April 09, 2010
NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có mâu thuẫn về việc Bắc Kinh ấn định hối suất đồng Nhân dân tệ (hay đồng Renminbi, viết tắt là RMB, cũng gọi là đồng Nguyên). Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chuyện này.
Trung Quốc giàng giá đồng Nguyên vào đồng Mỹ kim theo một hối suất mà Hoa Kỳ cho là quá thấp, để có thể xuất cảng hàng hóa dịch vụ vào Mỹ với giá rẻ; và ngược lại, hàng Mỹ bán qua Trung Quốc lại trở thành đắt hơn. Theo quan điểm của Mỹ, đấy là một sự cạnh tranh bất chính và nếu chứng minh được rằng Bắc Kinh cố tình can thiệp vào thị trường hối đoái theo lối “thao túng hối suất” – currency manipulation – thì Hoa Kỳ có thể kiện hoặc ban hành biện pháp trả đũa. Chẳng hạn như định ra một thuế biểu phụ trội để hàng xuất cảng của Trung Quốc vào Mỹ sẽ thành đắt hơn. Đắt hơn bao nhiêu thì còn tùy cách tính.
Tiền 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được trưng bày. Ng Han Guan/AP Photo.
Ngày xưa, dưới thời Chính quyền George W. Bush, vấn đề đã được đặt ra và Quốc hội Mỹ đòi dựng hàng rào ngăn hàng Trung Quốc với thuế biểu nhập nội đồng loạt tăng 27,5%. Khi ấy, Bắc Kinh đã nhượng bộ và điều chỉnh hối suất đồng Nguyên một cách tiệm tiến. Nghĩa là không giữ hối suất cố định mà thả nổi từng bậc: từ tháng Bảy năm 2005 đến tháng Bảy năm 2008 thì nâng hối suất chừng 20%. Nhưng sau đó, khi kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ cuối năm 2007 rồi hệ thống tài chánh Mỹ bị khủng hoảng từ tháng Chín năm 2008 và gây ra nạn suy thoái toàn cầu, Bắc Kinh lại trở lại chế độ hối suất cố định và tính tỷ giá đồng Nguyên căn cứ trên một “giỏ” có nhiều ngoại tệ nhưng tiền Mỹ là chính.
Vì Mỹ kim sụt giá và đồng Nguyên giảm giá theo, hàng hoá Trung Quốc lại trở thành rẻ hơn.
Lý do từ phía Bắc Kinh là Trung Quốc cần đẩy mạnh xuất cảng để kéo kinh tế ra khỏi nạn suy trầm đang lan rộng khắp nơi. Phía Hoa Kỳ thì phản ứng mạnh vì kinh tế chưa khởi sắc, Mỹ bị nhập siêu nặng, lại càng cần xuất cảng để giảm bớt khiếm hụt ngoại thương và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Việc Bắc Kinh định giá đồng Nguyên quá thấp vì vậy mới thành vấn đề. Mà cũng là vấn đề cho các quốc gia đang cần xuất cảng nhiều hơn – như Nhật Bản và Âu Châu – vì phải vượt qua hàng rào cạnh tranh bất chính bằng đồng Nguyên quá rẻ.
Vấn đề kinh tế của toàn cầu là Trung Quốc phải điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế để tiêu thụ nhiều hơn, nhập cảng nhiều hơn thay vì cứ thắt lưng buộc bụng người dân để xuất cảng hàng hóa và đạt nhập siêu cao, có lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn. Ngược lại, Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hoá phải tiêu thụ ít đi, tiết kiệm nhiều hơn và đẩy mạnh xuất cảng để ra khỏi tình trạng nợ nần quá lớn. Cả hai phía đều phải điều chỉnh, nhưng bao giờ thì thi hành, tới mức độ nào và có phối hợp ra sao là loại vấn đề ngoại giao và chính trị.
Vấn đề chính trị là Hoa Kỳ sắp có bầu cử. Trước kỳ bầu cử tháng 11 này, Quốc hội Mỹ và Tổng thống Barack Obama cần chứng tỏ với cử tri là họ quan tâm đến quyền lợi và việc làm của người dân. Ngày 11 tháng trước, ông Obama công bố kế hoạch khuếch trương xuất cảng để nâng mức xuất cảng gấp đôi và tạo thêm hai triệu việc làm trong năm năm tới nhờ xuất cảng. Các Dân biểu và Nghị sĩ cũng đã nạp dự luật đòi trừng phạt Trung Quốc và yêu cầu Bộ Ngân Khố phải chính thức trả lời trong phúc trình định kỳ sẽ công bố ngày 15 tháng này, rằng Bắc Kinh có thao túng hối suất hay không.
Đầu năm ngoái, khi điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn làm Tổng trưởng Ngân khố, ông Timothey Geithner đã mạnh miệng xác nhận rằng Trung Quốc có thao túng hối suất – một lời cáo buộc rất nặng vì có ảnh hưởng tới luật pháp và dẫn tới quyết định trừng phạt về ngoại thương. Sau đó, ông Geither nín thinh và tìm cách luồn lách để khỏi đưa ra kết luận nặng nề như vậy. Bây giờ, Quốc hội Mỹ đòi ông phải trả lời trong một bản phúc trình chính thức.
Thế rồi, hôm mùng ba vừa qua, Tổng trưởng Geithner thông báo là bộ Ngân khố tạm hoãn công bố phúc trình “vì đôi bên sẽ có hàng loạt những phiên họp rất quan trọng ở cấp cao trong vòng ba tháng tới nhằm xây dựng một cơ chế kinh tế toàn cầu vững mạnh, quân bình và bền vững hơn”. Sau đó, ngày Thứ Tư mùng bảy, bộ Ngân khố bất ngờ loan báo tiếp là Tổng trưởng Geithner sẽ hội với Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn tại Bắc Kinh. Dù là phiên họp kín với nghị trình không được thông báo, ai cũng biết rằng đôi bên sẽ nói chuyện về đồng Nhân dân tệ: “nếu quý quốc không điều chỉnh hối suất, Quốc hội chúng tôi ở nhà sẽ có phản ứng mạnh mà thiểm bộ không thể ngăn được đâu!”
Nhưng một chuyến Hoa du của ông Geithner chưa chắc đã giải quyết được vấn đề và ta nhớ lại lời tuyên bố của ông về những “phiên họp rất quan trọng trong vòng ba tháng tới”... Đấy là lúc phải ngó vào tờ lịch.
Thí dụ, như qua tuần tới, tại Thượng đỉnh về An ninh Chiến lược ở thủ đô Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13, ông Obama sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và vấn đề hối suất đồng Nguyên trong quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa cũng được đề cập. Sau đấy, cuối tháng Năm sẽ có kỳ họp bán niên – một năm hai lần – về Quan hệ Chiến lược và Kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, là khi mà đôi bên sẽ cùng nêu vấn đề. (Kỳ họp này nằm trong khuôn khổ đối thoại của diễn đàn “U.S.-China Strategic and Economic Dialogue” mà Chính quyền Bush đã thành lập trước đây). Cuối tháng Sáu lại còn có Thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Toronto để lãnh tụ hai chục quốc gia giàu mạnh nhất nói chuyện về tái quân bình cơ cấu kinh tế toàn cầu và việc điều chỉnh đồng Nguyên tất nhiên sẽ lại được nêu ra….
Nhìn từ quan điểm quyền lợi tương đồng và xung khắc, Bắc Kinh biết là mình phải điều chỉnh hối suất vì nhiều lý do. Thứ nhất là cho người dân được hưởng nhiều lợi ích hơn từ việc xuất cảng. Thứ nhì là cho thị trường nội địa có sức kéo cao hơn thay vì cứ lệ thuộc vào đầu máy xuất cảng ngày nay sẽ còn èo uột vì các thị trường xuất cảng lớn nhất của họ – Mỹ, Nhật, Âu – đều co cụm với tốc độ tăng trưởng rất thấp. Thứ ba, việc điều chỉnh ấy cũng nằm trong chiều hướng tái phân lợi tức cho công bằng và đồng đều hơn mà thế hệ lãnh đạo thứ tư của những người như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Uý Kiện Hành đã muốn theo đuổi từ năm 2003 nhưng chưa có kết quả.
Nhìn về dài thì với tư thế một cường quốc kinh tế và lại muốn can thiệp vào thiên hạ sự trên thế mạnh hầu giảm bớt ảnh hưởng quá lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng muốn đồng Nhân dân tệ phải trở thành một loại ngoại tệ dự trữ, một phương tiện giao hoán phổ biến trân toàn cầu. Muốn như vậy, họ phải thả nổi đồng bạc để quy luật cung cầu của thị trường sẽ quyết định về tỷ giá.
Tuy nhiên, ngay trong lúc này mà Trung Quốc thả nổi thì cũng như tự sát vì cơ chế kinh tế còn quá thô sơ lạc hậu!
Dù biết là phải điều chỉnh, Bắc Kinh chưa thể thả nổi, hoặc nâng hối suất quá mạnh vì sẽ gây nhiều biến động làm cho động loạn xã hội đang manh nha sẽ có cơ bùng nổ. Lãnh đạo của họ lại chỉ còn gần hai năm cầm quyền trước khi chuyển giao cho thế hệ nối tiếp – của những người như Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường – trong Đại hội đảng vào năm 2012. Họ không thể bàn giao một di sản có quá nhiều bất trắc như vậy. Huống hồ, ngay trong nội bộ, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng phải dung hoà quan điểm với phe bảo thủ và chứng tỏ rằng… ta không sợ Mỹ.
Nghĩa là không phải vì Hoa Kỳ gây sức ép mà mình đã vội chiều theo!
Trong khi ấy, Chính quyền Obama cũng ở vào thế đu dây trước khi có bầu cử giữa nhiệm kỳ và ngày hai tháng 11 tới, và trước khi ông Obama ra tái tranh cử vào năm 2012. Vì vậy, phải gây sức ép vừa đủ để giải tỏa áp lực bên trong, nhưng lại không làm quá và nhất là không nói nặng, để vì thể diện của Thiên triều mà Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc điều chỉnh hối suất.
Nhìn từ Trung Quốc thì lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ có ác ý hay gian ý khi mở ra một chiến dịch đầy tính chất thù nghịch: Sau khi kiện cáo Trung Quốc về chuyện vỏ xe rẻ tiền nhập cảng vào Mỹ, Chính quyền Obama lại bán võ khí cho Đài Loan, rồi ông Obama gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, trong khi gây sức ép về việc Trung Quốc phải cùng quốc tế trừng phạt Iran, lại còn xé ra to chuyện hãng Google triệt thoái khỏi Hoa Lục… Chính là ấn tượng ấy mới khiến Bắc Kinh cố tình cưỡng chống mặc dù giới chuyên gia của họ đều hiểu và ra khuyến cáo là nên nâng hối suất một cách tiệm tiến như đã làm từ hồi tháng Bảy năm 2005…
Nhìn trên toàn cảnh, ta thấy Bắc Kinh muốn gây ra ấn tượng là Trung Quốc có chủ quyền, sẽ tự ý giải quyết các bài toán của mình khi cần thiết, chứ không do áp lực của bất cứ ai. Nhất là khi ta đang là chủ nợ của Mỹ.
“Người mặc cảm thường hay xuất hư chiêu!” Vì vậy mà trong những tháng tới, Bắc Kinh có thể điều chỉnh rất nhẹ, chừng 2-3%, và nghe ngóng tiếp cho tới mùa Thu thì nhích thêm một bước nhỏ – trước khi dân Mỹ đi bầu – để trong toàn năm thì nâng hốt suất được chừng 5%. Ra cái điều là ta chủ động chứ không bị động!
Nhưng, điều ấy chưa đủ thoả mãn đảng Dân Chủ dưới sức ép của các nghiệp đoàn và xu hướng bảo hộ mậu dịch và còn đẩy Chính quyền Obama vào thế kẹt. Ông Obama sẽ thấy Quốc hội Dân Chủ ưu tiên lo cho việc tái tranh cử vào cuối năm nay hơn là ủng hộ quan điểm lập trường của Tổng thống. Chính quyền của ông sẽ có mấy cuộc họp trong vòng ba tháng tới để thuyết phục Bắc Kinh là nên lùi sâu hơn nữa.
Đấy là bối cảnh chung để ta cùng theo dõi chuyện này trong mấy tháng tới. [NXN]
source
Viet Tribune Online