July 16, 2010
NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune
Tiến thoái lưỡng nan vì đạp ga hay đạp thắng?
Vừa phát động màn quảng cáo huê dạng nhất – Ngân hàng Nông nghiệp (ABC) lần đầu tiên phát hành cổ phiếu cho công chúng (IPO theo thuật ngữ tài chánh) trên các thị trường Thượng Hải và Hương Cảng để quơ vào tới 22 tỷ đô la, lãnh đạo Bắc Kinh bỗng thấy bần thần. Nên kích cầu hay hạ nhiệt? Nên đạp thắng hay tống ga? Và con đường Tây tiến sẽ dẫn tới đâu?
Truyền thông mù lòa và các nhà bình luận đầy cảm tính (...) thì coi việc ngân hàng thứ tư trong bốn đại gia Hoa lục chơi trò văn minh là huy động vốn trên thị trường chứng khoán là dấu hiệu trưởng thành của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chen chân vào hội lạc: trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới ngày nay có bốn ngân hàng Trung Quốc. Số một toàn cầu là Công thương Ngân hàng ICBC. Năm 2006, ICBC phất tay mà lấy được 21 tỷ đô la. Bây giờ, Ngân hàng ABC èo uột nhất trong bốn đại gia lại có thể vượt kỷ lục đó, ai mà không sợ?
Thực tế thì lãnh đạo Bắc Kinh đang ở vào một khúc quanh hiểm nghèo. Bài viết này sẽ nói về chuyện đó.
Tất cả các nền kinh tế vừa chuyển hướng theo quy luật thị trường để kỹ nghệ hoá đều đã đạt tốc độ tăng trưởng rất cao trong những thập niên đầu tiên. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn hay các nước Đông Nam Á đều đã từng trải qua giai đoạn khởi phát vũ bão ấy, và tạo ra cái mà người ta gọi là “phép lạ Đông Á”. Bây giờ, đến lượt Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam…
Nhưng khác với các nước đi trước, cùng có chung một mẫu số là vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng dân chủ, Trung Quốc lại có tham vọng “xây dựng (...)” – là duy trì chế độ (...) – nhưng với màu sắc Trung Hoa, theo kiểu tự do có chọn lọc. Một màu sắc Trung Hoa khác còn là những khác biệt quá lớn giữa các địa phương, giữa các tỉnh duyên hải ở miền Đông và một khu vực bát ngát lạc hậu ở miền Tây. Vì vậy, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao, những với phẩm chất kém về môi sinh và xã hội: hủy hoại môi trường sinh sống và đào sâu bất công xã hội.
Ngân hàng Nông Nghiệp ACB tại Bắc Kinh, Trung Quốc. FREDERIC J. BROWN/AFP/Getty Images
Nguy hiểm nhất là dị biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa khu vực miền Đông với các tỉnh bị khoá trong lục địa ở miền Tây. Hiện tượng ấy ngày càng trở thành trầm trọng vì người dân nghèo khổ phải Đông tiến, trở thành “dân công”, là mò ra tỉnh và đi về vùng duyên hải kiếm việc. Họ ý thức được về sự nghèo khốn của mình khi nhìn thấy những thành tựu “ấn tượng” ở miền Đông.
Nếu kinh tế còn tăng trưởng thì họ còn có việc làm – dù chửa có hộ khẩu – để gửi tiền về nhà cho gia đình. Khi kinh tế bị suy trầm, họ mất việc và phải hồi hương, gia đình bị đói ở nhà sẽ phải nuôi thêm một miệng ăn nữa. Vụ tổng suy trầm 2008-2009 gây chấn động cho lãnh đạo Bắc Kinh vì cả trăm triệu “dân công” bị nguy cơ mất việc như vậy. Hiện tượng động loạn xã hội manh nha từ những năm 2003-2005 có thể lan rộng.
Vì thế, ngay từ tháng 11 năm 2008, Bắc Kinh ráo riết ban hành kế hoạch kích thích kinh tế: bơm 600 tỷ đô la qua tăng chi ngân sách và 1.400 tỷ qua tín dụng ngân hàng vào một nền kinh tế có sản lượng chừng 5.000 ngàn tỷ. Một ngân khoản vĩ đại, và tất nhiên là có công hiệu. Kinh tế Trung Quốc bị đình trệ rất nhẹ rồi lại đạt mức tăng trưởng rất cao, có lúc vượt quá 10%.
Nhưng một hiệu ứng bất ngờ của việc bơm tiền cứu nguy kinh tế là bơm lên trái bóng đầu cơ trong khu vực địa ốc. Còn vĩ đại hơn trái bóng gia cư của Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu.
Bây giờ, lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu thấy bần thần.
Nhìn về dài, trong dăm ba năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể đạt tốc độ tăng trưởng rồng cọp như xưa – hiện tượng bình thường sau giai đoạn cất cách ngoạn mục. Chưa kể đến một yếu tố cũng bình thường khác là đà gia tăng dân số đang giảm dần vì chánh sách mỗi hộ một con. Trong trường kỳ, chuyện tăng trưởng 9-10% sẽ là kỷ niệm.
Ngay trước mắt, đà tăng trưởng còn đang bị nguy cơ co cụm vì một đầu máy cố hữu là xuất cảng không thể chạy như xưa: các thị trường nhập cảng lớn nhất là Hoa Kỳ và Âu Châu bị suy trầm, dân chúng Âu-Mỹ đang phải thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu thụ và gia tăng tiết kiệm. Không những các thị trường Âu-Mỹ chỉ nhập cảng ít đi, mà còn cố gắng xuất cảng nhiều hơn để nâng sao sản xuất và giảm bớt thất nghiệp. Trong khi ấy, ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu đang bị nguy cơ đụng đáy lần nữa.
Bắc Kinh bần thần vì nếu tốc độ tăng trưởng không lên tới mức 8% thì thất nghiệp sẽ thành vấn đề cho đảng và nhà nước. Vì vậy, họ đang ở giữa một cuộc tranh luận mà truyền thông báo chí bắt đầu tiết lộ ra ngoài.
Từ Tháng Tư vừa qua, Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) đã ban hành chánh sách kiểm soát khu vực địa ốc để giảm sức ép của trái bóng đầu cơ. Thí dụ như gia tăng tỷ lệ đặt tiền cọc khi mua nhà, nâng cao lãi suất tín dụng gia cư, giảm tín dụng cho các doanh nghiệp địa ốc và những người mua thêm ngôi nhà thứ hai, thứ ba… Quả nhiên là số nhà bán đã giảm mạnh, tới gần phân nửa so với năm ngoái. tại các thị trường nóng như Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh hay Hàng Châu. Chỉ vì nếu không làm bóng xì thì sẽ gặp nạn bóng bể.
Nhưng, chánh sách kềm hãm đó lại bị cưỡng chống tại nhiều nơi.
Các ngân hàng, từ Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh đến Thâm Quyến vẫn lặng lẽ tài trợ người mua căn nhà thứ ba – cho mục tiêu đầu tư, nghĩa là đầu cơ. Đằng sau các ngân hàng đó lại là chính quyền địa phương. Họ cần tài hóa lưu thông để cư dân có việc làm, ngân sách thu thêm thuế và bản thân đảng viên cán bộ có thêm hoa hồng. Vì vậy chỉ thị của trung ương không thấm xuống dưới, phép vua vẫn thua lệ làng. Mâu thẫn ấy còn được thấy giữa chỉ thị của bộ Gia cư và sự phe lờ của Hội đồng Thanh tra Ngân hàng.
Vấn đề không chỉ có vậy. Trung Quốc vẫn còn các đại gia đầy quyền thế là doanh nghiệp nhà nước. Trên nguyên tắc, các doanh nghiệp này nằm trong phạm vi quản lý và cải cách của một cơ chế đầy quyền thế làHội đồng Than trah và Quản lý Tài sản Nhà nước. Trong thực tế, các tổng công ty nhà nước vẫn hùng cứ một phương, cứ thấy có lời là nhảy vào thị trường kinh doanh khác, kể cả thị trường bất động sản (Vina(...) đang ngáp ngáp của V(...) chẳng có gì là sáng tạo!)
Và chính là doanh nghiệp nhà nước, được ngân hàng cũng của nhà nước tài trợ với tín dụng nhẹ lãi đã góp phần thổi lên trái bóng địa ốc. Họ trở nên đại gia địa ốc và làm chủ nhiều khoanh đất bát ngát – tài sản đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, Hội đồng Quản lý Tài sản Nhà nước (viết tắt theo Anh ngữ là SASAC) phải ra chỉ thị điều hướng cách kinh doanh chệch hướng của công ty quốc doanh: 78 cơ sở đã bị yêu cầu rút khỏi thị trường địa ốc để trở về mục tiêu kinh doanh pháp định ban đầu. Kết quả? Vô phương! Không những vậy, Hội đồng SASAC này còn bọc xuôi theo thực tế và nhắm mắt bỏ qua, trước sự bất lực của Quốc vụ viện và chính quyền trung ương.
Lãnh đạo Bắc Kinh càng bần thần vì sự cưỡng chống của các ngân hàng, chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng vẫn có những lý luận “phải đạo”, có cơ sở: khu vực địa ốc gia tăng số cầu về nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng, tạo việc làm cho khu vực xây dựng và đem tiền về cho ngân sách địa phương đang phải tăng chi để kích thích kinh tế. Nhưng, chuyện “phải đạo” ấy lại đụng vào chuyện “phải gió” cũng rất có cơ sở: gây nguy cơ lạm phát vì giá nhà gia tăng và nguy cơ tài chánh vì ngân hàng có thể mất vốn trong trò chơi đầu cơ này.
Và trên cùng là sự vô đạo của (...) với màu sắc Trung Hoa. Trong khi một thiểu số có chức có quyền thì thành đại gia, tỷ phú, là “địa ốc chi vương” với đất đai là của toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý và ngân hàng thống nhất tài trợ với lãi suất ưu đãi thì đa số dân chúng còn lại vẫn chưa có nhà, dù là loại nhà bình dân rẻ tiền. Ở các khu vực lạc hậu trong lục địa, tại miền Tây, thôn dân vẫn chưa ra khỏi thế kỷ 19 và nay đã thoáng biết thế nào là Trung Quốc giàu mạnh của thế kỷ 21. Họ bất mãn với tất cả và đã có những phản ứng rất lạ: vào trường giết hại học sinh. Có khi vì thất nghiệp, thất tình hay phá sản. Một chiến dịch quái đản.
Hiện tượng ấy được chính Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo đánh giá vào Tháng Tư vừa qua là “phản ảnh những mâu thuẫn trầm trọng”. Mâu thuẫn đó vừa được bộ Chính trị nghiêng mình ngó tới sau một phiên họp hôm 28 Tháng Năm. Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, một cơ chế siêu bộ có chức năng kế hoạch, vừa phát động lại chiến dịch “Tây tiến”, sẽ thực hiện từ đầu Tháng Bảy.
Phát động lại vì 12 năm trước, thế hệ lãnh đạo thứ ba, như Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ, cũng đã thấy vấn đề và hạ quyết tâm đầu tư để phát triển miền Tây mà không kết quả vì chẳng mấy ai muốn tham dự. Bây giờ, thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng phải xăn tay áo thi hành chính sách đặc biệt với quyết tâm và nhiệt tình.
Trong hai năm rưỡi tới đây, Bắc Kinh sẽ khai triển 23 dự án tại các khu vực Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng và Nội Mông, để nâng cao mức sống của 158 triệu dân. Khi phí cho đợt Tây tiến này là gần 700 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 100 tỷ đô la, bằng 2% của Tổng sản lượng toàn quốc. Nghĩa là nhiều lắm. Nhưng kích thước vĩ đại ấy vẫn là chuyện vô vị.
Thứ nhất, việc tăng chi trăm tỷ không là chuyện mới, bằng tiền tươi mà đã được ghi vào ngân sách từ năm ngoái. Thứ hai, ngạch số đầu tư “thêm” như vậy cũng chẳng đáng là bao so với ngân sách thông thường của các địa phương. Nghĩa là kế hoạch “Tây tiến’ chỉ là bức màn khói. Nhu cầu chính trị đòi hỏi vài ba cử chỉ ngoạn mục về miền Tây, thực tế thì cũng chẳng là mới lạ, vĩ đại hay là bước đột phá đáng kể.
Nếu nhìn trên tổng thể như vậy, Trung Quốc không khai thông được ách tắc và vẫn có thể bị động loạn ở địa phương. Chuyện ấy mới là đề tài đáng theo dõi trong mấy tháng tới… [NXN]
source
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét