Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Người giàu TQ di cư sang phương Tây


Cập nhật: 15:52 GMT - thứ bảy, 31 tháng 7, 2010

Người giàu TQ di cư sang phương Tây

TQ

Một mẫu xe hơi mới nhắm vào tầng lớp có thu nhập trung cao ở đô thị Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều người giàu ở Trung Quốc nộp đơn xin cơ chế thường trú nhân ở các nước phương Tây trong khuôn khổ các chương trình cho phép các nhà đầu tư với tài lực kinh tế cao được "mua" quyền công dân.

Con số các nhà đầu tư Trung Quốc được cấp quy chế thường trú tại Canada đã tăng gấp đôi trong hai năm.

Ottawa hiện dừng tất cả các đơn gửi tới chương trình nhập cư liên bang dành cho nhà đầu tư trong khi đang tham vấn các kế hoạch tăng gấp đôi mức tài chính cần thiết để có được một thị thực.

Tuy nhiên, người nộp đơn vẫn được phép đệ đơn cho một chương trình cùng loại ở tỉnh Quebec.

Và tại các cuộc hội thảo do công ty tư vấn xin thị thực tại Trung Quốc, các chuyên gia tư vấn đang tiếp tục khuyến khích mọi người nạp đơn cho chương trình này trước khi Quebec cũng tăng gấp đôi yêu cầu tối thiểu của tỉnh cho phù hợp với các đề xuất của chính phủ liên bang.

Tiền mặt và kinh nghiệm

TQ

Ông Vincent Chen cho biết độ tuổi di cư trung bình là từ 40-45, đang có chiều hướng trẻ hơn nữa.

Vào một chiều mưa thứ Bảy, trong một phòng họp tại một khách sạn năm sao ở Thượng Hải, hơn 30 "nhà đầu tư" di dân tiềm năng đến để nghe xem làm thế nào họ có thể 'đổi tiền mặt' để lấy được một hộ chiếu nước ngoài.

Nhiều người đang trong độ tuổi 30. Có nhiều cặp vợ chồng trẻ. Phần lớn là những người làm ăn chuyên nghiệp. Một số trong đó mặc quần áo rất sang trọng. Họ có vẻ là đại diện của tầng lớp trung lưu lắm tiền nhiều của ở Thượng Hải.

Họ được cho xem một đoạn video mà công ty làm visa thực hiện để quảng bá cho việc nhập cư vào Canada cũng như cho dịch vụ xin cấp thị thực của nước này.

"Bạn không phải lo lắng về việc hội nhập," lời bình trong video nói. "Bạn thậm chí không cần phải nói được tiếng Anh."

Sau đó, các nhà tư vấn đi vào các chi tiết.

Quy định của Quebec yêu cầu các ứng viên chứng tỏ họ có một tài lực thực sự ở mức 800.000 dollar Canada (hay 776.000USD hoặc 502.000 bảng) và họ phải bỏ ra khoản đầu tư tới 400.000 dollar Canada.

Họ cũng cần chứng minh đã có hai năm kinh nghiệm trong quản lý.

Yêu cầu khác nhau

TQ

TQ vừa là quốc gia phát triển ở mặt này, nhưng lại là đang phát triển ở mặt khác.


Mức quy định này rẻ hơn đáng kể, như họ chỉ ra, so với yêu cầu ở Anh, là nơi người ta yêu cầu các nhà đầu tư phải bỏ ra 1 triệu bảng Anh (1,5 triệu USD) trong 5 năm.

Có những mặt ưu điểm và nhược điểm của từng quy định ở mỗi quốc gia.

Nộp và xét đơn vào Canada phải mất khoảng hai năm rưỡi, nhưng các yêu cầu tài chính là thấp nhất trên thế giới.

Hoa Kỳ đòi hỏi ứng viên phải đầu tư lên đến 1 triệu USD trong một doanh nghiệp tạo ra ít nhất 10 việc làm mới. Thời gian từ khi nộp đơn mất một năm rưỡi.

Thủ tục xét đơn của Anh là nhanh nhất. Nó có thể được hoàn thành chỉ trong ba tháng, vẫn theo các chuyên gia tư vấn tại hội thảo về thị thực, và không có phỏng vấn.

Nhưng Anh là nước yêu cầu tốn kém nhất.

"Thông thường, người nộp đơn là chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc nhà quản lý cao cấp", theo giải thích của Vincent Chen, chuyên gia tư vấn cao cấp cho công ty Visa Consulting Group.

"Độ tuổi trung bình là 40-45, nhưng người nộp đơn ngày càng trẻ hơn."

Dễ dàng đạt được

Canada

Canada đang điều chỉnh chính sách nhập cư với người có nhiều tiền từ TQ theo hướng chặt chẽ hơn.


Canada không thay đổi các yêu cầu của chương trình "nhập cư để đầu tư" từ năm 1991.

"Lúc đó, 800.000 dollar Canada là một số tiền rất lớn," ông Chen nói.

"Nhưng bây giờ, với sự tăng giá bất động sản ở các thành phố như Thượng Hải, người ta không nghĩ rằng mức đó quá khó để đạt được.

"Đó là lý do vì sao bạn thấy con số những người được cấp cơ chế thường trú nhân tăng gấp đôi."

Các yếu tố khác cũng có vai trò ở đây.

Và có một xu thế là nhiều người đến hội thảo là những người đã có bạn bè di cư xong.

Lý do di cư

Mỹ

Cuộc sống ở các đô thị phát triển phương Tây có sức hút với một số người giàu TQ

David Lu, 38 tuổi, nhà quản trị tại một công ty viễn thông, đến hội thảo để tìm hiểu thêm về cách nộp đơn để di cư tới Canada.

Vào cuối hội thảo, ông lập tức hăm hở điền đơn.

Ông Lu có các lý do tích cực để di cư. Một số thân nhân của ông hiện sinh sống ở Canada. Và trong những kỳ nghỉ tại đó, ông đã thích thú khi được hưởng thụ cuộc sống với các mức độ ô nhiễm thấp hơn.

Ngoài ra, ông còn nói người Canada "thoải mái hơn rất nhiều" so với Trung Quốc.

Mặc dầu vậy, có nhiều lý do khác lý giải tại sao ông muốn rời khỏi Trung Quốc.

"Mọi người [ở đây] ghét anh nếu anh có tiền, và người giàu hay bắt nạt người nghèo," ông nói.

"Một vấn đề khác đối với tôi là chăm sóc y tế, sức khỏe," ông Lu nói thêm.

"Tôi không nghĩ bất cứ ai quan tâm tới việc di cư ra nước ngoài phải lo lắng về chi phí. Chúng tôi muốn có được chất lượng chăm sóc y tế tốt hơn của họ."

Chảy máu chất xám

TQ

Người di cư TQ muốn sang phương Tây còn do nghĩ tới tương lai của con cháu họ.


Fabio Xu, 30 tuổi, đang điều hành một công ty sơn ở Thượng Hải.

Ông nói ông muốn tới Mỹ định cư "vì chăm sóc y tế ở đó tốt hơn, và cơ hội học hành ở đó cũng tốt hơn cho con tôi".

"Ở Trung Quốc, tất cả tiền bạc của tôi đều đổ vào tiền nhà, chi phí cho thực phẩm, quần áo và đi lại", ông nói, "nhưng ở Hoa Kỳ nhìn chung có nhiều tự do hơn. Tôi có thể phát triển bản thân một cách sáng tạo hơn và thu được nhiều điều có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của tôi."

Một số học giả Trung Quốc lo lắng rằng Trung Quốc đang mất dần các công dân ưu tú của mình cũng như những khoản tiền khổng lồ.

Năm ngoái, 1.823 nhà đầu tư đã được cấp quyền công dân tại Canada theo chương trình nhập cư dành cho nhà đầu tư.

Ngay cả khi họ chỉ đầu tư với mức vốn tối thiểu theo yêu cầu, cũng có nghĩa là gần 700 triệu USD đã được đưa ra khỏi đất nước.

"Trung Quốc đang mất dần nhân tài thực sự mà nó cần", tiến sĩ Wang Huiyao,Tổng giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá nói.

"Trong lúc Trung Quốc đang cố gắng phát triển nền kinh tế và thay đổi từ 'made in China' (sản xuất tại Trung Quốc) sang 'sáng tạo tại Trung Quốc', cần có những con người này để xây dựng đất nước."

Liên lạc với Trung Quốc

Nhập cư

Nhiều người TQ muốn có hộ chiếu nước ngoài là để đi lại quốc tế dễ dàng hơn

Tiến sĩ Wang tin rằng nhiều người muốn có một hộ chiếu nước ngoài vì rất khó đi lại tự do trên khắp thế giới bằng các giấy tờ, hộ chiếu của Trung Quốc.

Thật vậy, một phụ nữ tại hội thảo chỉ muốn biết làm thế nào cô có thể nhanh chóng nhận được hộ chiếu Canada, để cô có thể sớm trở về nhà ở Trung Quốc.

Đối với cô, có vẻ động cơ không phải là để có được một ngôi nhà mới ở nước ngoài, mà là để có được một hộ chiếu làm cho cuộc sống thuận tiện hơn.

Một nhà ngoại giao phương Tây tại Thượng Hải đưa ra lời giải thích về xu hướng gia tăng của việc nhiều người xin thị thực theo dạng này.

Ông nói Internet ngày nay có nghĩa là bạn có thể sống ở nước ngoài, nhưng không bao giờ rời khỏi Trung Quốc.

"Bạn có thể thức dậy vào buổi sáng và đọc tin của tờ Nhân dân Nhật báo hàng ngày trong bữa ăn sáng. Bạn cũng có thể giao dịch cổ phiếu của bạn trên thị trường chứng khoán Thượng Hải bằng một cú nhấp chuột", ông nói.

"Bạn cũng có thể trò chuyện cả ngày với người thân miễn phí trên Skype, hoặc điều hành việc kinh doanh của bạn từ xa."

Lập luận của ông là việc di cư nay không nhất thiết gây ra những đau buồn như đã từng xảy ra đối với mọi người.

Nhu cầu hòa nhập người nhập cư tại đất nước tiếp nhận họ vì những lý do cơ bản giờ không còn cao như trước đây - mà điều này lại đang đặt ra những thách thức cho chính các xã hội phương Tây tiếp nhận họ.

source

BBC Vietnamese

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Trung Quốc Bần Thần Tây Tiến


July 16, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA-Việt Tribune

Tiến thoái lưỡng nan vì đạp ga hay đạp thắng?

Vừa phát động màn quảng cáo huê dạng nhất – Ngân hàng Nông nghiệp (ABC) lần đầu tiên phát hành cổ phiếu cho công chúng (IPO theo thuật ngữ tài chánh) trên các thị trường Thượng Hải và Hương Cảng để quơ vào tới 22 tỷ đô la, lãnh đạo Bắc Kinh bỗng thấy bần thần. Nên kích cầu hay hạ nhiệt? Nên đạp thắng hay tống ga? Và con đường Tây tiến sẽ dẫn tới đâu?

Truyền thông mù lòa và các nhà bình luận đầy cảm tính (...) thì coi việc ngân hàng thứ tư trong bốn đại gia Hoa lục chơi trò văn minh là huy động vốn trên thị trường chứng khoán là dấu hiệu trưởng thành của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chen chân vào hội lạc: trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới ngày nay có bốn ngân hàng Trung Quốc. Số một toàn cầu là Công thương Ngân hàng ICBC. Năm 2006, ICBC phất tay mà lấy được 21 tỷ đô la. Bây giờ, Ngân hàng ABC èo uột nhất trong bốn đại gia lại có thể vượt kỷ lục đó, ai mà không sợ?

Thực tế thì lãnh đạo Bắc Kinh đang ở vào một khúc quanh hiểm nghèo. Bài viết này sẽ nói về chuyện đó.

Tất cả các nền kinh tế vừa chuyển hướng theo quy luật thị trường để kỹ nghệ hoá đều đã đạt tốc độ tăng trưởng rất cao trong những thập niên đầu tiên. Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn hay các nước Đông Nam Á đều đã từng trải qua giai đoạn khởi phát vũ bão ấy, và tạo ra cái mà người ta gọi là “phép lạ Đông Á”. Bây giờ, đến lượt Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam…

Nhưng khác với các nước đi trước, cùng có chung một mẫu số là vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng dân chủ, Trung Quốc lại có tham vọng “xây dựng (...)” – là duy trì chế độ (...) – nhưng với màu sắc Trung Hoa, theo kiểu tự do có chọn lọc. Một màu sắc Trung Hoa khác còn là những khác biệt quá lớn giữa các địa phương, giữa các tỉnh duyên hải ở miền Đông và một khu vực bát ngát lạc hậu ở miền Tây. Vì vậy, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao, những với phẩm chất kém về môi sinh và xã hội: hủy hoại môi trường sinh sống và đào sâu bất công xã hội.

Ngân hàng Nông Nghiệp ACB tại Bắc Kinh, Trung Quốc. FREDERIC J. BROWN/AFP/Getty Images


Nguy hiểm nhất là dị biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa khu vực miền Đông với các tỉnh bị khoá trong lục địa ở miền Tây. Hiện tượng ấy ngày càng trở thành trầm trọng vì người dân nghèo khổ phải Đông tiến, trở thành “dân công”, là mò ra tỉnh và đi về vùng duyên hải kiếm việc. Họ ý thức được về sự nghèo khốn của mình khi nhìn thấy những thành tựu “ấn tượng” ở miền Đông.

Nếu kinh tế còn tăng trưởng thì họ còn có việc làm – dù chửa có hộ khẩu – để gửi tiền về nhà cho gia đình. Khi kinh tế bị suy trầm, họ mất việc và phải hồi hương, gia đình bị đói ở nhà sẽ phải nuôi thêm một miệng ăn nữa. Vụ tổng suy trầm 2008-2009 gây chấn động cho lãnh đạo Bắc Kinh vì cả trăm triệu “dân công” bị nguy cơ mất việc như vậy. Hiện tượng động loạn xã hội manh nha từ những năm 2003-2005 có thể lan rộng.

Vì thế, ngay từ tháng 11 năm 2008, Bắc Kinh ráo riết ban hành kế hoạch kích thích kinh tế: bơm 600 tỷ đô la qua tăng chi ngân sách và 1.400 tỷ qua tín dụng ngân hàng vào một nền kinh tế có sản lượng chừng 5.000 ngàn tỷ. Một ngân khoản vĩ đại, và tất nhiên là có công hiệu. Kinh tế Trung Quốc bị đình trệ rất nhẹ rồi lại đạt mức tăng trưởng rất cao, có lúc vượt quá 10%.

Nhưng một hiệu ứng bất ngờ của việc bơm tiền cứu nguy kinh tế là bơm lên trái bóng đầu cơ trong khu vực địa ốc. Còn vĩ đại hơn trái bóng gia cư của Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu.

Bây giờ, lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu thấy bần thần.

Nhìn về dài, trong dăm ba năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể đạt tốc độ tăng trưởng rồng cọp như xưa – hiện tượng bình thường sau giai đoạn cất cách ngoạn mục. Chưa kể đến một yếu tố cũng bình thường khác là đà gia tăng dân số đang giảm dần vì chánh sách mỗi hộ một con. Trong trường kỳ, chuyện tăng trưởng 9-10% sẽ là kỷ niệm.

Ngay trước mắt, đà tăng trưởng còn đang bị nguy cơ co cụm vì một đầu máy cố hữu là xuất cảng không thể chạy như xưa: các thị trường nhập cảng lớn nhất là Hoa Kỳ và Âu Châu bị suy trầm, dân chúng Âu-Mỹ đang phải thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu thụ và gia tăng tiết kiệm. Không những các thị trường Âu-Mỹ chỉ nhập cảng ít đi, mà còn cố gắng xuất cảng nhiều hơn để nâng sao sản xuất và giảm bớt thất nghiệp. Trong khi ấy, ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy kinh tế toàn cầu đang bị nguy cơ đụng đáy lần nữa.

Bắc Kinh bần thần vì nếu tốc độ tăng trưởng không lên tới mức 8% thì thất nghiệp sẽ thành vấn đề cho đảng và nhà nước. Vì vậy, họ đang ở giữa một cuộc tranh luận mà truyền thông báo chí bắt đầu tiết lộ ra ngoài.

Từ Tháng Tư vừa qua, Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) đã ban hành chánh sách kiểm soát khu vực địa ốc để giảm sức ép của trái bóng đầu cơ. Thí dụ như gia tăng tỷ lệ đặt tiền cọc khi mua nhà, nâng cao lãi suất tín dụng gia cư, giảm tín dụng cho các doanh nghiệp địa ốc và những người mua thêm ngôi nhà thứ hai, thứ ba… Quả nhiên là số nhà bán đã giảm mạnh, tới gần phân nửa so với năm ngoái. tại các thị trường nóng như Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh hay Hàng Châu. Chỉ vì nếu không làm bóng xì thì sẽ gặp nạn bóng bể.

Nhưng, chánh sách kềm hãm đó lại bị cưỡng chống tại nhiều nơi.

Các ngân hàng, từ Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh đến Thâm Quyến vẫn lặng lẽ tài trợ người mua căn nhà thứ ba – cho mục tiêu đầu tư, nghĩa là đầu cơ. Đằng sau các ngân hàng đó lại là chính quyền địa phương. Họ cần tài hóa lưu thông để cư dân có việc làm, ngân sách thu thêm thuế và bản thân đảng viên cán bộ có thêm hoa hồng. Vì vậy chỉ thị của trung ương không thấm xuống dưới, phép vua vẫn thua lệ làng. Mâu thẫn ấy còn được thấy giữa chỉ thị của bộ Gia cư và sự phe lờ của Hội đồng Thanh tra Ngân hàng.

Vấn đề không chỉ có vậy. Trung Quốc vẫn còn các đại gia đầy quyền thế là doanh nghiệp nhà nước. Trên nguyên tắc, các doanh nghiệp này nằm trong phạm vi quản lý và cải cách của một cơ chế đầy quyền thế làHội đồng Than trah và Quản lý Tài sản Nhà nước. Trong thực tế, các tổng công ty nhà nước vẫn hùng cứ một phương, cứ thấy có lời là nhảy vào thị trường kinh doanh khác, kể cả thị trường bất động sản (Vina(...) đang ngáp ngáp của V(...) chẳng có gì là sáng tạo!)

Và chính là doanh nghiệp nhà nước, được ngân hàng cũng của nhà nước tài trợ với tín dụng nhẹ lãi đã góp phần thổi lên trái bóng địa ốc. Họ trở nên đại gia địa ốc và làm chủ nhiều khoanh đất bát ngát – tài sản đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, Hội đồng Quản lý Tài sản Nhà nước (viết tắt theo Anh ngữ là SASAC) phải ra chỉ thị điều hướng cách kinh doanh chệch hướng của công ty quốc doanh: 78 cơ sở đã bị yêu cầu rút khỏi thị trường địa ốc để trở về mục tiêu kinh doanh pháp định ban đầu. Kết quả? Vô phương! Không những vậy, Hội đồng SASAC này còn bọc xuôi theo thực tế và nhắm mắt bỏ qua, trước sự bất lực của Quốc vụ viện và chính quyền trung ương.

Lãnh đạo Bắc Kinh càng bần thần vì sự cưỡng chống của các ngân hàng, chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng vẫn có những lý luận “phải đạo”, có cơ sở: khu vực địa ốc gia tăng số cầu về nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng, tạo việc làm cho khu vực xây dựng và đem tiền về cho ngân sách địa phương đang phải tăng chi để kích thích kinh tế. Nhưng, chuyện “phải đạo” ấy lại đụng vào chuyện “phải gió” cũng rất có cơ sở: gây nguy cơ lạm phát vì giá nhà gia tăng và nguy cơ tài chánh vì ngân hàng có thể mất vốn trong trò chơi đầu cơ này.

Và trên cùng là sự vô đạo của (...) với màu sắc Trung Hoa. Trong khi một thiểu số có chức có quyền thì thành đại gia, tỷ phú, là “địa ốc chi vương” với đất đai là của toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý và ngân hàng thống nhất tài trợ với lãi suất ưu đãi thì đa số dân chúng còn lại vẫn chưa có nhà, dù là loại nhà bình dân rẻ tiền. Ở các khu vực lạc hậu trong lục địa, tại miền Tây, thôn dân vẫn chưa ra khỏi thế kỷ 19 và nay đã thoáng biết thế nào là Trung Quốc giàu mạnh của thế kỷ 21. Họ bất mãn với tất cả và đã có những phản ứng rất lạ: vào trường giết hại học sinh. Có khi vì thất nghiệp, thất tình hay phá sản. Một chiến dịch quái đản.

Hiện tượng ấy được chính Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo đánh giá vào Tháng Tư vừa qua là “phản ảnh những mâu thuẫn trầm trọng”. Mâu thuẫn đó vừa được bộ Chính trị nghiêng mình ngó tới sau một phiên họp hôm 28 Tháng Năm. Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, một cơ chế siêu bộ có chức năng kế hoạch, vừa phát động lại chiến dịch “Tây tiến”, sẽ thực hiện từ đầu Tháng Bảy.

Phát động lại vì 12 năm trước, thế hệ lãnh đạo thứ ba, như Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ, cũng đã thấy vấn đề và hạ quyết tâm đầu tư để phát triển miền Tây mà không kết quả vì chẳng mấy ai muốn tham dự. Bây giờ, thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng phải xăn tay áo thi hành chính sách đặc biệt với quyết tâm và nhiệt tình.

Trong hai năm rưỡi tới đây, Bắc Kinh sẽ khai triển 23 dự án tại các khu vực Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng và Nội Mông, để nâng cao mức sống của 158 triệu dân. Khi phí cho đợt Tây tiến này là gần 700 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 100 tỷ đô la, bằng 2% của Tổng sản lượng toàn quốc. Nghĩa là nhiều lắm. Nhưng kích thước vĩ đại ấy vẫn là chuyện vô vị.

Thứ nhất, việc tăng chi trăm tỷ không là chuyện mới, bằng tiền tươi mà đã được ghi vào ngân sách từ năm ngoái. Thứ hai, ngạch số đầu tư “thêm” như vậy cũng chẳng đáng là bao so với ngân sách thông thường của các địa phương. Nghĩa là kế hoạch “Tây tiến’ chỉ là bức màn khói. Nhu cầu chính trị đòi hỏi vài ba cử chỉ ngoạn mục về miền Tây, thực tế thì cũng chẳng là mới lạ, vĩ đại hay là bước đột phá đáng kể.

Nếu nhìn trên tổng thể như vậy, Trung Quốc không khai thông được ách tắc và vẫn có thể bị động loạn ở địa phương. Chuyện ấy mới là đề tài đáng theo dõi trong mấy tháng tới… [NXN]

source

Việt Tribune

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Kinh Tế Trung Quốc: Tăng Trưởng Như Gió Chướng


May 14, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Giữa tình hình èo uột của kinh tế thế giới và vụ khủng hoảng tại Âu Châu, kinh tế Trung Quốc đang lừng lững đi lên. Và lao vào bão tố. Điều ấy mới giải thích vì sao mà thị trường chứng khoán xứ này mới đổ dốc liên tục từ đầu năm nay.
Khi lãnh đạo Âu Châu cùng các định chế tài chánh quốc tế công bố chương trình cấp cứu trị giá tới gần một ngàn tỷ Mỹ kim thì, ngày 11 tháng Năm, Trung Quốc loan báo các thống kê kinh tế của tháng Tư. Kỹ thuật thống kê của họ là đối chiếu tình hình tháng Tư năm nay với tháng Tư năm ngoái, và so với cùng kỳ năm ngoái thì sản lượng có gia tăng, cùng với đà xuất cảng, sản xuất công nghiệp, bán lẻ. Nói chung là tình hình rất khả quan nếu so với tình trạng suy trầm của đầu năm ngoái.

Thượng Hải đang tiếp tục xây dựng chuẩn bị cho Expo 2010. Feng Li/Getty Imaegs

Nhưng nếu chịu khó theo dõi, người ta có thể thấy ra một mâu thuẫn nhỏ trong một vấn đề lớn. Suốt tháng Tư, và sau khi công bố kết quả tăng trưởng tới gần 12% vào tháng Ba (so với tháng Ba năm ngoái), lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh liên tục thông báo các biện pháp hạ nhiệt bộ máy sản xuất để ngăn ngừa vật giá leo thang và tránh nguy cơ bể bóng đầu tư. Những biện pháp ấy chưa công hiệu và việc vừa nhấn ga vừa đạp thắng sẽ còn tiếp tục. Với kết quả thế nào thì chưa ai rõ. Đầu tiên, mối lo xương tủy của lãnh đạo Trung Quốc chính là nạn lạm phát. Lạm phát đã góp phần đánh gục đạo quân của Tưởng Giới Thạch năm xưa, đã gây ra biến động Thiên an môn năm 1989 khiến chế độ rung chuyển và mấy ngàn người bị tàn sát. Những chuyện này, các đấng con trời đỏ thỉ không quên được. Tháng Tư vừa rồi, chỉ số hàng tiêu thụ tăng 2,8% so với đà gia tăng tháng trước là 2,4%. Con số trừu tượng này chỉ có ý nghĩa khi ta biết lãi suất ký thác ngân hàng cho loại một năm là 2,25%. Nghĩa là dân chúng nên tiêu xài hơn là nên gửi tiết kiệm ngân hàng. Mà phản ứng tiêu xài ấy sẽ lại làm vật giá gia tăng. Nếu lại xét vào kỹ thuật chiết tính đà gia tăng vật giá, người ta còn nhìn ra chuyện khác. Trên bề mặt và nếu loại trừ chi tiêu về lương thực thì chỉ số vật giá chỉ tăng có 1%, hoàn toàn không đáng ngại vì thấp hơn nhiều nền kinh tế khác. Nhưng, riêng phần chi tiêu về lương thực và gia cư – ăn và ở, chuyện nhu yếu của đại đa số – thì thực phẩm tăng giá gần 6% và nhà ở tăng gần 13%. Đấy mới là đáng lo vì trong Tháng Tư, Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ) xứ này đã ráo riết ban bố các biện pháp kiểm soát giá cả trên thị trường gia cư địa ốc: những biện pháp ấy chưa công hiệu. Nghĩa là thị trường chờ đợi nhiều biện pháp còn triệt để hơn nữa trước khi kết luận về khả năng xoay trở của chính quyền. Khi kinh tế thế giới bị suy trầm từ năm 2008, Trung Quốc lập tức ban bố kế hoạch kích thích gồm có gần 600 tỷ Mỹ kim công chi và một lượng tín dụng ồ ạt chưa từng thấy, khoảng một ngàn 400 tỷ đô la cho một sản lượng quốc gia chừng năm ngàn tỷ. Từ đầu năm nay, xứ này bắt đầu hãm vòi tín dụng, như hạn chế cung cấp tín dụng mới, ba lần nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng và đòi ngân hàng tăng vốn. Kết quả là lượng tín dụng mới có giảm được một phần ba trong bốn tháng đầu năm, chừng 270 tỷ Mỹ kim. Nhưng thật ra vẫn còn là quá cao so với đầu năm ngoái. Sự kiện có vẻ kỹ thuật ấy cho thấy một sự thật chính trị: bộ máy quản lý kinh tế vĩ mô vận hành không đủ linh động và bén nhạy. Và không đạt chỉ tiêu kềm hãm lạm phát. Một điểm son về kinh tế là xuất cảng của Trung Quốc đã tăng được 30% so với Tháng Tư năm ngoái, một đà gia tăng ngoạn mục tương tự như sáu bảy năm trước. Nhờ xuất cảng tăng và nhập cảng có giảm chút ít, Trung Quốc lại đạt xuất siêu trong Tháng Tư sau khi bị nhập siêu vào tháng trước. Yếu tố chính trị đáng chú ý ở đây là mức xuất siêu ấy càng khiến hối suất qua thấp của đồng Nhân dân tệ sẽ lại trở thành vấn đề nhạy cảm trước áp lực của quốc tế. Mà điểm son ấy cũng sẽ sớm lạt phai. Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng mà ba thị trường lớn nhất là Âu Châu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều đang có vấn đề. Khủng hoảng tại Âu Châu vì chuyện Hy Lạp và mâu thuẫn Mỹ-Hoa về mậu dịch sẽ tiếp tục đè nặng trên khả năng xuất cảng của Trung Quốc. Còn lại thì chỉ có đầu tư và tiêu thụ nội địa. Đầu tư của Trung Quốc được khu vực xương sống bơm ra là hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nên sẽ lại bơm lên bong bóng. Nhất là khi vòi tín dụng đang bị hãm. Tiêu thụ của tư nhân thì chưa thể thay thế được đầu máy xuất cảng, và càng khó thay thế nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì hối suất quá thấp của đồng bạc. Tổng kết lại thì người ta thấy ra một số vấn đề chính trị đằng sau các thống kê kinh tế. Lãnh đạo xứ này cần hạ nhiệt bộ máy sản xuất mà cho đến nay chưa thấy có kết quả. Nhưng, nếu hãm đà tăng trưởng quá mạnh, như một chiếc xe đạp bị thắng quá gấp thì xe sẽ đổ. Và không đổ khe khẽ. Trong khi ấy – và đây mới là vấn đề chính – cơ cấu đầy bất trắc của một quốc gia có ba nền kinh tế tại ba khu vực khác nhau đang đòi hỏi những kế hoạch cải tổ rộng lớn hơn. Lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thấy ra vấn đề từ năm 2003 mà chưa cải sửa được. Nạn tổng suy trầm toàn cầu 2008-2009 càng đẩy lui hy vọng cải cách và họ chỉ còn hai năm cầm quyền trước Đại hội kỳ tới của Trung Hoa Cộng sản đảng. Một thời hạn quá ngắn nên không kịp sửa. Sau ba chục năm tăng trưởng ngoạn mục rồi trở thành lệ thuộc vào các thị trường quốc tế, kinh tế của Trung Quốc đã lên tới cực điểm và cần chuyển hướng, nếu không thì sẽ bị khủng hoảng. Hoặc đạt mức tăng trưởng thấp hơn, thất nghiệp cao hơn, nghĩa là cũng bị khủng hoảng… Chính là hoàn cảnh bấp bênh này mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh gia tăng kiểm soát về an ninh, trên mọi mặt. Trung ương cần tập trung quyền lực không chỉ với dân chúng mà với cả các đảng bộ địa phương. Nhìn vào các thống kê, người ta tưởng rằng kinh tế Trung Quốc đang vượt lên như thuyền buồm thuận gió. Sự thật là con thuyền đang trôi vào một vùng bão tố. Hãy chờ xem đại cường đang muốn làm chủ hải dương sẽ xoay trở ra sao với tay lái kinh tế![NXN]
source

Việt Tribune