Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng


Ngày 29.12.2009 Giờ 07:51


SGTT - Nguy cơ lạm phát tăng tốc trở lại và sức ép tỷ giá ngày càng tăng đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khi bước vào năm mới 2010.

Một mặt, họ thừa hiểu, nền kinh tế mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi mong manh như là kết quả của chính sách tín dụng nới lỏng trong suốt gần cả năm qua. Sự phục hồi này chắc chắn sẽ bị thách thức khi chính sách này thay đổi.

Nhưng mặt khác, duy trì chính sách này chắc chắn sẽ làm gia tăng lạm phát, yếu tố từng gây ám ảnh nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong hai năm 2007 – 2008; đảo ngược thành quả tăng trưởng và làm suy giảm thêm mức sống của người dân vốn đã khó khăn.

Đây là bài toán khó. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có vẻ thiên về kiểm soát lạm phát khi đặt mục tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong năm 2010, gần với chỉ tiêu mà quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thường khuyến cáo cho Việt Nam, và là mức thấp trong nhiều năm gần đây.

Vì sao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được khống chế thành công ở mức dưới 7% trong năm 2009, và dự kiến 7% trong năm 2010 như yêu cầu của Quốc hội, mà mối lo lạm phát bùng phát lại gia tăng?

Câu trả lời không khó khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mức tăng trưởng tín dụng đạt tới gần 38% và tổng phương tiện thanh toán gần 29% trong năm nay, mức tương đối cao trong vài năm gần đây.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ thua mức kỷ lục gần 54% của năm 2007.

Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn thừa nhận, hai chỉ số tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán “đang ở mức cao”, ảnh hưởng đến nỗ lực kiểm soát lạm phát kéo dài từ năm nay đến năm sau do độ trễ của tác động chính sách.

Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý, NHNN dường như đã quá “linh hoạt” với chỉ tiêu này.

NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 25% cho cả năm 2009, theo kế hoạch ban đầu, sau đó điều chỉnh lên 30%. Trên thực tế, con số này đã tăng lên gần 29% vào cuối tháng 9, 33% vào tháng 10 và đạt đỉnh gần 38% vào cuối năm nay.

Một báo cáo của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: “Điều đáng quan tâm là tăng trưởng tín dụng đang ở tình trạng quá mức kiểm soát (của NHNN)”.

Nhận định này được củng cố thêm bởi tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều (chỉ gần 29%). Nghĩa là huy động được ít, mà cho vay nhiều làm các ngân hàng thương mại khó cân đối vốn, dẫn đến những áp lực lớn cho nền kinh tế.

Các chuyên gia của CIEM phân tích, tăng trưởng tín dụng ở mức cao gần 38%, trong khi tăng trưởng GDP khoảng 5,2%, có nghĩa là để nền kinh tế tăng trưởng thêm 1 đồng, Việt Nam phải tăng tín dụng hơn 7 đồng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân 3,85 các năm trước và chỉ 1 – 1,3 của các nước trong khu vực.

Những con số so sánh này cho thấy, hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam quá thấp, chi phí vốn quá lớn, gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế.

Một chuyên gia của CIEM nhận xét: “Không biết phải tăng bao nhiêu tiền để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?”

Bên cạnh đó, như là hệ quả của tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng ở tốc độ cao trong nhiều năm qua, đồng tiền Việt Nam đã phải giảm giá so với đôla Mỹ bất chấp xu hướng giảm giá của USD trên thế giới.

Thực tế, lạm phát của Việt Nam trong ba năm 2007 – 2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ chỉ bằng khoảng 20% cùng kỳ, nhưng tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể trong thời gian đó, khiến VND bị định giá cao trong tương quan tỷ giá với USD.NHNN đã điều chỉnh bằng cách tăng tỷ giá của đồng USD lên gần tỷ giá thị trường và thu hẹp biên độ tỷ giá giao dịch ngoại hối từ ±5% xuống ±3% nhằm mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, theo CIEM, việc điều chỉnh tỷ giá cũng đưa đến nhiều rủi ro, đặc biệt là đồng tiền mất giá sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia vốn đã tăng khá cao đến gần mức báo động.

Nếu ở mức tỷ giá 18.000 VND/USD, tổng nợ nước ngoài tính ra VND là 396.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách dự kiến năm 2009 (390.000 tỉ đồng). Nếu tỷ giá tăng lên 20.000 đồng thì con số sẽ là 440.000 tỉ, tăng 44.000 tỉ, bằng 11% số thu ngân sách nhà nước dự kiến năm 2009.

Lâu nay, NHNN luôn tuyên bố điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt”. Theo CIEM, đây là điều khó và phức tạp do họ chưa thể điều hành chính sách một cách độc lập như một ngân hàng trung ương.

Tư Giang

***************

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=61189&fld=HTMG/2009/1227/61189

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Ai đẩy chứng khoán giảm sâu?


Thứ Sáu, 18/12/2009, 08:04 (GMT+7)

Ai đẩy chứng khoán giảm sâu?

TT - Hơn một tháng rưỡi qua, giá chứng khoán đã giảm hơn 30%, giá trị giao dịch chỉ còn 20-25% so với trước.

Diễn biến thị trường chứng khoán từ cuối tháng 10-2009 đến nay
(Đơn vị: điểm)

* Trong khi nhà đầu tư trong nước liên tục bán chứng khoán thì từ đầu tháng 12 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua thêm số chứng khoán trị giá khoảng 560 tỉ đồng. Trước đó, khi chứng khoán bắt đầu điều chỉnh trong tháng 11-2009, khối ngoại cũng đã mua thêm 866 tỉ đồng.

* Vào cuối phiên giao dịch ngày 17-12, cả bốn cổ phiếu ngân hàng đều tăng đã hãm đà giảm của VN-Index. Dù VN-Index vẫn giảm 7,23 điểm (1,64%) còn 434,87 điểm, nhưng nhà đầu tư đã lạc quan hơn. Tại sàn Hà Nội, sau khi rơi về gần 133 điểm, cuối phiên HNX-Index đã tăng 0,69 điểm (0,5%) so với phiên trước, đạt 138,23 điểm.

Có nhiều lý do khiến thị trường giảm điểm, nhưng gần đây nhà đầu tư đã phản ứng trước những tin đồn được cho là xuất phát từ một số công ty chứng khoán.

Theo anh Nguyễn Thanh Phong - nhà đầu tư tại sàn chứng khoán ACBS, nhiều nhà đầu tư hoang mang trước hàng loạt tin đồn tiêu cực. Đầu tiên là tin đồn một số công ty chứng khoán bắt tay nhau “đánh” một công ty khác rồi bị “trả đũa” khiến thị trường lâm vào cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Rồi tin đồn siết tiền tệ, sau khi Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tin đồn phát hành tín phiếu bắt buộc và tăng dự trữ bắt buộc, hiện lại đang râm ran tin đồn sẽ tăng thêm lãi suất cơ bản...

Chưa hết, các công ty chứng khoán còn đưa ra những bình luận theo kiểu “hăm dọa” nhà đầu tư. Trong các báo cáo phân tích, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định khá bi quan khi cho rằng thị trường vẫn đang “trong giai đoạn điều chỉnh trung hạn”, đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư “nên tiếp tục chờ đợi” hoặc “hết sức thận trọng”... Ai đủ can đảm mua chứng khoán khi các công ty chứng khoán dựa vào các phân tích kỹ thuật để rồi đưa ra những nhận định theo kiểu cầm đèn chạy trước ôtô. Nhiều công ty đưa ra con số rất cụ thể là “các đáy mới sẽ liên tiếp được xác lập, chứng khoán có thể giảm về dưới 400 điểm" rồi khuyên “nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài thị trường”. Theo ông Lê Đạt Chí - ĐH Kinh tế TP.HCM, thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các nhận định như vậy.

Nhiều nhà đầu tư nói dù giá nhiều cổ phiếu ở mức hợp lý để mua, thậm chí rất sốt ruột khi thấy khối ngoại mạnh tay gom cổ phiếu nhưng họ vẫn lo ngại chưa tham gia.

Một số nhà đầu tư bức xúc cho rằng nhiều công ty chứng khoán đưa ra các khuyến cáo khá mâu thuẫn. Các công ty này kêu gọi nhà đầu tư chỉ nên tham gia khi thanh khoản của thị trường được cải thiện. Nhưng nếu các nhà đầu tư đều làm theo khuyến cáo này, tức là khoanh tay đứng nhìn, thì lấy đâu sức cầu để tăng thanh khoản cho thị trường.

Trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng sau khi đã bán chứng khoán, một số công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư đã cổ vũ cho thị trường đi xuống.

HẢI ĐĂNG

Nhiều tin đồn, bình luận thiếu cơ sở

Xung quanh các tin đồn liên quan đến chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

* Ông nghĩ sao khi nhiều công ty chứng khoán bình luận rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất cơ bản?

- Theo tôi, nhận định đó là không có cơ sở. Hiện nay doanh nghiệp đang vay vốn được bù 4% lãi suất, chỉ phải trả 6,5%. Từ đầu năm 2010, hết bù lãi suất vay ngắn hạn, doanh nghiệp phải trả 10,5%. Nhưng với các khoản vay mới, phải theo trần lãi suất 12%/năm tính theo lãi suất cơ bản đã điều chỉnh trong tháng 12-2009. Như vậy, chi phí lãi vay đã tăng gần gấp đôi. Nếu tăng thêm lãi suất cơ bản, trần lãi suất cho vay tăng thêm chẳng khác nào gây thêm khó cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, lạm phát do nhiều nguyên nhân, do tiền tệ, thiên tai, do yếu tố bên ngoài như giá dầu tăng... Bệnh nào bốc thuốc đó, đâu phải cứ lạm phát là phải tăng lãi suất cơ bản.

Một điều cần lưu ý nữa là Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay trung, dài hạn. Nếu tăng thêm lãi suất cơ bản thì việc hỗ trợ lãi suất này sẽ vô tác dụng. Tôi cho rằng trong điều hành nếu có thể được cần phải giảm lãi suất cơ bản chứ không phải tăng.

* Giá chứng khoán cũng trồi sụt theo các tin đồn bơm, rút tiền, vấn đề thanh khoản của ngân hàng hiện nay ra sao?

- Đúng là thời gian qua có vấn đề về thanh khoản. Dư nợ tín dụng tăng cao trong khi cung tiền từ Ngân hàng Nhà nước lại thấp hơn nhiều. Điều này thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng có lúc lên đến 16%. Vấn đề thanh khoản của ngân hàng cũng đã ảnh hưởng đến thanh khoản của nền kinh tế. Một số doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã được giải quyết. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm chỉ còn 12-14%. Các ngân hàng cũng xác nhận tình hình được cải thiện. Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp nhiều hơn thông qua hoạt động của thị trường mở.

* Nhưng chẳng lẽ cứ chấp nhận phải sống chung với tin đồn?

Theo tôi, các công ty chứng khoán phải có trách nhiệm hơn với các thông tin, nhận định của mình. Cần phải thông tin nhiều chiều và đầy đủ để tránh hiểu lầm. Nhà đầu tư cũng cần tự nâng mình lên. Nhưng quan trọng hơn là Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần phải cụ thể, chủ động hơn khi công bố các chỉ số cơ bản của nền kinh tế để tránh suy đoán, bình luận sai lệch. Như việc công bố chỉ số giá tiêu dùng, số liệu về nhập siêu cũng nên có những giải thích rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn xung quanh con số nhập siêu của năm 2009 có nhiều góc cạnh, nhưng người ta chỉ làm to chuyện về nhập siêu mà bỏ qua các góc cạnh khác như nhập siêu giảm rất nhiều so với năm 2008, hoặc không đề cập các nguồn ngoại tệ khác có thể bù đắp cho khoản thâm hụt của cán cân thương mại...

T.SƠN

************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=353877&ChannelID=86

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Giá vàng, chứng khoán cùng rơi thẳng đứng


Thứ Tư, 09/12/2009, 11:18 (GMT+7)

Giá vàng, chứng khoán cùng rơi thẳng đứng

TTO - Đêm 9-12 giá vàng thế giới đã bất ngờ đứt phanh ở ngưỡng 1.163 USD/ ounce và trượt dài, lúc thấp nhất sáng nay chỉ còn 1.126 USD/ ounce. Giá vàng trong nước sáng 9-12 mở cửa ở 27,8 triệu đồng/ lượng nhưng đến 10g tăng lên 27,82 triệu đồng/ lượng.

>> Giá vàng thế giới bất thường do đầu cơ

Sau một thời gian liên tục tăng nóng, những phiên gần đây giá vàng thế giới chơi trò ú tim vì liên tục lao lên, giật xuống. Trong bốn phiên giao dịch gần nhất, có ba phiên giá vàng rơi thẳng đứng, chỉ duy nhất ngày 8-12 giá vàng bất ngờ bật lên gần 30 USD/ ounce, tương đương 700.000 đồng/ lượng, nhưng ngay sau đó lại giảm gần 40 USD/ ounce, tương đương 950.000 đồng/ lượng.

Đà giảm của giá vàng quá mạnh thời gian gần đây đã gây kinh ngạc cho giới kinh doanh. Chỉ sau bốn phiên lao dốc, giá vàng thế giới đã mất tổng cộng 100 USD/ ounce, tương đương 23,5 triệu đồng/ lượng, gần bằng mức tăng cả tháng qua.

Có thực tế là thị trường đang “xa lánh” vàng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết từ đầu tuần đến nay giá vàng trong nước liên tục giảm nhưng người dân chẳng mấy ai mua. Giao dich thấp hơn cả đợt giá tăng vừa qua. Mua bán lúc này vẫn chủ yếu là các cửa hàng vàng tư nhân, đánh lên đánh xuống vàng miếng. Tuy nhiên những tiệm vàng cũng không dám chủ quan vì rất dễ đoán sai hướng. Như ngày 7-12, nhiều tiệm vàng đồng loạt bán ra chờ giá xuống mua lại nhưng không ngờ ngày 8-12 giá vàng bất ngờ đảo chiều, tăng đến hơn 300.000 đồng/ lượng.

Các công ty kinh doanh vàng lớn cho biết hết sức cẩn trọng trong giao dịch vì rủi ro quá cao. Thường khách hỏi mua vàng, công ty vàng sẽ chốt giá ba đầu: giá bán cho khách, giá USD tự do và giá vàng bán ra của SJC hoặc giá chênh lệch mà SJC cộng thêm khi đổi từ vàng nguyên liệu ra vàng miếng. Nếu được giá thì các công ty này mới dám làm.

Mua vàng lúc này hết sức rủi ro vì chênh lệch giá trong nước - thế giới vẫn lên đến 800.000 đồng/ lượng, dù đã quy đổi theo tỉ giá tại thị trường tự do. Quy đổi theo giá USD niêm yết tại ngân hàng thì chênh lệch lên đến 2,2 triệu đồng/ lượng.

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân cùng gây sức ép lên giá vàng lúc này. Tuy nhiên nguyên nhân chính dẫn đến giảm giá mạnh tối 8-12 là do sự phục hồi của đồng USD và quỹ đầu tư dựa vào vàng lớn nhất thế giới là SPDR bán ra 13,71 tấn vàng.

Chính khối lượng vàng bán quá lớn đã gây hoang mang cho các tổ chức và cá nhân đầu cơ khác, vì trước đó quỹ này liên tục mua vào để dẫn dắt thị trường nhưng khối lượng mua rất nhỏ. Do vậy 13 tấn vàng bán ra lớn hơn nhiều so với khối lượng vàng mà các tổ chức này đã mua vào trước đó làm thị trường phán đoán đã đến thời điểm rút quân. Hiện tổng lượng vàng quỹ này còn nắm giữ đã xuống mức 1.116,25 tấn.

Sau nhiều ngày dự đoán giá lên, nhiều bản tin tư vấn đang đặt câu hỏi liệu đâu là đáy của đợt giảm giá này. Theo bản tin phân tích của Công ty vàng SBJ, lực mua sẽ xuất hiện trở lại khi giá vàng thế giới ở mốc 1.000-1.100 USD/ ounce và là nhân tố đẩy giá tăng.

* Thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một phiên lao đao khi chỉ số VN-Index tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm mạnh 17,84 điểm (tương đương giảm 3,65%) xuống 470,63 điểm.

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán ACB - Ảnh T.Đạm

Chốt phiên, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường cải thiện hơn phiên hôm qua, đạt 46,1 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.802,6 tỉ đồng. Cổ phiếu đồng loạt giảm giá, trong đó có đến 122 mã giảm sàn.

Diễn biến trên thị trường hôm nay chỉ có 8 mã tăng giá, trong khi có tới 174 mã giảm giá và 9 mã đứng giá tham chiếu. Các cổ phiếu tăng giá phiên này là BT6, DMC, SSC, VNL, DCC, ST8, IFS, NBB; trong đó cổ phiếu VNL của Công ty cổ phần Giao nhận và vận tải tăng hai phiên liên tiếp lên 24.000đ/cp.

Các cổ phiếu lớn của nhiều ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán... đều giảm giá như: STB giảm 1.100 đồng còn 22.900 đồng/cp, PVF giảm 1.500 đồng còn 29.500 đồng/cp, EIB giảm 900 đồng còn 22.900 đồng/cp, CTG giảm 1.400 đồng còn 27.700 đồng/cp, VCB giảm 1.700 đồng còn 43.000 đồng/cp...

* Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm mạnh 7,48 điểm (tương đương 4,81%) còn lại 147,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường đạt 18,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 529,8 tỉ đồng.

* Thị trường chứng khoán thế giới trong phiên hôm qua cũng chứng kiến đợt lao dốc mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm 1% xuống mức 1.091,94 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 104,14 điểm xuống mức 10.285,97 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số Dow Jones Stoxx 600 của khu vực giảm 1,6% xuống 244,01 điểm, chỉ số DAX của Đức giảm 1,7% xuống 5.688,58 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,7%, đóng cửa ở mức 5.223,13 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau những biến động trong thời gian qua, theo nhận định của các chuyên gia, nhà đầu tư theo khuynh hướng “lướt sóng” nay đang dần chuyển sang khuynh hướng “đầu tư theo giá trị” - tức là nhà đầu tư chọn những cổ phiếu có chỉ số tốt: khả năng sinh lời cao, tiềm năng tăng trưởng ổn định và rủi ro thấp… Hầu hết các nhà đầu tư lướt sóng hiện nay rất thận trọng khi tham gia thị trường trong giai đoạn này.

Các công ty chứng khoán khẳng định rằng thị trường hiện nay đang cần thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô để có sức bật dậy. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại tệ, sự khó khăn về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thì Chính phủ sẽ đưa ra những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô rất thận trọng giúp ổn định nền kinh tế thay vì tăng trưởng nóng. Điều đó có nghĩa là dòng tiền đưa vào nền kinh tế sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn và các nhà đầu cơ sẽ bị hạn chế về nguồn vốn cho hoạt động của mình.

Các nhà đầu tư hiện không còn kỳ vọng về sự bật dậy của thị trường trong thời gian còn lại của năm 2009 nên thị trường trở nên rất ảm đạm, người giữ cổ phiếu không muốn bán mạnh vì giá đã quá thấp, người giữ tiền chưa muốn tham gia thị trường vì chưa thấy dấu hiệu đi lên.

A.HỒNG - H.NHƯ

*******************

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=352238&ChannelID=11

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Cổ phiếu lại đua nhau giảm sàn



Thị trường chứng khoán sáng nay trải qua phiên "rực lửa", khi các cổ phiếu đồng loạt đảo chiều giảm giá, sau khi có sự xác nhận từ Chính phủ về việc ngừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào cuối năm nay.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index rơi khỏi ngưỡng tâm lý 500 điểm và đóng cửa ở mức 499,14 điểm, giảm mạnh 15,78 điểm (3,06%). Thanh khoản của thị trường được cải thiện đáng kể so với phiên trước, với 51,7 triệu chứng khoán khớp lệnh thành công, tăng 20%, trị giá 2.014 tỷ đồng.

Cán cân thị trường nghiêng hẳn về phía giảm điểm, với 179 mã đi xuống, trong đó hơn 100 giảm sàn. Chỉ 12 chứng khoán đi lên và không mã nào giữ giá tham chiếu.

Thị trường sáng nay đảo chiều và giảm mạnh.
Ảnh: Hoàng Hà

Thị trường sáng nay lao dốc bất chấp việc chứng khoán Mỹ hôm 1/12 thiết lập mức điểm cao nhất từ đầu năm, do tác động của thông tin trong nước. Chiều qua, đại diện Chính phủ xác nhận ngừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào ngày 31/12, và sẽ sớm có văn bản cụ thể hóa quyết định này. Đây không còn là tin mới, nhưng sự xác nhận của Văn phòng Chính phủ, nơi trước đó thông báo kéo dài hỗ trợ đến hết quý I/2010, vẫn có tác động đến giới đầu tư.

Mặt khác, thanh khoản của thị trường ở mức thấp cũng báo hiệu sự đi lên của thị trường trong những phiên vừa qua là chưa vững chắc. Trước xu hướng chưa rõ ràng của thị trường, nhiều nhà đầu tư tranh thủ hiện thực hóa lợi nhuận sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp vừa qua.

Xu hướng đi xuống được thể hiện ở ngay đầu phiên, khi các lệnh mua phần lớn dưới giá tham chiếu, nhưng đà giảm chưa mạnh bởi sự lưỡng lự của giới đầu tư. Vn-Index lùi nhẹ 7,45 điểm (1,45%) trong đợt khớp lệnh mở cửa, xuống mức 507,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khá cao, 7,7 triệu chứng khoán, trị giá 262,2 tỷ đồng.

Sự lưỡng lự của bên bán có thời điểm giúp Vn-Index thu hẹp khoảng cách mất điểm và chỉ giảm nhẹ hơn 3 điểm. Song càng về cuối phiên, đà bán càng gia tăng và bên mua chững lại, khiến hơn 100 mã rơi xuống giá sàn. Tình trạng giảm "trắng bảng" như cách nhà đầu tư vẫn gọi, tái diễn trên bảng điện tử.

Diễn biến đi xuống của toàn thị trường được nhen nhóm từ chính nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn tăng điểm mạnh và dẫn dắt thị trường đi lên trong vài phiên vừa qua. Mở cửa thị trường, EIB, STB, và cả BVH đồng loạt mất điểm. Đến cuối phiên, STB thậm chí đóng cửa ở giá sàn.

Các mã trụ cột còn lại cũng đều bị bán mạnh. DHG, DPM, FPT, HAG, HPG, PVF, SSI đồng loạt đi xuống.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm mạnh 8,67 điểm (5,14%), và đóng cửa ở mức 165,92 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 23,6 triệu chứng khoán, trị giá 826,7 tỷ đồng.

Trên thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết, UPCoM-Index tăng nhẹ. Đến 11h, chỉ số tiến 0,33 điểm (0,58%), lên mức 57,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 52.000 cổ phiếu, tương ứng 651 triệu đồng.

Ngọc Châu

**********************

source

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Chung-khoan/2009/12/3BA163E2/

Thứ tư, 2/12/2009, 11:44 GMT+7