Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Đồng Euro Thành Đồng Sứt


December 24, 2010

Đồng Euro Thành Đồng Sứt

NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Biến cố trong năm 2010 chính là ngày tàn của đồng Euro Âu Châu…

Đúng ba năm trước, tháng 12 năm 2007, kinh tế Hoa Kỳ chính thức bị suy trầm – recession – là đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liền. Sau hơn sáu năm tăng trưởng, nếu kinh tế có gặp chu kỳ suy trầm thì cũng là bình thường. Nhưng đây lại là một đợt suy trầm nối tiếp một vụ bể bóng đầu tư địa ốc vào cuối năm 2006, sau năm năm bốc giá lên trời. Và nạn bóng bể mới dẫn tới khủng hoảng tín dụng thứ cấp, sub-primes, và gây khủng hoảng tài chánh và ngân hàng, khiến nhiều tổ hợp lớn nhất bị vỡ nợ vào năm 2008, Bear Sterns vào tháng Ba, Leham Brothers và AIG, v.v… vào tháng Chín.

Năm 2008 đó lại là năm có tổng tuyển cử. Sự hốt hoảng của dân chúng và khôn khéo đến giảo hoạt của các chính khách gây ấn tượng giả, rằng chính quyền sẽ cứu vãn được tình hình và tạo ra những thay đổi mọi người trông đợi. Hai năm sau, cử tri bừng tỉnh cơn mê và bầu ra một quốc hội khác. Chỉ những người không theo dõi sự thể mới còn kết luận rằng mọi tội là vì ông Bush.

Đồng dollar Mỹ và đồng Euro.ETER MUHLY/AFP/Getty Images)

Không Tổng thống nào lại có thể gây ra một trận bể bóng đầu tư – lần trước là vụ dot.com năm 2000 dưới thời ông Clinton – hay một chu kỳ suy trầm, lần trước là vào năm 2001 sau vụ dot.com biến thành dot.coma và Mỹ bị khủng bố thời ông Bush. Vì sai lầm chánh sách, họ chỉ có thể làm suy trầm thành nguy kịch hơn, ra suy thoái – depression – hoặc kéo dài hơn, như Hoover thời 1929, Roosevelt thời 1937, Nixon thời 1971. Và Obama trong năm nay với thành tích xã hội rất lớn – các đạo luật cải cách vĩ đại – và trách nhiệm kinh tế rất nặng.

Hoa Kỳ vừa trải qua một vụ khủng hoảng chính trị lồng trong kinh tế, mắc nợ nhiều hơn, bội chi nhiều hơn và sẽ mất nhiều năm mới đẩy lui nạn thất nhiệp. Nhưng vì không chịu nhìn ra ngoài, dân Mỹ chỉ rên la về hoàn cảnh của mình mà chẳng ngó qua Âu Châu.

Năm 2010 đang chấm dứt là năm cực kỳ hoạn nạn cho Âu Châu, mà không vì vụ khủng hoảng tài chánh 2008 của Mỹ, hoặc nạn Tổng suy trầm 2008-2009. Và cũng chẳng vì ông Bush hay ông Obama.

Người dân Ái nhĩ Lan tại Dublin. PETER MUHLY/AFP/Getty Images

***

Xin hãy nhớ lại, trong năm 2010, dân Mỹ có biểu tình phản đối một số quyết định của Quốc hội và Hành pháp Dân Chủ. Ồn ào nhất là phong trào Tea Party. Họ nổi lên ở nhiều nơi và tấn công cả hai đảng vì gây bội chi hoặc bành trướng vai trò của nhà nước, rồi đề nghị ứng cử viên của họ cho cuộc bầu cử tháng 11. Có người thắng lớn, có người thất cử. Nhưng các cuộc biểu tình này không biến ra bạo động.

Đạo luật Cải cách chế độ Bảo dưỡng Y tế cũng bị phản đối, một số tiểu bang đòi kiện trước toà, nhưng không hề có đập phá hay bạo động. Dân Mỹ đi làm cách mạng bằng lá phiếu, nhiều khi om xòm lố bịch, nhưng vẫn trong khuôn khổ hiến pháp và luật lệ.

Nhưng trong năm qua, biểu tình và đập phá đã bùng nổ tại các thủ đô của Âu Châu, như Athens, Luân Đôn, Paris hay Roma. Người dân không chấp nhận biện pháp ngân sách khắc khổ, họ chống việc tăng học phí hay triển hạn tuổi về hưu và làm cho chính quyền khó thi hành các giải pháp cấp cứu kinh tế. Sự bất ổn đó làm Âu Châu bị tê liệt và đe dọa tương lai đồng Euro. Chuyện ấy, nước Mỹ rõ là vô can.

Ngày 16 tháng 12, nguyên thủ các nước Âu Châu lại cố tái diễn thành tích suốt hai năm qua, là bày ra giải pháp vô vọng. Vô vọng vì phải tăng cường vai trò chính trị “siêu quốc gia” trong 27 quốc gia của khối Liên hiệp Âu châu của, và có khi khai tử đồng Euro của 16 thành viên trong khối.

Trước hết, thành hình từ năm 1992, Liên hiệp Âu châu là dự án hoang tưởng vì đòi thống nhất các quyết định chính trị của một nhóm quốc gia mà nước nào cũng vẫn muốn giữ lại quyền hạn riêng và gia nhập Liên Âu vì quyền lợi riêng. Liên Âu không là một liên bang các nước Âu Châu có một chính quyền và quân đội thống nhất, hội nhập vì quyền lợi của cả liên bang.

Khối này không giải quyết được vụ khủng hoảng ngay tại Âu Châu khi Liên bang Nam Tư tan rã và phải trông cậy vào Hoa Kỳ. Khi hữu sự thì Liên Âu núp dưới lá chắn của Minh ước NATO mà lại không muốn chi tiền cho việc phỏng thủ đó và sẵn sàng than phiền là Mỹ ngang ngược, độc bá. Hơn phân nửa thành viên NATO tại Âu châu có ngân sách quốc phòng dưới mức tối thiểu đã cam kết với nhau vì láu cá tin rằng có gì thì đã có Hoa Kỳ!

Kế tiếp, thành hình từ năm 1999, khối Euro là một dự án hoang tưởng khác.

Các nước Âu châu muốn có một đồng tiền thống nhất, thậm chí trở thành một cái cực mới làm lực đối trọng với đồng Mỹ kim. Âu Châu vẫn mơ ước một thế giới đa cực để tránh tình trạng độc bá của Mỹ. Cũng chính đáng lắm, miễn là phải hy sinh rất cực.

Kết hợp hai chuyện, Liên Âu bất lực và đồng Euro bất trắc, chúng ta có cuộc khủng hoảng mà hai năm sau, Âu Châu không giải quyết được.

***

Khối Âu châu có ba nhóm quốc gia khác biệt về địa dư, kinh tế và hoàn cảnh lịch sử.

Mạnh nhất và có kỷ luật nhất là các quốc gia phía Bắc, thành hình từ vùng châu thổ của các con sông lớn và một hệ thống sản xuất tân tiến. Họ chẳng cần giữ giá cho đồng bạc rẻ để xuất cảng các mặt hàng vốn dĩ có giá trị rất cao mà còn muốn có đồng bạc trị giá khá cao để thu hút đầu tư. Từ Đức, Hoà Lan lên tới Anh và các nước Bắc Âu, khối cường thịnh phía Bắc là đầu máy kinh tế của Âu Châu.

Yếu hơn là nhóm Nam Âu, có hoàn cảnh địa dư cách trở hơn khiến kinh tế chậm phát triển và chính trị thì manh mún phân hoá. Họ gia nhập Liên Âu và khối Euro vì tìm thấy mối lợi nhờ sức mạnh của nhóm Bắc Âu. Đó là tình trạng của Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và cả nước Pháp. Pháp khai thác sức mạnh kinh tế và mặc cảm phạm tội của Đức để thành tiếng nói có thế giá hơn thực lực trong khối Âu châu.

Một nhóm thứ ba là các nước Trung Âu – nếu ta nhìn theo trục Nam Bắc – hoặc Đông Âu, nếu nhìn theo trục Đông Tây. Đây là các quốc gia lầm tham sau nửa thế kỷ thống trị của cộng sản và có một định mệnh khác. Lớn mạnh thì có Ba Lan, với nhiều đặc tính gần với nhóm Bắc Âu mà thiếu hệ thống phòng vệ. Nhỏ hơn thì có nhiều quốc gia miền Nam như Bulgaria hay Romania thì gần với nhóm lạc hậu miền Nam.

Nhóm Trung Âu này quan tâm đến hai vấn đề song hành: đầu tư để phát triển và được bảo vệ về an ninh vì ở sát vách với Liên bang Nga và chưa quên bi kịch Liên Xô. Họ cần tới kinh tế Đức nhưng rất ngại tái diễn sự hợp tác Nga Đức ở trên lưng của họ, như đã từng thấy trong lịch sử.

Trong khối Liên Âu này, một số quốc gia lại không mấy tin tưởng vào hệ thống tiền tệ thống nhất của khối Euro và vẫn giữ đồng bạc riêng, như Anh, Đan Mạch hay Thụy Điển.

Bây giờ, gần hai chục năm sau khi Liên Âu thành hình và 10 năm sau khi đồng Euro xuất hiện, mâu thuẫn giữa giải pháp thống nhất hoang tưởng với thực tế kinh tế chính trị đang đe dọa Âu châu.

Lý do là trong sự hồ hởi của việc thống nhất và giải phóng khỏi ách Xô viết, các nước đã triệt để trục lợi. Âu châu có một định chế tiền tệ thống nhất mà không độc lập và thiếu thực quyền, là Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB. Khác với Ngân hàng Trung ương Mỹ, định chế này chỉ có thể lấy quyết định nều có dự đồng ý của tất cả các hội viên. Và mọi sự đều trông cậy vào cường quốc kinh tế số một là nước Đức, xưa nay đã có kỷ luật về chi tiêu, có đồng Đức mã rất mạnh và vững giá và chủ trương duy trì lãi suất thấp nhờ kỷ luật này để phát triển kinh tế.

Sau khi thống nhất tiền tệ, nhiều quốc gia được hưởng lợi thế lãi suất thấp mà không phải trả giá – hoặc tưởng như vậy. Họ tăng chi bừa phứa, vay mượn lung tung và còn thổi lên bong bóng đầu cơ. Năm 2008 là khi bóng bể và đến ngày tính sổ: các nước miền Nam và cả Ireland miền Bắc bị khủng hoảng, bị đe dọa vỡ nợ. Cùng ngân hàng ECB, trưởng tràng kinh tế là nước Đức phải è cổ ra gánh và cử tri Đức đòi trừng phạt liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel….

Hai năm sau, là bây giờ, Liên hiệp Âu châu đề nghị giải pháp cấp cứu công bố hôm 16. Một chuyện bất khả nữa.

Trước hết, các quốc gia hay doanh nghiệp bị mắc nợ và thua lỗ, ai sẽ trả nợ đậy cho họ và bao nhiêu mới đủ? Thủ tục “bail out” này còn vĩ đại hơn kế hoạch cấp cứu tài chánh của Mỹ năm 2008, vì lên tới cả ngàn tỷ Euro, chứ không chỉ vài trăm triệu như đã tính lúc ban đầu.

Thứ hai, khi cơ thể kinh tế mắc bệnh và phải kiêng khem thì chế độ dinh dưỡng – ngân sách- kham khổ có thể gây loạn. Khối Âu châu cần giăng lưới cấp cứu.

Bội chi của Hy Lạp hai Ái Nhĩ Lan chẳng hạn, sẽ được tài trợ trong ba năm tới để cơ thể lành bệnh. Ai chi trả cho việc đó? Tăng thuế ư? Ai sẽ quyết định về chánh sách thuế khóa đó của các nước? Và làm sao bảo đảm là sau này bệnh cũ không tái phát? Nhìn vào việc chi thu và vay mượn đã qua thì các quốc gia sau đây đều đã hoặc sẽ bị khủng hoảng: Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Ý và Pháp.

Bát tiên đến ngày hái quả. Tổng cộng có thể là mấy ngàn tỷ Euro.

Một số nhà đầu tư chủ nợ đã được huy động, với định nghĩa rất ngoại giao kiểu Âu châu được công bố hôm 16 là “kết hợp quyền lợi tư doanh để tài trợ việc trả nợ đậy”. Nghĩa là sẽ chia sẻ gánh nặng. Họ chỉ châm tiền mua giấy nợ sau khi đòi hỏi phân lời rất cao, để còn thanh toán rủi ro mất nợ. Lãi suất tại một số nơi sẽ bốc lên trời, khiến ngân sách càng thâm thủng vì phải trả tiền lời.

Những chuyện rắc rối nói trên có thể được thâu tóm vào vài điều phũ phàng sau đây:

Chỉ có một chính quyền – liên bang hay không – nhưng có quân đội và quyền lực thực tế thì mới có khả năng áp đặt một kỷ luật chung về chi tiêu ngân sách, về thuế khóa và cứu trợ, v.v…. Liên hiệp Âu châu và khối Euro chưa có những điều kiện đó và ba năm chữa bệnh sắp tới sẽ không giải quyết được vấn đề, với rủi ro là nhiều xứ sẽ rút khỏi khối Euro để khỏi bị thiệt hại. Đồng Euro sẽ mẻ mất từng mảnh, có khi tiêu vong.

Giải pháp tạm bợ mà cũng cực nguy hiểm là nước Đức sẽ giữ vai trò “quyền huynh thế phụ”, thay mặt cho một quyền lực không có để áp đặt quy củ và luật chơi mới cho các nước. Tạm bợ vì chưa chắc các nước khác sẽ chịu. Và cực kỳ nguy hiểm vì khiến nước Đức sẽ phải thống lãnh Âu châu – như giấc mơ năm xưa của Hitler và cơn ác mộng dằng dặc của các nước Âu châu từ 1871 đến 1945.

Liên Âu có thể bị khủng hoảng và chia thành nhiều khối. Kinh hãi nhất là sự hợp tác Đức Nga và sự lớn mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ, với sức hút đáng kể cho một số nước nhỏ yếu ở Nam Âu…

Nhìn như vậy thì những tranh cử hay tranh luận tại Hoa Kỳ trong hai năm qua vẫn là sinh hoạt bình thường và khi báo động về trào lưu suy sụp của Mỹ, người ta chưa nhìn qua Âu Châu.[NXN]

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét