điểm (tương đương giảm 5,70%). Tổng khối lượng giao dịch trên sàn này còn 32,37 triệu cổ phiếu; tương đương tổng giá trị giao dịch là 1.329,57 tỷ đồng.
Rất nhiều mã giao dịch trên sàn TP.HCM giảm hết biên độ 5% như: DPR, ICF, KHA, SC5, TTC, VPH, VFMVF1, TTF, TRC, NSC, ITA. Ngược lại, một số mã thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng có mức tăng mạnh như: DIC, SZL... Cổ phiếu ngân hàng VCB tăng 1.000 đồng lên 53.000 đồng/cp, và là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong tốp 8 mã tăng giá trên sàn TP.HCM phiên hôm nay.
Trên thị trường chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch cuối tháng 10 cũng đã giảm mạnh. Tại thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giảm điểm sâu do hàng loạt thông tin tiêu cực như chi tiêu cá nhân giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng giảm, ngân hàng phá sản… Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất mốc 10.000 điểm khi giảm 249,85 điểm, tương đương 2,5%, xuống mức 9.712,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 52,44 điểm, tức 2,5%, xuống mức 2.045,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,8%, xuống còn 1.036,18 điểm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các công ty chứng khoán, về mặt vĩ mô, gói kích cầu thứ hai đã được Chính phủ thông qua cùng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây sẽ là lực đỡ cho sự đi lên của TTCK trong thời gian tới. Khi thị trường được giao dịch với lượng tiền thật (không có tiền từ đòn bẩy) thì khả năng bật mạnh của các chỉ số chứng khoán sẽ khó xảy ra nhưng bù lại là thị trường sẽ mang tính ổn định hơn.
Về mặt kỹ thuật, nếu muốn chinh phục ngưỡng 600 điểm thì thị trường cần có thông tin đủ mạnh để xóa bỏ tâm lý thận trong của các nhà đầu tư hiện nay.
Công ty chứng khoán FPTS thì cho rằng, trong thời điểm hiện tại, các nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đang cho thấy các bằng chứng về sự phục hồi vô cùng rõ rệt. Sự tăng trưởng GDP 3,5% vượt mọi dự báo của Mỹ trong tuần là một minh chứng rõ ràng nhất. Với tính dẫn dắt của mình, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ nhiều khả năng vẫn sẽ gây ảnh hưởng tích cực tới thị trường chứng khoán của chúng ta trong ngắn hạn. Tuy nhiên tình hình kinh tế trong nước cũng đang đón nhận một vài thông tin trái chiều, liên quan tới chỉ số ICOR, thâm hụt ngân sách và lạm phát.
Sau một chuỗi dài tăng trưởng, thì sự điều chỉnh của thị trường trong một thời gian là cần thiết và sẽ khiến cho xu hướng tăng trưởng sơ cấp được bền vững hơn. Vì thế, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên các nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể an tâm nắm giữ các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính và mức P/E dự kiến dưới 10.
H.NHỰT
source
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=345613&ChannelID=86
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét